Cô gái đưa nông sản sạch về phố cổ Hội An
Nhằm hỗ trợ bà con sản xuất nông sản sạch có thị trường tiêu thụ, Thu quyết định làm thương lái. Cô đã giúp người dân địa phương và du khách giảm đi nỗi lo về thực phẩm.
Cô gái đưa nông sản sạch về phố cổ Hội An.
Nhằm hỗ trợ bà con sản xuất nông sản sạch có thị trường tiêu thụ, Thu quyết định làm thương lái. Cô đã giúp người dân địa phương và du khách giảm đi nỗi lo về thực phẩm.
Năm 2010, Ngô Thị Thu (30 tuổi, trú phường Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam) tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng chuyên ngành cử nhân tiếng Anh. Ba năm sau, cô hoàn thành mục tiêu “cú đúp” đại học khi cầm thêm trên tay tấm bằng ngành du lịch (Trường đại học Duy Tân). Chỉ mất nửa năm lăn lộn trong lĩnh vực du lịch, Thu đã nắm quyền quản lý một khách sạn tầm cỡ ở phố cổ Hội An.
Chọn đường đi… buôn
Thu từ bỏ mức lương hậu hĩnh, rẽ hướng theo quyết định không ai ngờ tới: đi buôn. Hết thảy người thân, bạn bè té ngửa vì ngạc nhiên, nhưng Thu lý giải: “Ngày ngày chứng kiến mọi người xung quanh bận tâm trước mối lo vệ sinh thực phẩm, cộng với du khách quốc tế lưu trú ở Hội An băn khoăn trong việc tìm kiếm địa chỉ mua thức ăn đảm bảo, tôi mới nảy ra ý tưởng đưa nông sản sạch về phố cổ. Sau khi tích luỹ một số vốn kha khá, giữa năm 2014 tôi từ bỏ làm du lịch và toàn tâm toàn ý theo đuổi nghề thương lái”.
Để chuẩn bị cho việc cụ thể hóa ý tưởng đưa nông sản sạch đến tay người tiêu dùng, Thu dành cả năm rong ruổi từ Nam chí Bắc. Lặn lội vượt hàng ngàn cây số đến hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn, nữ cử nhân tiếng Anh đã học hỏi kinh nghiệm bày bán mặt hàng nông sản sạch của các cửa hàng phân phối lớn.
Đặc biệt, chuyến khảo sát dài ngày qua không ít địa chỉ trồng rau, trái cây sạch của các tỉnh miền Tây Nam Bộ hay xứ sở Đà Lạt đã giúp Thu thỏa sức lựa chọn đối tác cung ứng nguồn thực phẩm ưng ý nhất.
“Bà đỡ” của nông dân
Cuối năm 2015, một cửa hàng có cả trăm loại rau, củ, thịt… hiện diện ở đô thị cổ. Không ai khác, chính cô gái mang khát vọng đưa nông sản sạch về phố là chủ nhân của Xanh Xanh Shop, TP Hội An.
“Ngoài trái cây Nam Bộ, rau củ Đà Lạt được chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, tôi nhập thêm nguồn nông sản nước ngoài. Đó là nho của Mỹ; trái cherry của Úc; kiwi, táo đến từ New Zealand. Tuy nhiên, ưu tiên hàng đầu vẫn là tiêu thụ các mặt hàng sạch do bà con nông dân trong nước cất công làm ra như cam (TP Vinh, Nghệ An); rau củ Đà Lạt được chứng nhận Global GAP; tỏi, hành (huyện đảo Lý Sơn). Một điều hết sức đáng mừng là người dân địa phương lẫn du khách đến chọn mua thực phẩm ngày một đông và bày tỏ sự yên tâm tuyệt đối” – Thu vui vẻ chia sẻ.
Tôi thuê nhà và định cư ở phố cổ Hội An được gần ba tháng. Từ khi biết đến địa chỉ cung cấp nguồn thực phẩm sạch của Thu, ngày nào vợ chồng tôi cũng ra đây mua sắm. Nông sản vừa tươi ngon vừa hợp vệ sinh
Ông HANS (du khách đến từ Hà Lan)
Hai năm trở về trước, nông dân trồng rau sạch Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP Hội An) luôn gặp khó khăn trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, bài toán ấy đã được giải đáp kể từ ngày Thu đến làng.
Không do dự, cô quyết định mua hết rau quả có chứng nhận của hàng chục hộ dân chuyên sản xuất rau sạch có tiếng trong vùng. “Tôi xem việc tiêu thụ nông sản của bà con nơi mình sinh sống là trách nhiệm. Hiện tại, ngoài rau Thanh Đông, tôi còn nhận thịt heo sạch của một trang trại chăn nuôi ở huyện Quế Sơn.
Giá của nông sản địa phương cũng không thua kém gì so với các tỉnh, thành khác nhập về. Sắp tới tôi dự định khảo sát thêm một số địa chỉ sản xuất nông sản sạch trên địa bàn tỉnh và sẵn sàng đứng ra nhận tiêu thụ giúp bà con quê mình” – Thu cho hay.
Nhắc đến Ngô Thị Thu, bà Nguyễn Thị Vân (trưởng Phòng kinh tế Hội An) cho biết: “Với hướng đi mới trong thời gian vừa qua, Thu được xem là “bà đỡ” của nông dân địa phương. Phòng kinh tế tin tưởng Thu sẽ thực hiện tốt chương trình mà đôi bên đã đề ra.
Hi vọng trong tương lai không xa, tất cả người dân và du khách ở phố cổ sẽ được ăn uống sản phẩm đảm bảo chất lượng 100%. Những cửa hàng cung ứng nông sản sạch như của Thu sẽ đáp ứng điều đó”.
Thu đang bận rộn hơn với dự định sắp triển khai. Cô chia sẻ mục tiêu chính mà cô hướng đến trong hành trình đưa nông sản sạch đến tay người tiêu dùng đang sinh sống, làm việc ở Hội An là hầu hết sản phẩm phải có xuất xứ từ chính Hội An.
Nói rõ hơn về điều này, chủ nhân của Xanh Xanh Shop nhấn mạnh: “Tôi đang phối hợp với Phòng kinh tế Hội An xây dựng chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm nông sản sạch”.
Theo dự án này, chúng tôi sẽ hướng dẫn bà con từng xã, phường phát triển một mô hình trồng rau, củ sạch hiệu quả. Tất nhiên, kèm theo đó là việc mở rộng chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm nhằm giúp người tiêu dùng có điều kiện chọn lựa tốt hơn”.