24/01/2025

Thiếu nợ, Sri Lanka giao cảng chiến lược cho Trung Quốc

Bất kể việc Sri Lanka khẳng định Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng cảng Hambantota vào mục đích dân sự, nhưng bản hợp đồng cho thuê cảng chiến lược này trong 99 năm của Sri Lanka vẫn khiến các nước trong khu vực lo ngại.

 

Thiếu nợ, Sri Lanka giao cảng chiến lược cho Trung Quốc.

 

Bất kể việc Sri Lanka khẳng định Trung Quốc sẽ chỉ sử dụng cảng Hambantota vào mục đích dân sự, nhưng bản hợp đồng cho thuê cảng chiến lược này trong 99 năm của Sri Lanka vẫn khiến các nước trong khu vực lo ngại.


Thiếu nợ, Sri Lanka giao cảng chiến lược cho Trung Quốc - Ảnh 1.

Cảng Hambantota thuộc bờ biển phía nam của Sri Lanka – Ảnh: AFP

Sau một thời gian chật vật vì nợ tiền doanh nghiệp Trung Quốc, cuối tuần qua, Chính phủ Sri Lanka rốt cuộc đã chính thức bàn giao quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm.

Trước đó, hồi tháng 7, Công ty China Merchants Port Holdings của Trung Quốc đã chấp thuận bỏ 1,12 tỉ USD mua 70% cổ phần tại cảng Hambantota. Trong ngày 10-12, China Merchants Port Holdings đã thanh toán 30% cho Chính phủ Sri Lanka để nhận quyền vận hành cảng.

Cái giá từ đầu tư “khủng”

Những năm qua, cùng với chiến lược triển khai sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Quốc tăng cường sự hiện diện của họ tại Ấn Độ Dương. Bắc Kinh đã đổ nhiều tỉ USD để xây dựng các cơ sở cảng biển, quy hoạch những tuyến thương mại trên biển để khuếch trương năng lực và quy mô tiếp cận thị trường về sau.

 

Khi cuộc nội chiến 27 năm của Sri Lanka kết thúc năm 2009, tổng thống nước này khi đó là ông Mahinda Rajapaksa đã mong muốn lột xác Hambantota – vùng quê nhà nghèo khó của ông – trở thành trung tâm du lịch và thương mại đẳng cấp thế giới. Và khi đó Trung Quốc lập tức bày tỏ “tình thương mến thương”.

Thị trấn này nằm ở vị trí rất chiến lược, chỉ cách tuyến vận tải đường biển sống còn trên Ấn Độ Dương vài dặm về phía bắc. Đây cũng là tuyến vận tải đường biển mà hơn 80% lượng dầu mỏ nhập khẩu của Trung Quốc phải đi qua. Một cảng biển ở đây sẽ là yếu tố “điểm xuyết” quan trọng cho “chuỗi ngọc trai” mà Trung Quốc bắt đầu “xâu kết” lại dọc theo cái mà họ gọi là “Con đường tơ lụa trên biển”.

Theo một số chuyên gia quốc tế, bản hợp đồng cho thuê cảng Hambantota có thể đặt ra một tiền lệ xấu cho Sri Lanka và những quốc gia khác cũng đang nợ tiền Trung Quốc. Theo đó, họ có thể chấp nhận những thoả thuận liên quan tới việc phải hi sinh cả quyền chủ quyền ở một số vùng lãnh thổ hay tài sản quốc gia chỉ để… trừ nợ.

Ông Constantino Xavier, một học giả tại Tổ chức Carnegie India ở New Delhi, cho rằng sự lệ thuộc vì nợ nần của Sri Lanka với Trung Quốc dẫn tới bản hợp đồng cho thuê cảng biển chiến lược là hồi chuông cảnh tỉnh với một số quốc gia. Ông nói: “Các nước trong khu vực bắt đầu nhận ra những cái giá về lâu dài họ phải trả từ những cam kết đầu tư khổng lồ của Bắc Kinh”.

Ấn Độ cảnh giác

Cùng với Sri Lanka, Bắc Kinh cũng đã có những chiến lược tạo ảnh hưởng rõ ràng tại Maldives, một quốc đảo khác cũng thuộc Ấn Độ Dương. Cuối tháng 11 vừa qua, hai bên đã đạt được một thỏa thuận tự do thương mại song phương, mở đường cho những liên kết và hợp tác sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Động thái thâu tóm cảng Hambantota đã làm dấy lên những cảnh báo quan ngại với Ấn Độ. New Delhi lo ngại trước những bước đi kiểu khuếch trương sự hiện diện của Bắc Kinh cả về kinh tế lẫn chiến lược trong khu vực Ấn Độ Dương. 

Ấn Độ đã bị áp đảo trước thế tiến công của Trung Quốc vào khu vực sân sau chiến lược của họ”

Ông Constantino Xavier học giả tại Tổ chức Carnegie India ở New Delhi

Bất chấp việc chính quyền Sri Lanka khẳng định việc doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm cảng biển Hambantota chỉ thuần túy phục vụ mục đích dân sự, nhưng có lẽ sự việc không đơn giản như vậy. Nguồn tin của báo New York Times cho biết Sri Lanka đang nợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hơn 8 tỉ USD.

“Cái giá phải trả cho việc giảm bớt nợ vay của Trung Quốc có thể sẽ còn đắt hơn gấp nhiều lần so với gánh nặng nợ nần mà Sri Lanka đang tìm cách trả dần” – ông N. Sathiya Moorthy, chuyên gia nghiên cứu cấp cao về Sri Lanka tại Quỹ nghiên cứu Observer ở New Delhi, nhận định.

Hiện tại, Bắc Kinh mới chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài của lực lượng hải quân thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA). Đó là căn cứ quân sự ở Djibouti thuộc Cộng hòa Djibouti, một quốc gia nằm ở vùng Sừng châu Phi, chính thức khai trương tháng 8 năm nay. Vì lẽ đó, giới quan sát tại Ấn Độ lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng cảng biển Hambantota làm trạm cung ứng cho lực lượng hải quân nước này trong tương lai.

Cảm nhận rõ nguy cơ “lấn sân” của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương, chính giới Ấn Độ rõ ràng không thể làm ngơ trước việc các máy móc xây dựng của Trung Quốc hối hả hoạt động tại thủ đô Sri Lanka. 

Để ứng phó nguy cơ bất cân xứng này, Ấn Độ đã hợp tác với Nhật Bản phát triển một cảng biển tại vùng bờ biển phía đông của Sri Lanka và hiện cũng đã bước vào các vòng đàm phán để giành quyền đầu tư vào một sân bay gần Hambantota.

Hơn 8 tỉ USD nợ công Sri Lanka vay Trung Quốc làm gì?

Hơn 8 tỉ USD nợ công đã được đầu tư cho những dự án hạ tầng cho tới nay đã không hề phát huy hiệu quả kinh tế cho Sri Lanka. Đó là tuyến xa lộ 4 làn đi ra từ thị trấn Hambantota trống trải tới mức những đàn voi hoang tràn xuống đường còn nhiều hơn xe cộ thực tế. Đó là sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa, sân bay lớn thứ 2 tại Sri Lanka, vốn được thiết kế để phục vụ 1 triệu khách mỗi năm nhưng hiện chỉ giải quyết khoảng vài chục khách mỗi ngày.

Được mệnh danh là “sân bay vắng vẻ nhất thế giới, Mattala Rajapaksa hiện cho thuê các ga hàng hoá làm chỗ chứa gạo thay vì phục vụ các hoạt động hàng không. Có tới 350 nhân viên an ninh ở đây chủ yếu được huy động để… đuổi thú hoang.

D.KIM THOA