Đề thi mở, mở cánh cửa sáng tạo
Đề thi càng gắn với thực tế cuộc sống, học sinh càng có cơ hội làm bài một cách sáng tạo, không theo khuôn mẫu.
Đề thi mở, mở cánh cửa sáng tạo.
Đề thi càng gắn với thực tế cuộc sống, học sinh càng có cơ hội làm bài một cách sáng tạo, không theo khuôn mẫu.
Việc ra đề thi mở được các nhà giáo, phụ huynh… ủng hộ và đề nghị phát huy. Tuổi Trẻ giới thiệu một số ý kiến:
Đánh thức quan điểm, chính kiến
Từ bài viết của mình, học sinh sẽ thực hiện tranh luận xã hội thông qua một câu chuyện, một bài báo cụ thể, và đưa ra chính kiến của bản thân. Đó chính là cách ra đề giúp học sinh tránh kiểu giáo dục áp đặt ăn mòn.
Dạy học sinh các giá trị sống phải gắn liền với thực tế. Ví dụ, chúng ta không thể dạy trẻ trung thực chung chung, hoặc những bài giáo dục công dân về việc trẻ có hiếu với cha mẹ một cách sáo rỗng.
Hãy đánh thức quan điểm, chính kiến của học sinh, để các em lớn lên có thể phân biệt được đúng – sai, phải – trái, báo hiếu như thế nào cho đúng… Hãy trao cho trẻ cơ hội được phán xét, được tranh luận, được suy ngẫm, thay vì bị bó khuôn trong quan điểm của người lớn.
Nếu học sinh được thoải mái nêu quan điểm của mình, sẽ bớt đi các bài văn bám theo văn mẫu để đạt điểm cao. Đồng thời có thể khơi gợi, gợi mở sự sáng tạo, phát huy được tư duy của học sinh, hướng sự quan tâm của các em đến các vấn đề trong xã hội.
Người ta nói: nếu cửa vẫn đóng thì gió thổi vào bằng cách nào? Vì thế, đưa tính thời sự vào đề thi là cách làm sáng tạo và nên được nhân rộng. Qua đó, tránh được tình trạng học tủ, học vẹt hiện nay; đánh trúng tâm lý, mong muốn được bày tỏ chính kiến của học sinh.
Đề thi theo tiêu chí giáo dục và văn hoá
Đề thi cần cập nhật thời sự cuộc sống, tuy nhiên, tuyệt đối không cập nhật một cách dễ dãi những vấn đề xã hội, mà nên chọn lọc theo tiêu chí giáo dục và văn hóa để tránh lệch lạc trong nhận thức của trẻ.
Tôi được biết trên thế giới có hẳn một phương pháp giảng dạy tất cả các môn dựa trên mọi thông tin hay sự kiện xã hội đã và đang diễn ra. Qua đó, học sinh được “nhập cuộc”, được xem là trung tâm phân tích, bình luận thông tin, chia sẻ góc nhìn của mình.
Đồng thời, các em được lắng nghe nhiều quan điểm khác nhau, được hướng dẫn kịp thời để rút ra bài học. Lúc này, học sinh được là chủ nhân thực sự của buổi học, còn giáo viên chỉ là người định hướng cho các em.
Những đề thi “mở” chính là cách mở cánh cửa sáng tạo, tự chủ của học sinh…
Rèn phẩm chất của chính mình khi làm bài
Khi cuộc sống phả sức sống vào bài học, cụ thể ở đây là đề thi, thì mọi lý thuyết đều “trở nên xám xịt”; chỉ còn lại những suy nghĩ, cảm nhận, cảm xúc thật trước những vấn đề, những tình huống, sự việc xảy ra hằng ngày, xung quanh mình.
Khi học sinh thể hiện ý kiến của mình trong bài làm, chính là lúc các em đang tự rèn luyện, củng cố phẩm chất của chính mình. Đó là lòng biết ơn cha mẹ, là sự trung thực, dũng cảm; là tình thương yêu bè bạn; là sự chia sẻ, đồng cảm với người xung quanh…
Từ lý thuyết khô khan của bài học trên lớp, thông qua suy nghĩ, cảm xúc của mình, học sinh sẽ có cơ hội nhìn sâu vào mọi góc cạnh của cuộc sống; biết chắt lọc, giữ lại những gì tốt đẹp, trong sáng, và biết loại bỏ những gì không tốt để từng bước tự hoàn thiện chính mình.
Để có những đề thi “mở” từ cuộc sống…
* Thứ nhất, ban giám hiệu các trường định hướng cho giáo viên qua các đợt bồi dưỡng hè (chuẩn bị năm học mới), các kỳ sinh hoạt hội đồng, sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn. Có gợi mở lý luận, có hướng dẫn, làm mẫu, chia sẻ kinh nghiệm.
* Thứ hai, giáo viên phải siêng đọc sách, báo, nghe đài. Đấy là nguồn học liệu quý, đa dạng, phong phú. Giáo viên cần nghiên cứu việc sử dụng nguồn học liệu này như thế nào, đưa vào nội dung kiểm tra đến đâu, yêu cầu với học sinh ra sao…
* Thứ ba, để học sinh không bỡ ngỡ với dạng đề thi “mở” từ cuộc sống, các em cần được hướng dẫn, thực hành. Phản ứng tích cực từ học sinh chính là kết quả của quá trình chuẩn bị tốt, và là động lực để thầy cô tiếp tục đổi mới việc kiểm tra. Không chỉ là đề thi mà còn là nội dung giảng dạy, việc thí nghiệm – thực hành, việc cho điểm… tất cả đều theo hướng “mở”, phủ kín các môn học và xuyên suốt trong năm học.
* Thứ tư, tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho học sinh thông qua dạy học dự án, chuyên đề, sinh hoạt chào cờ đầu tuần; xây dựng thói quen đọc sách trong học sinh. Có đọc sách mới làm được đề thi “mở” từ cuộc sống, và từ yêu cầu của những đề thi dạng này, lại rèn cho học sinh thói quen đọc sách.
* Cuối cùng, ban giám hiệu, hiệu trưởng chính là đầu tàu của mọi sự đổi mới. Từ đấy lan tỏa tinh thần yêu sách, chăm đọc; nhạy bén với tình hình thời sự trong nước – quốc tế; và là nguồn cảm hứng để thầy cô có nhiều đề thi “mở” từ cuộc sống thật hay, sâu sắc, thuyết phục, có tính giáo dục cao.