Biển Đông – một năm sóng ngầm dưới bề mặt yên ả
Trung Quốc nỗ lực xoa dịu tranh chấp trên Biển Đông trong năm qua với các khoản đầu tư, hỗ trợ và cam kết sẽ đàm phán với các nước láng giềng trong khi Mỹ giữ im lặng.
Biển Đông – một năm sóng ngầm dưới bề mặt yên ả.
Trung Quốc nỗ lực xoa dịu tranh chấp trên Biển Đông trong năm qua với các khoản đầu tư, hỗ trợ và cam kết sẽ đàm phán với các nước láng giềng trong khi Mỹ giữ im lặng.
Trung Quốc coi mối đe doạ an ninh lớn nhất là sự do thám và giám sát của Mỹ trên Biển Đông. Việc ngăn và đánh bật sự hiện diện quân sự của Mỹ đối với Trung Quốc còn quan trọng hơn chủ quyền hay toàn vẹn lãnh thổ
Chuyên gia Yun Sun của Chương trình Đông Á, Trung tâm Stimson tại Mỹ
Biển Đông lặng sóng giúp Bắc Kinh né các chỉ trích tham vọng độc chiếm khu vực và giảm nguy cơ xảy ra xung đột. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Trung Quốc chấm dứt các hoạt động xây dựng trên Biển Đông.
Yên ắng
Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng quan hệ với các nước trong khu vực trong năm 2017. Với tiềm lực kinh tế mạnh và sáng kiến “một vành đai, một con đường” trị giá 900 tỉ USD, Bắc Kinh mạnh tay rót đầu tư và viện trợ cho các nước tranh chấp.
Theo đó, Malaysia đã đồng ý mua tàu hải quân từ Trung Quốc, đối tác thương mại và đầu tư hàng đầu tại nước này, trong khi Philippines sau khi kết thân với Bắc Kinh cũng nhận được cam kết đầu tư hơn 24 tỉ USD.
Đó là chưa kể trong năm nay Manila cũng thảo luận việc nhận 8,3 tỉ USD từ Trung Quốc cho các dự án hạ tầng ở Philippines. Tại Việt Nam, số du khách Trung Quốc cũng tăng 45%.
Năm qua cũng không xảy ra xung đột nghiêm trọng nào trên Biển Đông ngoại trừ việc Philippines cảnh báo các hoạt động của Bắc Kinh gần khu vực mà Manila chiếm giữ ở quần đảo Trường Sa.
Ngược lại, tình hình có vẻ thuận lợi khi Trung Quốc tháng trước đồng ý ngồi xuống đàm phán với 10 thành viên ASEAN trong năm 2018 về Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), chỉ ba tháng sau khi khuôn khổ bộ quy tắc được ngoại trưởng các nước thông qua.
Mặt khác, Bắc Kinh cũng thuyết phục Philippines thương lượng riêng về các tranh chấp lãnh hải và mới đây đã nhất trí tránh sử dụng vũ lực để giải quyết các bất đồng.
Trong khi đó, một số chuyên gia thậm chí tin rằng Trung Quốc đã ngừng việc xây dựng trên Biển Đông. Lần cuối cùng vấn đề này được nhắc đến là vào tháng 6-2017 khi giới quan sát Mỹ cho biết ba công trình của Trung Quốc ở Trường Sa đã “gần hoàn thiện”.
Sóng ngầm
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn tiếp tục củng cố tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, chỉ không rầm rộ bằng các dự án lớn để tránh bị chỉ trích.
Hồi đầu tháng 11-2017, ngay sau chuyến thăm của ông Trump, Bắc Kinh đã trình làng chiếc tàu nạo vét lớn nhất và hiện đại nhất được truyền thông Trung Quốc mô tả là “công cụ xây đảo thần kỳ” dài 140m có thể nạo đến 6.000m3 cát mỗi giờ ở độ sâu 35m dưới mặt nước biển, theo China Daily.
Thông tin khiến giới quan sát lo ngại các hoạt động bồi đắp trái phép vẫn chưa kết thúc và rằng Bắc Kinh chỉ đang câu giờ bằng các nghĩa cử hào phóng.
Đầu tháng này, Trung Quốc cũng xác nhận triển khai chiến đấu cơ J-11 ra đảo Phú Lâm khi chiếu hình ảnh chiếc máy bay di chuyển vào nhà chứa trên đảo.
“Nhà chứa máy bay đặc biệt giúp hiện thực hóa việc thường xuyên triển khai chiến đấu cơ ở Phú Lâm – tờ Thời báo Hoàn Cầu
dẫn lời một nhà bình luận – Các đảo khác cũng có thể dùng các nhà chứa như vậy và khả năng kiểm soát trên không và trên biển của Trung Quốc sẽ tăng lên rất nhiều”.
Trong khi đó, các nước ASEAN trong nhiệm kỳ chủ tịch của Philippines vẫn chưa thể tìm được tiếng nói chung.
“Philippines đã có thể thúc đẩy việc đề cập đến phán quyết Hague trong tuyên bố ASEAN và cũng có thể có lập trường mạnh mẽ hơn đối với việc Trung Quốc quân sự hoá Biển Đông. Philippines dưới thời ông Rodrigo Duterte đã bỏ lỡ cơ hội này” – tờ Rappler bình luận.
Cựu ngoại trưởng Philippines Roberto Romulo cho rằng “thực ra ASEAN cũng chưa hoàn toàn thống nhất do 2-3 nước bị ảnh hưởng bởi Trung Quốc”.
Khuôn khổ COC mà các nước đạt được trong năm 2017 cũng không có nhiều giá trị và có khả năng sẽ không khác biệt so với Tuyên bố về ứng xử các bên ở Biển Đông (DOC).
“Khuôn khổ này còn mập mờ hơn DOC 15 năm trước và chẳng đưa ra được điều gì mới” – chuyên gia Đông Nam Á Gregory Poling nhận định, cho rằng Bắc Kinh sẽ không chấp nhận một COC có tính ràng buộc trong ít nhất 10 năm tới.
Chính sách không đổi
Cho rằng Bắc Kinh đang dùng những “cử chỉ thân thiện” để che đậy các “ý định quyết đoán”, nhà nghiên cứu Fabrizio Bozzato của Hiệp hội Nghiên cứu chiến lược Đài Loan cảnh báo: “Cuối cùng thì chính sách Biển Đông của họ vẫn không đổi. Họ vẫn coi Biển Đông là của Trung Quốc. Tôi thấy ý định của họ rõ ràng là biến Biển Đông hoặc phần lớn Biển Đông thành của Trung Quốc vào năm 2030”.