‘Cẩm nang’ cho người trẻ khởi nghiệp
Một cuốn sách không hàn lâm, không lý thuyết, không sách vở mà ngồn ngộn thực tiễn đời thường để bất kỳ ai có ý định khởi nghiệp sẽ tìm thấy được những điều cần thiết để bắt đầu hành trình.
‘Cẩm nang’ cho người trẻ khởi nghiệp.
Một cuốn sách không hàn lâm, không lý thuyết, không sách vở mà ngồn ngộn thực tiễn đời thường để bất kỳ ai có ý định khởi nghiệp sẽ tìm thấy được những điều cần thiết để bắt đầu hành trình.
Khởi nghiệp (start-up) là “từ khóa” trong nhiều năm gần đây, nhất là khi nhà nước có nhiều chủ trương tạo điều kiện cho người trẻ khởi nghiệp. Để đáp ứng nhu cầu, hàng loạt sách, tài liệu liên quan đến lĩnh vực này xuất hiện trên thị trường. Trong đó Mở cửa khởi nghiệp, sách do Báo Thanh Niên phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ thực hiện tháng 11.2017 nhằm chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, đi theo một hướng riêng: mang giá trị thực tiễn và đề cao khát vọng sáng tạo, không ngại khó khăn, hướng về cộng đồng của người trẻ.
|
Trong cuốn sách này, anh Lê Quốc Phong, Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, có đoạn viết: “Khởi nghiệp hướng về cộng đồng luôn mang lại những giá trị nhân văn. Đó cũng là điều chúng tôi mong và khuyến khích thanh niên lựa chọn khi bắt tay khởi nghiệp”.
Thời cơ đã đến
Có lẽ chưa bao giờ khởi nghiệp thuận lợi như bây giờ khi từ chính phủ cùng các bộ, ngành, địa phương, cho đến các trường học… đều bàn đến vấn đề này. Từ những hội nghị, hội thảo, diễn đàn chính thức đến những hoạt động, trao đổi ở những trường đại học, các tổ chức… đều nhắc đến khởi nghiệp như là một trong những nhân tố thúc đẩy cho sự phát triển của xã hội, sự phồn thịnh của quốc gia.
Phần 1 trong quyển sách Mở cửa khởi nghiệp sẽ cung cấp cho người đọc một “lộ trình” tràn đầy cơ hội. Đường đi đã được vạch ra, phương tiện cũng đã được cung cấp, nhiên liệu trao tận tay… Tất cả đã sẵn sàng. Người trẻ chỉ cần có ước mơ, biết đam mê, chịu dấn thân, khao khát phụng sự, chấp nhận mạo hiểm thì cơ hội khởi nghiệp sẽ trong tầm tay.
TIN LIÊN QUAN
Khởi nghiệp cần vốn nhưng quan trọng số một vẫn là khát vọng
Khởi nghiệp thì cần vốn đầu tư nhưng quan trọng nhất vẫn là khát vọng, là ý chí sáng tạo để tìm ra những lợi thế và giải quyết khó khăn khi khởi nghiệp.
Làm chủ hay làm thuê suốt đời ?
Mọi thứ đã sẵn sàng nhưng không phải cứ bắt tay thực hiện thì thành công. Người khởi nghiệp sẽ còn phải đối diện với vô vàn thách thức khôn lường. Phần 2 của cuốn sách được xem như “kim chỉ nam” cho người khởi nghiệp khi các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này chỉ ra những cái “bẫy” trong kinh doanh qua những câu chuyện từ thực tế.
Bên cạnh sự sáng tạo, đột phá với hoài bão to lớn, luôn cần có nền tảng kiến thức cơ bản để tránh được những rủi ro thất bại từ sự thiếu hiểu biết. Đó còn là việc đi tìm câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở của người khởi nghiệp “Đầu tư từ đâu?”. Cũng có thể là một lời khuyên có ý nghĩa tinh thần như để xây dựng doanh nghiệp vững mạnh thì cần sự kiên nhẫn, đừng bỏ cuộc dễ dàng và cũng đừng chần chừ quá lâu để theo đuổi giấc mơ. Thách thức đôi khi cũng đến từ chính bản thân chúng ta. Trong trường hợp này, các chuyên gia cho rằng công thức thành công là khi bạn hiểu rõ mình đang làm gì để quyết định làm chủ hay làm thuê suốt đời. Ở góc độ pháp lý, các chuyên gia cung cấp những tình huống mà người khởi nghiệp cần quan tâm nếu không sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường, có khi dẫn đến mất công ty.
Từ ước mơ đến hiện thực
Đây là phần tràn đầy sức sống thực tế nhất của cuốn sách khi cho người đọc thấy được những mô hình khởi nghiệp của người trẻ VN trong và ngoài nước. Bạn đọc sẽ đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác, từ ngạc nhiên đến thán phục, từ ngỡ ngàng đến ngưỡng mộ trước những ý tưởng kinh doanh độc đáo của người trẻ. Bạn có thể tưởng tượng được rằng có người kinh doanh cả giấc ngủ trưa? Có người bán cả “hộp khí hậu”… Bên cạnh đó, có những điều hết sức bình thường tưởng như không thể làm khác đi được nhưng khi muốn làm mới, vẫn sẽ mới đến mức bất ngờ như sản phẩm nhang sạch, máng cho heo ăn, sáo trúc, hương liệu từ cây trái miền quê, thêm “áo mới” cho món ăn cũ, bất ngờ từ xơ dừa…
Có thể nói, với người trẻ đam mê khởi nghiệp thì không có gì là không thể. Từ ước mơ đến hiện thực đôi khi chỉ bằng sự quyết tâm.
TIN LIÊN QUAN
‘Các bạn trẻ khởi nghiệp phải chấp nhận văn hóa thất bại’
Lãnh đạo Bộ Khoa học – Công nghệ chia sẻ, các bạn sinh viên khởi nghiệp phải chấp nhận văn hóa thất bại, lần 1, lần 2 đều có thể thất bại, lần 3 mới có kinh nghiệm, những ‘nhà đầu tư thiên thần’, nhà hỗ trợ mới bỏ tiền vào.
Đứng lên sau vấp ngã
Khởi nghiệp không có nghĩa là thành công! Tuy cay đắng nhưng đây chính là sự thật. Để hạn chế tối đa những thất bại không gì bằng tìm hiểu trải nghiệm thực tiễn của những người đi trước. Một phần quan trọng trong quyển sách là chia sẻ con đường đi tới thành công bằng chính kinh nghiệm “xương máu” của những nhà khởi nghiệp. Họ sẽ chỉ ra cách để quản trị một doanh nghiệp, quan tâm đến trí tuệ nhân lực, cách tuyển dụng người, cách gọi vốn, chiêu thu hút người giỏi, làm sao có ý tưởng mới, cách đứng lên sau khi vấp ngã…
Bệ phóng cho sinh viên
Không chỉ đào tạo, ngày nay các trường ĐH chính là bệ phóng để sinh viên khởi nghiệp. Cuốn sách Mở cửa khởi nghiệp dành một phần nội dung nói về những mô hình cũng như phong trào khởi nghiệp ở các trường ĐH của VN cũng như trên thế giới.
|
Nhiên An