14/01/2025

Mua hàng từ nước ngoài: làm sao để tránh rủi ro?

Mua sắm thông qua các trang mua sắm trực tuyến sau đó vận chuyển về Việt Nam đã không còn là chuyện gì mới mẻ.

 

Mua hàng từ nước ngoài: làm sao để tránh rủi ro?

 

Mua sắm thông qua các trang mua sắm trực tuyến sau đó vận chuyển về Việt Nam đã không còn là chuyện gì mới mẻ.

 

 

Mua hàng từ nước ngoài: làm sao để tránh rủi ro? - Ảnh 1.

Hai bạn gái rủ nhau săn hàng hàng online – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tuy nhiên, rủi ro từ những giao dịch này là rất nhiều và ngày càng tinh vi. Làm sao để tránh?

Bị tính tiền gấp đôi

Giáng sinh và Tết dương lịch đang đến, đây chính là thời điểm các website mua sắm từ nước ngoài ồ ạt xả hàng, giảm giá mạnh để tăng doanh số. Tuy nhiên, không phải lúc nào người tiêu dùng cũng gặp may khi mua sắm tại các trang bán hàng nước ngoài.

Là người thường xuyên mua sắm, có kinh nghiệm với hàng hóa từ nước ngoài tuy nhiên mới đây chị Nguyễn Hồng Trang (chung cư Ngô Tất Tố, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn dính “cú lừa” hơn 10 triệu đồng. Chị Trang kể, dịp mua sắm tại Mỹ, “như mọi năm, Black Friday mình tranh thủ mua đồ gì mình cần về sử dụng, năm nay cũng lên tìm kiếm mặt hàng giá rẻ để mua”.

 

Tìm thấy máy xay sinh tố chống ồn, có giá 400USD (hơn 10 triệu đồng) giảm giá còn 99USD (hơn 2 triệu đồng), chị Trang quyết định mua một máy này cho gia đình và mua dùm bạn thêm một máy cùng loại nữa. 

“Nhìn máy này rất đẹp, cứng cáp, giá như vậy là thực sự hấp dẫn, mình cũng tìm hiểu thêm về loại máy xay này nên mới quyết định mua”. Tuy nhiên, sau khi lựa chọn thanh toán, chị Trang mới tá hỏa khi số tiền bị trừ vào thẻ ngân hàng lên tới gần 10 triệu đồng, tức là gấp đôi số tiền thực tế phải trả. 

“Tin nhắn ngân hàng gửi về cho thấy, đơn vị thanh toán được đặt tại Trung Quốc, tỉ giá quy đổi từ đồng USD sang CNY (nhân dân tệ), nếu như vậy thì chênh lệch số tiền sẽ lớn hơn, tuy nhiên gấp đôi là không chấp nhận được”, chị Trang bức xúc.

Ngay lập tức, bằng kinh nghiệm mua sắm, chị email tới trang mua sắm để yêu cầu giải thích cũng như hủy giao dịch. Đến hai ngày sau, hệ thống email mới thông báo tới chị là website không xác nhận việc nhận email. “Đến nước này thì mình đành phải thông báo với ngân hàng để thực hiện tra soát, với hi vọng lấy lại được tiền”, chị Trang chán nản nói.

Không rơi vào tình huống trớ trêu như chị Trang, tuy nhiên chị Bảo Trâm (đường Huỳnh Văn Bánh, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) lại gặp vấn đề với chất lượng hàng hoá. Là người mua sắm sành sỏi, cũng dịp Black Friday, chị Trâm rủ bạn bè cùng tìm mua đồng hồ về để xài. 

“Tìm một hồi phát hiện ra một website có bán đồng hồ giảm giá lên tới 70%, chỉ còn 10USD. Quan trọng là họ cam kết về chất lượng cũng như bảo hành hai năm quốc tế, nên mình cũng hơi chủ quan”, Trâm kể. Đến lúc nhận hàng mới té ngửa: “Sản phẩm nhìn như đồ Trung Quốc, mẫu mã nhìn rất chán, đành mất gần 1 triệu đồng tiền… mua hàng không đảm bảo”, vị khách này nói.

Ngày càng nhiều rủi ro

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc mua hàng từ nước ngoài bây giờ không còn rủi ro ở chất lượng sản phẩm, dịch vụ hay vận chuyển mà ngày càng “tinh vi” hơn với nhiều chiêu cũng như phương thức thanh toán cũng đang bị lạm dụng để chiếm lợi.

Ông Nguyễn Minh Đức, kỹ sư công nghệ cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến cho biết, công nghệ phát triển thì rủi ro liên quan đến thanh toán ngày càng nhiều hơn. Giải pháp đưa ra với người tiêu dùng thông thường, tốt nhất là mua sắm ở các địa chỉ tin cậy. 

Mua hàng từ nước ngoài: làm sao để tránh rủi ro? - Ảnh 2.

Giải pháp tránh rủi ro thanh toán mua hàng qua mạng – Đồ hoạ: ĐÌNH CHIẾN

Phân biệt địa chỉ tin cậy không hẳn thông qua tên các kênh mua bán như Amazon, Walmart hay tên thương hiệu mà cần quan sát trên thanh công cụ, các trang mua sắm tin cậy sẽ có dấu hiệu hình ổ khóa. “Đây là website xác nhận thông tin sẽ được bảo vệ, nhất là các thông tin về tài khoản khi cung cấp cho đơn vị mua sắm”, ông Đức nói. 

Ngoài ra, theo ông Đức, cần trang bị phần mềm bảo mật cho máy tính, sử dụng các mật khẩu khó thay vì đơn giản, và sử dụng thẻ tín dụng (visa debit) thay vì thẻ ghi nợ (credit) để tránh bị rút tiền tối đa nếu bị lộ thông tin.

Trong khi đó, theo chị Hồng Trang, kinh nghiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến thanh toán là liên lạc ngay với ngân hàng phát hành thẻ để được hướng dẫn và có hướng xử lý phù hợp. Bộ phận xử lý giao dịch thẻ của ngân hàng Vietcombank cho biết, trước mắt khách hàng cần liên lạc với website mua sắm nếu thấy giao dịch không đúng số tiền. 

Sau khi nhận được phản hồi của đơn vị bán hàng, ngân hàng sẽ tiến hành tra soát. Thời gian tra soát sẽ kéo dài có thể lên tới 6 tháng. “Việc tra soát gây ra nhiều rắc rối, thậm chí phải hủy thẻ, vì vậy khách hàng nên chủ động tìm hiểu kỹ tránh rủi ro”, vị đại diện này cho biết.

2,87 tỉ USD mua sắm cao điểm 2017

Con số sơ bộ từ Lễ Tạ ơn, Black Friday vừa rồi cho thấy, tổng giá trị hàng hoá giao dịch tại Mỹ đạt con số 2,87 tỉ USD, tăng 18,3% so với năm 2016. Riêng dịp Black Friday năm nay ghi nhận con số 640 triệu USD giá trị từ mảng thương mại điện tử, tăng 18,4% so với năm ngoái.

Có thể thấy truy cập qua smartphone đang dẫn đầu lượng truy cập trong tất cả các thiết bị, chiếm 46% từ ngày 1-11 đến Lễ Tạ ơn. Trong khi đó, lượng truy cập qua máy tính chiếm 44% và 10% là máy tính bảng. Con số này cho thấy mức độ tăng trưởng đáng kể với smartphone khi kỳ nghỉ năm 2016 chỉ ghi nhận lượng truy cập là 39%.

Tỉ lệ mua sắm trực tuyến tại Châu Âu đã tăng gấp hai lần trong 10 năm qua từ 29,7% năm 2007 lên 55% hiện nay. Niềm tin người tiêu dùng cũng tăng mạnh khi chỉ trong vòng một năm với chỉ số niềm tin đối với dịch vụ hàng hóa bán lẻ của các nước đã tăng 12%, còn đối với riêng các nước thành viên châu Âu là 21%.

Trong khi đó, khảo sát của CBRE tại thị trường châu Á cho thấy, 50% người tiêu dùng vẫn trực tiếp mua sắm tại các cửa hàng. Riêng các thị trường nhộn nhịp mới nổi tỉ lệ mua sắm trực tuyến lại cao, 76% người tham gia khảo sát ở Trung Quốc và 68% ở Ấn Độ sử dụng hình thức mua sắm trực tuyến như là cách mua hàng phổ biến nhất. Đây cũng là thực tế tại các thị trường phát triển như Hàn Quốc (73%) và Đài Loan (55%).

D.TUẤN