11/01/2025

Buộc đặt máy chủ tại Việt Nam để thu thuế Facebook, Agoda…?

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đề xuất các trang như Facebook, Agoda… đặt máy chủ hoặc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, buộc thanh toán qua cổng Napas…

 

Buộc đặt máy chủ tại Việt Nam để thu thuế Facebook, Agoda…?

 

Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đề xuất các trang như Facebook, Agoda… đặt máy chủ hoặc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, buộc thanh toán qua cổng Napas…


Buộc đặt máy chủ tại Việt Nam để thu thuế Facebook, Agoda...? - Ảnh 1.

Doanh thu quảng cáo trực tuyến tại thị trường Việt Nam của Google, Facebook lên đến hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm. Trong ảnh: quảng cáo trên mạng xã hội Facebook – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp về xây dựng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) sáng 5-12, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cho rằng kinh doanh thương mại điện tử đang rất phát triển nhưng quản lý thuế lại gặp nhiều khó khăn, nhất là với những đơn vị kinh doanh không có tên miền tại Việt Nam. 

Với các trang mạng có hoạt động quảng cáo và phát sinh doanh thu tại Việt Nam, cơ quan thuế đang áp dụng thuế khấu trừ tại nguồn (thuế nhà thầu). 

Chẳng hạn, các công ty có quảng cáo trên trang YouTube, Google… phải kê khai nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. 

Tuy nhiên, theo ông Huy, việc thu thuế qua các công ty trong nước không đơn giản, cần phải sửa đổi.

 

Đặc biệt, có thể tăng quyền điều tra, khởi tố cho cơ quan thuế, tăng thời hạn thanh tra thuế… Tuy nhiên, theo ông Huy, các biện pháp đưa ra cũng cần phải xem xét tính phù hợp thực tiễn.

Lo cơ quan thuế lạm quyền

Theo bà Phạm Thị Thu Trang, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam, nếu trao cả quyền khởi tố, cơ quan thuế sẽ có quyền hạn rất lớn, có thể tạo sức ép lên người nộp thuế.

Hơn nữa, vẫn là bộ máy đó, liệu có đảm bảo tính độc lập, minh bạch hay không?

Đối với đề xuất kéo dài thời gian thanh tra thuế, bà Trang đề nghị cân nhắc bởi sẽ ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tăng chi phí tuân thủ thuế và giảm hiệu quả của việc thanh tra…

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, cho biết số lượng các cá nhân và tổ chức kinh doanh qua các trang mạng xã hội (không có tên miền tại Việt Nam) kê khai và nộp thuế hiện còn rất hạn chế.

Thậm chí, một cá nhân tại TP.HCM bán hàng qua mạng có doanh thu lên tới 500 tỉ đồng nhưng chỉ thực hiện nghĩa vụ thuế sau khi bị nhắc nhở. 

Tuy nhiên, đối tượng này chỉ bị phạt chậm nộp 2% chứ chưa bị xử lý về hành vi trốn thuế.

“Đây là vụ việc điển hình báo động để các cá nhân chủ động nộp thuế. Nếu không thực hiện nghĩa vụ thuế, cơ quan thuế sẽ thực hiện biện pháp nghiệp vụ cưỡng chế thuế và bị phạt nặng bởi đã phát sinh thu nhập ở Việt Nam đều phải có nghĩa vụ kê khai thuế với cơ quan thuế”, bà Cúc nói.

Ông Lưu Đức Huy cho biết Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đã nghiên cứu và đề xuất, kiến nghị một số giải pháp như yêu cầu đặt máy chủ hoặc mở văn phòng đại diện tại Việt Nam, buộc thanh toán qua cổng Napas…

Theo ông Vũ Tú Thành, Trưởng đại diện của Việt Nam tại Hội đồng kinh doanh ASEAN – Mỹ, nhiều nước cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp nước ngoài phải có đại diện thương mại hoặc yêu cầu đặt máy chủ… nhưng không thực hiện được do không phù hợp thực tiễn và tính khả thi không cao, gây ra nhiều hệ lụy khác. 

“Thay vì áp đặt doanh nghiệp phải đặt máy chủ hay có cơ quan hiện diện tại Việt Nam, cơ quan quản lý cần có cơ chế khuyến khích để doanh nghiệp tự nguyện thực hiện”, ông Thành nói.

Theo một số doanh nghiệp, việc yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới phải cung cấp dữ liệu của tất cả khách hàng với cơ quan thuế như dự thảo là không phù hợp, bởi những dữ liệu này có thể là bí quyết kinh doanh của doanh nghiệp. 

Hơn nữa, cơ quan có thẩm quyền cung cấp dữ liệu phải là cấp cao, liên quan đến an ninh quốc gia.

“Chưa hết, việc yêu cầu thanh toán qua một cổng Napas cũng có thể gây ra nhiều hệ luỵ như làm tăng chi phí, cạnh tranh không lành mạnh…”, một doanh nghiệp khuyến cáo.

NGỌC AN