Thầy trò lúng túng ôn thi THPT quốc gia
Giáo viên than Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn rõ ràng khiến họ không biết ôn thi cho học sinh thế nào, phụ huynh thì sốt ruột giục trường phải ôn thi.
Thầy trò lúng túng ôn thi THPT quốc gia.
Giáo viên than Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn rõ ràng khiến họ không biết ôn thi cho học sinh thế nào, phụ huynh thì sốt ruột giục trường phải ôn thi.
“Gần hết học kỳ 1 mà chúng tôi vẫn lúng túng, không biết phải dạy như thế nào để học sinh thi THPT quốc gia năm 2018 tốt nhất” – một giáo viên môn toán than.
Giáo viên trên kể: “Năm trước, thầy trò chúng tôi phải chạy hụt hơi với những thay đổi đột ngột của Bộ GD-ĐT, trong kỳ thi THPT quốc gia.
Năm nay, kế hoạch giảng dạy đã được thực hiện từ đầu năm vì biết chắc chắn học sinh thi môn toán với hình thức trắc nghiệm. Nhưng sự lo âu lại nhân lên gấp nhiều lần vì Bộ GD-ĐT không có hướng dẫn rõ ràng”.
Thi trắc nghiệm, kiểm tra tự luận
Hiệu trưởng một trường THPT ở nội thành TP.HCM kể: “Mới đây, một phụ huynh đã gọi điện cho tôi, yêu cầu nhà trường phải chỉ đạo sát sao hơn đối với công tác giảng dạy của giáo viên.
Năm nay học sinh phải làm bài thi trắc nghiệm nhiều môn như: toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, GDCD, mà thầy cô giáo vẫn cho học sinh làm bài kiểm tra theo dạng tự luận.
Chỉ còn vài tháng nữa là thi THPT quốc gia, bây giờ nhà trường không luyện cho học sinh cách làm bài thi trắc nghiệm, chờ đến cuối năm làm sao kịp?”.
Theo lời vị hiệu trưởng trên, bà đã giải thích với phụ huynh rằng: nhà trường làm theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP: nội dung các đề kiểm tra phải có cả hình thức tự luận và trắc nghiệm!
Thầy N., giáo viên môn toán khối 12 ở TP.HCM, phân tích: “Sở dĩ bộ và sở chỉ đạo vậy vì e ngại nếu chỉ dạy theo trắc nghiệm thì học sinh sẽ mất đi kỹ năng lập luận, diễn giải…
Nhưng thực tế với những môn mới thi trắc nghiệm như toán, sử, địa… nhiều học sinh vẫn còn ngỡ ngàng, cần rất nhiều thời gian để học và rèn.
Ngay giáo viên cũng vẫn chưa quen cách ra đề theo kiểu trắc nghiệm với 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao”.
Ở Hà Nội, các trường THPT đã từng bước tập dượt để học sinh làm quen với đề thi THPT quốc gia (theo mẫu đề thi minh họa năm trước). Nhiều trường THPT đã áp dụng kiểm tra đối với học sinh lớp 12 như cách thức thi THPT quốc gia: những môn thi trắc nghiệm sẽ kiểm tra theo dạng trắc nghiệm.
“Các bài kiểm tra 1 tiết, 15 phút chúng tôi vẫn áp dụng hình thức kiểm tra tự luận. Nhưng với kiểm tra cuối kỳ 1, chúng tôi tổ chức cho học sinh lớp 12 làm bài kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm các môn tiếng Anh, toán, lịch sử, địa lý, GDCD, hóa học, vật lý” – một hiệu trưởng trường THPT cho biết.
Tại Trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội áp dụng 50% trắc nghiệm, 50% tự luận với đề kiểm tra học kỳ của học sinh lớp 10, 11; nhưng học sinh lớp 12 thì áp dụng 100% trắc nghiệm theo mẫu đề thi minh hoạ.
Vừa dạy vừa… chờ
Bộ và sở đừng quá cứng nhắc trong quy định hình thức bài kiểm tra dành cho khối 12. Từ lớp 6 đến lớp 11, đề kiểm tra cần có đủ hai hình thức tự luận và trắc nghiệm, nhưng đến lớp 12 thì hãy để các trường chủ động về hình thức kiểm tra”
Một giáo viên ở TP.HCM
“Năm nay, Bộ GD-ĐT tuyên bố không công bố đề thi minh họa. Điều này khiến giáo viên rất khó khăn. Theo đúng lộ trình, đề thi 2018 sẽ đưa thêm kiến thức của chương trình lớp 11 nhưng đưa như thế nào, mức độ ra sao Bộ GD-ĐT không nói rõ, chúng tôi rất bối rối” – thầy Nguyễn Tác Tuấn Ngọc, giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM, bộc bạch.
Thầy Ngọc đề nghị: “Chúng tôi muốn biết ma trận đề năm nay ra sao, từ đó giáo viên mới định hướng được cho học sinh”.
Còn theo thầy N.: “Hiện tại, bộ và sở đừng quá cứng nhắc trong quy định hình thức bài kiểm tra dành cho khối 12. Từ lớp 6 đến lớp 11, đề kiểm tra cần có đủ hai hình thức tự luận và trắc nghiệm, nhưng đến lớp 12 thì hãy để các trường chủ động về hình thức kiểm tra”.
Nhiều giáo viên cũng phàn nàn họ vẫn còn cảm thấy mới mẻ khi ra đề kiểm tra theo hình thức trắc nghiệm. Nhưng bộ và sở lại không có tài liệu hướng dẫn cụ thể.
Tuy nhiên, trên mạng và các nhà sách thì tràn lan tài liệu hướng dẫn ôn tập, làm bài thi trắc nghiệm. Cả thầy lẫn trò đều choáng với “rừng” tài liệu bát nháo này.
Do đó đến thời điểm hiện tại, nhiều giáo viên vẫn vừa dạy vừa chờ. “Chúng tôi chờ Bộ GD-ĐT nghĩ lại, công bố đề minh hoạ cho giáo viên đỡ khổ” – một giáo viên môn sử ở TP.HCM nói.
Bộ GD-ĐT: kết hợp trắc nghiệm và tự luận trong kiểm tra
Ông Vũ Đình Chuẩn – vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT – cho biết hướng dẫn kiểm tra, đánh giá quá trình và kiểm tra cuối kỳ ở bậc THPT đã được quy định cụ thể từ đầu năm học, trong nhiệm vụ trọng tâm năm học.
Theo đó, các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết, kiểm tra cuối học kỳ, đảm bảo kết hợp hợp lý giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm khách quan gồm các câu hỏi, bài tập theo 4 mức độ yêu cầu: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.
Trong đó ở mức độ vận dụng cao, Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường, giáo viên chú ý các câu hỏi vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề thực tiễn. Tùy theo sự phát triển năng lực của học sinh, giáo viên xác định tỉ lệ câu hỏi theo 4 mức độ yêu cầu, đảm bảo phù hợp với trình độ học sinh và nâng dần tỉ lệ câu hỏi vận dụng cao.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT lưu ý các nhà trường không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết, kiểm tra học kỳ, mà kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận, giữa lý thuyết và thực hành; chú ý đưa các câu hỏi mở, gắn với thời sự đất nước trong các môn khoa học xã hội nhân văn để học sinh tập làm quen với bày tỏ chính kiến của mình về vấn đề chính trị, xã hội…