Cuộc cách mạng nhà vệ sinh tại Trung Quốc
Từ nhiều năm qua, vấn đề nhà vệ sinh bị cho là kìm hãm việc tiến tới một xã hội văn minh tại Trung Quốc và ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch nước này.
Cuộc cách mạng nhà vệ sinh tại Trung Quốc.
Từ nhiều năm qua, vấn đề nhà vệ sinh bị cho là kìm hãm việc tiến tới một xã hội văn minh tại Trung Quốc và ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch nước này.
Trong bài viết đăng trên tờ Nhân Dân nhật báo hồi giữa tuần, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình yêu cầu mọi bộ, ngành phải tiếp tục nỗ lực tiến hành “cách mạng nhà vệ sinh” nhằm cải thiện môi trường sống ở nông thôn cũng như hiện đại hóa toilet công cộng phục vụ du lịch.
Ông nhấn mạnh đây không phải là “vấn đề nhỏ nhặt” và việc xây dựng hệ thống nhà vệ sinh sạch sẽ, đúng chuẩn là yếu tố cần thiết để tạo môi trường sống văn minh, lịch sự. “Việc này phải là một phần trong chiến lược phát triển bền vững của đất nước, và chúng ta phải nỗ lực giải quyết những gì còn bất cập, vốn ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân”, nhà lãnh đạo viết.
TIN LIÊN QUAN
Bị Trung Quốc tẩy chay, đảo du lịch Jeju vắng hoe
Đảo du lịch Jeju nổi tiếng của Hàn Quốc đã trở nên cực kỳ vắng khách sau khi Trung Quốc cấm bán tour đến đây nhằm đáp trả việc Seoul triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD.
Suốt nhiều năm qua, những nhà vệ sinh nhếch nhác, dơ bẩn là vấn đề gây nhức nhối của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Ở nhiều vùng nông thôn, người dân phải sử dụng những bệ “xí xổm” được che chắn tạm bợ, ọp ẹp; trong khi một số nơi, toilet được xây dựng ngay sát chuồng nuôi gia súc hay sông suối, gây lo ngại về tình trạng ô nhiễm.
Trong khi đó, tại các đô thị, tình trạng thiếu nhà vệ sinh công cộng hoặc không sạch sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, đặc biệt vào những dịp Trung Quốc tổ chức các sự kiện quốc tế. Theo Tân Hoa xã, những nhà vệ sinh dơ bẩn, hôi thối đã để lại ấn tượng xấu cho du khách nước ngoài và cũng là nguyên nhân khiến khách du lịch tiềm năng phải e ngại.
Trong nỗ lực phát triển xã hội văn minh – lịch sự, thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, chính quyền nước này ngay từ năm 2015 đã phát động cuộc cách mạng nhà vệ sinh trên quy mô toàn quốc. Mới đây, trong công tác tổng kết đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai, Cơ quan Du lịch quốc gia Trung Quốc (CNTA) tuyên bố cách mạng nhà vệ sinh đã mang lại những “thành tựu lớn lao”.
Đến nay, Trung Quốc đã chi 20 tỉ nhân dân tệ (gần 69.000 tỉ đồng) để xây mới hoặc tân trang 68.000 toilet, vượt xa mục tiêu đề ra trong kế hoạch 3 năm là 57.000 nhà vệ sinh. CNTA nhận định cuộc cách mạng này đã đáp ứng đúng nhu cầu ngày càng tăng của người dân về một cuộc sống đẹp, văn minh hơn.
Ngoài ra, theo tờ The Guardian, chính quyền thủ đô Bắc Kinh còn cho lắp đặt thiết bị nhận diện khuôn mặt trong các toilet công cộng cũng như tăng cường tuyên truyền để ngăn chặn những hành vi thiếu văn minh như xả rác, khạc nhổ bừa bãi và lấy trộm giấy vệ sinh.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa bắt kịp được đà phát triển nhanh chóng của ngành du lịch, khiến tiềm năng bị kìm hãm bởi vô vàn phàn nàn của khách trong nước lẫn quốc tế về sự tồi tàn trong nhà vệ sinh ở những điểm du lịch. Điều này có nguy cơ đe dọa mục tiêu nâng nguồn thu từ du lịch lên 7.000 tỉ nhân dân tệ vào năm 2020. Chính vì thế, trong 3 năm tới, Trung Quốc dự tính sẽ xây và làm mới thêm 64.000 toilet.
Thị trường hấp dẫn
Những năm gần đây, giới trung lưu Trung Quốc rất ưa chuộng các loại bồn cầu thông minh có xuất xứ từ Nhật Bản và nhiều người tranh thủ các dịp du lịch để mua thiết bị này về. Bắt đúng tâm lý người tiêu dùng, nhiều công ty nội địa đã bắt đầu sản xuất và tung ra thị trường những mẫu bồn cầu thông minh tương tự để cạnh tranh với hàng xách tay, theo Tân Hoa xã. Hiệp hội Thiết bị điện tử gia dụng Trung Quốc cho biết nhu cầu đối với ngành sản xuất toilet thông minh trong nước đã tăng 59% lên thành 3,1 triệu chiếc trong năm 2016 nhưng mức đáp ứng vẫn còn rất thấp, đồng nghĩa thị trường này vẫn còn tiềm năng lớn.
|
TIN LIÊN QUAN
Khách Trung Quốc né Hàn Quốc, đến Nhật Bản, Việt Nam
Người Trung Quốc vừa có “kỳ nghỉ vàng” quốc gia kéo dài một tuần. Số khách Trung Quốc đến Hàn Quốc hạ 70% trong năm nay trong khi tăng mạnh với các nước khác.
Vi Trân