11/01/2025

Sóng gió Bộ Ngoại giao Mỹ

Những đồn đoán về việc Ngoại trưởng Rex Tillerson sắp bị thay thế cho thấy sóng ngầm trong Bộ Ngoại giao Mỹ đang ngày càng nổi lên.

 

Sóng gió Bộ Ngoại giao Mỹ.

Những đồn đoán về việc Ngoại trưởng Rex Tillerson sắp bị thay thế cho thấy sóng ngầm trong Bộ Ngoại giao Mỹ đang ngày càng nổi lên.

 

 

 

 

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (trái) được cho là có nhiều bất đồng về chính sách với Tổng thống Donald TrumpREUTERS

BBC hôm qua dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders cho biết Ngoại trưởng Tillerson tiếp tục đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ và toàn bộ nội các vẫn đang tập trung hoàn thành năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Nữ thư ký báo chí nhấn mạnh: “Khi tổng thống mất niềm tin vào ai đó, họ sẽ không thể tiếp tục đảm nhận công việc. Tuy nhiên, tổng thống hôm nay vẫn có mặt ở đây cùng với ngoại trưởng. Họ cùng đón tiếp một lãnh đạo nước ngoài và đang tiếp tục làm việc cùng nhau”.
Cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Heather Nauert cho biết Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly đã gọi điện tới cơ quan này và khẳng định các thông tin do truyền thông đăng tải về việc thay thế ông Tillerson là không chính xác. Bà Nauert thừa nhận ông Tillerson và Tổng thống Trump có “những bất đồng về chính sách”, nhưng tổng thống vẫn tôn trọng và đánh giá cao quan điểm của ngoại trưởng.
Theo tờ The Guardian, phản ứng của Tổng thống Trump có phần thiếu chắc chắn hơn. Nhà lãnh đạo Mỹ chỉ nói “ông ấy đang ở đây” khi được hỏi về tương lai ông Tillerson. 
Sóng gió Bộ Ngoại giao Mỹ - ảnh 1

 
 

Trước đó, nguồn tin từ các quan chức cấp cao tiết lộ Nhà Trắng đã vạch kế hoạch thay thế Ngoại trưởng Tillerson bằng Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) Mike Pompeo trong vài tuần nữa. Các nguồn tin nói rằng Chánh văn phòng Nhà Trắng Kelly là người khởi xướng kế hoạch chuyển giao và đã thảo luận việc này với các quan chức khác.
Những thông tin trên được đưa ra trong lúc quan hệ giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Tillerson đang không êm đẹp do những bất đồng về nhiều vấn đề, bao gồm thỏa thuận hạt nhân Iran và việc giải quyết chương trình tên lửa và hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Bản thân ông Tillerson cũng không được lòng cộng sự tại Bộ Ngoại giao kể từ khi nhậm chức. Hồi cuối tháng 11, hơn 10 quan chức bộ này ký vào một bản ghi nhớ với nội dung tố ông Tillerson vi phạm luật pháp liên bang sau khi đưa Iraq, Myanmar và Afghanistan ra khỏi danh sách các quốc gia tuyển mộ lính trẻ em. Các tài liệu mà Reuters tiếp cận được cho thấy quyết định của ông Tillerson đi ngược lại ý kiến chung của quan chức đứng đầu các văn phòng khu vực của Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ giám sát các đại sứ quán ở Trung Đông và châu Á, phái viên Mỹ tại Afghanistan và Pakistan, Văn phòng nhân quyền của Bộ Ngoại giao và các luật sư của Bộ.

Ngoài ra, sáng kiến cải tổ bộ máy bằng cách cắt giảm số lượng nhân viên ngoại giao cũng khiến cộng sự của ông bức xúc. Theo tờ The New York Times, ngay cả trước thời điểm ông Tillerson được phê chuẩn, đội ngũ của ông đã tìm cách sa thải nhiều nhà ngoại giao cấp cao của Bộ. Chính sách này dẫn đến làn sóng nghỉ việc để phản đối.

Chỉ tính riêng trong tháng 11, 26 nhân sự cấp cao của Bộ Ngoại giao đã xin nghỉ hưu, trong đó có 2 quyền trợ lý ngoại trưởng chỉ mới ngoài 50 tuổi. Trong thư gửi ông Tillerson mới đây, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện đã nêu việc “hơn 100 nhà ngoại giao chuyên nghiệp rời Bộ từ tháng 1”, qua đó bày tỏ lo ngại về “hành động cố ý nhằm loại bỏ những quan chức ngoại giao cấp cao”. Hai thượng nghị sĩ John McCain và Jeanne Shaheen cũng viết bức thư tương tự rằng: “Sức mạnh ngoại giao Mỹ đang bị suy yếu từ bên trong”.

 

Ngọc Mai