11/01/2025

Siêu khuyến mãi nhưng chưa hấp dẫn

Ngày hội mua sắm trực tuyến (Online Friday) lớn nhất trong năm 2017 đã diễn ra hôm qua (1.12), thu hút hàng triệu người tham gia. Thế nhưng nhiều người đánh giá dù đã qua 4 lần tổ chức, tình trạng “giá ảo” còn khá nhiều.

 

Siêu khuyến mãi nhưng chưa hấp dẫn.

Ngày hội mua sắm trực tuyến (Online Friday) lớn nhất trong năm 2017 đã diễn ra hôm qua (1.12), thu hút hàng triệu người tham gia. Thế nhưng nhiều người đánh giá dù đã qua 4 lần tổ chức, tình trạng “giá ảo” còn khá nhiều.




Tất bật giao hàng trong ngày hội mua sắm online /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Tất bật giao hàng trong ngày hội mua sắm onlineẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Nghẽn mạng vì lượng truy cập quá đông
Ngay thời điểm bước sang ngày đầu tiên của tháng 12, hàng loạt khách hàng đã truy cập vào trang mạng Online Friday 2017 để săn lùng mua các sản phẩm giảm giá sốc. Đặc biệt trong đó có 4 chiếc điện thoại di động iPhone X chính hãng được trang thương mại điện tử Tiki công bố giảm từ mức 31,99 triệu đồng xuống còn 4,99 triệu đồng là mục tiêu của rất nhiều người tiêu dùng. Ngoài ra, một số sản phẩm có giá tốt cũng đáng chú ý không kém là điều hòa Nagakawa có giá 990.000 đồng/chiếc (giá niêm yết 12,2 triệu đồng/chiếc), xe đạp điện Anbico AP có giá 0 đồng (giá niêm yết 10,8 triệu đồng/chiếc)… Mức “siêu giảm” khiến trang mạng này rơi vào tình trạng nghẽn vì lượng truy cập quá đông. 

 
 
Siêu khuyến mãi nhưng chưa hấp dẫn - ảnh 1
Hiện việc mua sắm trực tuyến mới chỉ hình thành trong một bộ phận thị dân, chủ yếu qua điện thoại thông minh. Theo xu hướng, VN cần phổ biến hoạt động mua sắm qua mạng rộng rãi hơn đối với các đối tượng khác, đặc biệt ở các vùng nông thôn
Siêu khuyến mãi nhưng chưa hấp dẫn - ảnh 2
 
Chuyên gia thương mại Ngô Trí Long
 


Ngoài Tiki, những chợ điện tử lớn tại VN như Lazada, Adayroi, Sendo, Lotte.vn… đều tham gia hoạt động này. Bên cạnh đó, những thương hiệu lớn như Samsung, Unicharm, Sunhouse… và một số ngân hàng cũng vào cuộc, trong đó Vietcombank hoàn tiền tới 40% cho chủ thẻ mua sắm trực tuyến tại các trang web trong ngày này.
Theo ban tổ chức, mục tiêu của ngày Online Friday năm 2017 là thu hút 5 triệu lượt truy cập và 1 triệu đơn hàng được giao dịch, với tổng doanh thu kỳ vọng là 1.500 tỉ đồng, tăng gấp đôi về lượt truy cập và tăng 50% so với doanh thu năm 2016.
Bà Nguyễn Vân Khanh, Trưởng phòng Marketing Công ty Tiki, chia sẻ thêm đây là năm thứ ba Tiki đồng hành cùng chương trình Online Friday. Các năm trước lượng khách truy cập rất khả quan và doanh thu đạt gấp đôi ngày thường. “Dịp Black Friday vừa rồi thị trường khả quan hơn rất nhiều so với các năm trước, có thể nhờ cộng hưởng của cả ngành bán lẻ. Vì thế chúng tôi rất hy vọng Online Friday sẽ đạt được mức mong đợi vượt trội hơn so với các năm trước, có thể doanh thu tăng từ 3 – 4 lần”, bà Khanh nói.
Khuyến mãi ảo?
Khoảng 370.000 sản phẩm giảm giá từ hàng thời trang đến điện máy, điện thoại di động, sản phẩm cho mẹ và bé… được đưa ra trong chương trình khuyến mãi “Online Friday 2017” hôm qua. Ước tính đã có hàng triệu lượt người tham gia truy cập, mua sắm, nhưng không ít người đánh giá mức giảm giá chưa thực sự hấp dẫn.
Chị Trương Mỹ Hạnh, nhân viên văn phòng ở Q.3 (TP.HCM) có kinh doanh thêm việc “đánh hàng online” nên nắm khá rõ các chương trình khuyến mãi lớn ở VN và nước ngoài, nhận xét: “Online Friday chưa thật sự hấp dẫn khi các mặt hàng giảm giá đến 50% khá ít, phần lớn khoảng 25 – 35% và cũng có ít các thương hiệu lớn tham gia hoặc tham gia với số lượng không nhiều. Bên cạnh đó, các sản phẩm khuyến mãi phần lớn là hàng tồn, đặc biệt là thời trang, mà giá giảm không đáng kể thì không thể thu hút. Nếu như so với ngày Black Friday chỉ mới diễn ra tuần trước thì Online Friday chưa thật sự hấp dẫn”.
Đáng lưu ý, đây là năm thứ 4 diễn ra chương trình giảm giá mua hàng trực tuyến của VN và là năm đầu tiên ban tổ chức (Cục Thương mại điện tử và kinh tế số – Bộ Công thương) xác thực và gắn nhãn có 5.000 sản phẩm đảm bảo trong tổng số hàng trăm ngàn sản phẩm giảm giá từ các doanh nghiệp (DN).
Đây là những sản phẩm đảm bảo chính hãng; mức giá khuyến mãi là giá tốt, thật sự thấp hơn giá trung bình trên thị trường, đồng thời sẽ được miễn hoàn toàn phí chuyển phát. Ban tổ chức khẳng định, thông qua công cụ so sánh, nếu DN nào có giá niêm yết cao hơn 15% so với mức giá trung bình mà các DN khác công bố thì sẽ bị đưa vào diện “cảnh báo nguy cơ khuyến mãi ảo” để xem xét loại bỏ.
Thế nhưng trong ngày diễn ra chương trình, nhiều khách hàng phản ánh vẫn có nhiều sản phẩm được nâng giá lên cao hơn bình thường. Một khách hàng tên Hoa (TP.HCM) cho biết chị lên mạng tìm mua tã cho con, thấy trên Lazada bộ 2 bịch tã quần Moony L44 được công bố giảm giá 27%, từ giá niêm yết 880.000 đồng còn 639.000 đồng.
Trong khi đó vào đầu tháng 11, chị vừa mua bộ 2 bịch tã này qua mạng giá chỉ 570.000 đồng. Hay như chiếc xe đạp điện Anbico Bat-X được giảm 50%, từ 13 triệu đồng còn 6,5 triệu đồng, trong khi giá niêm yết cũ là 12,3 triệu, giá khuyến mãi là 10,09 triệu đồng. “Rõ ràng giá niêm yết của một số món hàng được công bố tăng cao hơn bình thường. Vì vậy, nói là được giảm 30% hay 50% nhưng thực tế giảm ít hơn. Điều này khiến những người mua hàng như tôi cảm thấy như bị lừa”, chị Hoa chia sẻ.
Tương tự, thử so sánh giá sản phẩm smart tivi Samsung 50MU6100, kết quả hiện ra có ít nhất 7 nơi bán sản phẩm với giá thấp hơn giá bán trên Online Friday (6 nơi đã bao gồm VAT); mức chênh lệch cao nhất lên đến hơn 1,5 triệu đồng. Kiểm tra nhiều sản phẩm ti vi cũng cho kết quả tương tự.
Với mặt hàng tủ lạnh Fagor FFK1674XW, giá niêm yết là 53,7 triệu đồng, giảm 50% còn 26,85 triệu đồng, nhưng qua tìm hiểu thì thấy trên thị trường có 2 điểm bán sản phẩm cùng loại đúng bằng với mức giá đã giảm 50%! “Chương trình được quảng bá rầm rộ và của Bộ Công thương tổ chức nên nhiều người tiêu dùng cảm thấy yên tâm. Nhưng đến khi vào xem, so sánh giá thì rất bất ngờ vì không như mong muốn”, một khách hàng tên Hoàng Tuấn (Q.Gò Vấp, TP.HCM) nhận xét. Anh Tuấn còn cho biết đã ra các siêu thị điện máy lớn để kiểm tra lại giá một số mặt hàng như ti vi, tủ lạnh, máy giặt, thấy nhiều mặt hàng cùng loại giá thấp hơn từ 800.000 đến 1 triệu đồng, lại còn kèm theo nhiều chế độ hậu mãi, quà tặng, rút thăm trúng thưởng…
Siêu khuyến mãi nhưng chưa hấp dẫn - ảnh 3

Siêu khuyến mãi nhưng chưa hấp dẫn - ảnh 4

Tất bật giao hàng trong ngày hội mua sắm onlineẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cần chính sách phát triển thương mại điện tử
“Online Friday” được xem như một ngày “Black Friday kiểu Việt”, bắt đầu tổ chức từ năm 2014. Trong 3 năm đầu tiên, chương trình đã khiến nhiều người thất vọng khi nhiều DN tham gia mang yếu tố trục lợi, giá khuyến mãi nhưng vẫn còn cao và chưa đúng với giá thị trường, chưa được kiểm soát hết; người mua sắm chưa được hưởng những quyền lợi tối đa mà chương trình mong muốn mang lại. Đến nay, những “hạt sạn” đó có vẻ giảm bớt phần nào, nhưng chủ yếu là do người tiêu dùng đã biết cách tìm hiểu, so sánh giá cả nên không dễ bị lừa.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử VN, nhận định chương trình mua sắm này đã tạo ra lực đẩy và ngày càng có nhiều DN tham gia. Điều này cũng góp phần mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử tại VN, thông qua việc số người tham gia, số lượng đơn đặt hàng và doanh thu của các DN đều gia tăng qua từng năm. Tuy nhiên, vẫn khó để kiểm soát được tất cả sản phẩm đưa vào khuyến mãi khi DN cố tình gian dối. “Nhưng hiện nay người tiêu dùng đã có nhiều công cụ để so sánh giá nên các DN khuyến mãi ảo tất nhiên sẽ bị tẩy chay và loại khỏi cuộc chơi”, ông Dũng nhìn nhận.

Chuyên gia thương mại Ngô Trí Long cũng cho rằng mua sắm trực tuyến là một xu hướng của thế giới mà VN không thể nằm ngoài. Việc tổ chức những hoạt động như vậy là phù hợp xu hướng và vận động được nhiều người bán lẫn người mua tham gia.
“Việc khuyến mãi ảo thì không riêng mua sắm trực tuyến mà cả bán hàng trực tiếp trên thị trường cũng có. Về mặt thị trường, những đơn vị này sẽ không thể tồn tại vì tự làm mất uy tín và khách hàng của mình. Nhất là hiện nay người tiêu dùng đã biết cách tự bảo vệ mình”, ông Long nói và khuyến nghị Bộ Công thương là cơ quan quản lý nhà nước, khi thị trường mua sắm trực tuyến chưa phát triển thì việc đứng ra tổ chức một phiên chợ như vậy là ý tưởng tốt và cần được nhân rộng.
Tuy nhiên, về lâu dài, thay vì đứng ra tổ chức những phiên chợ như thế này thì Bộ nên nghiên cứu xây dựng chính sách làm sao cho thương mại điện tử phát triển. “Hiện việc mua sắm trực tuyến mới chỉ hình thành trong một bộ phận thị dân, chủ yếu qua điện thoại thông minh. Theo xu hướng, VN cần phổ biến hoạt động mua sắm qua mạng rộng rãi hơn đối với các đối tượng khác, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Điều này sẽ giúp giảm các chi phí trong hoạt động kinh doanh so với loại hình thương mại truyền thống. Nhưng Bộ Công thương chỉ nên tổ chức trong thời gian đầu và không nên kéo dài mà phải trở lại với vai trò quản lý và điều hành của mình”, ông Long nói.
Các trung tâm điện máy tung chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm
Trong ngày 1.12, các trung tâm điện máy lớn tại TP.HCM như Nguyễn Kim, Chợ Lớn, Thiên Hòa, Điện Máy Xanh đồng loạt công bố chương trình giảm giá “khổng lồ” với hàng trăm sản phẩm từ tủ lạnh, máy giặt, ti vi, loa, điện thoại di động, hàng gia dụng… giảm giá từ 20 – 50%. Ngoài ra khách hàng còn được tặng kèm nhiều quà như phiếu mua hàng, tặng thêm thời gian một năm bảo hành… Hầu như các chương trình khuyến mãi này đều kéo dài đến giữa hoặc hết tháng 12.
Ông Liên An Thạch, Giám đốc kinh doanh hệ thống Trung tâm điện máy Chợ Lớn, cho biết đây là chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm của ngành hàng điện máy, điện gia dụng nhằm mục tiêu giải phóng hàng cũ, chuẩn bị đưa hàng mới ra thị trường. Chương trình có sự hỗ trợ của các nhà sản xuất nên không có việc giảm giá ảo. Thông thường sức mua trong chương trình khuyến mãi cuối năm sẽ tăng khoảng 30 – 40% so với các tháng bình thường.

 

Mai Phương – Chí Nhân