28/11/2024

Đến thăm vườn thuốc nam cuối cùng ở Đại Yên

Gia đình cụ Hoàng Văn Thược – người cuối cùng trồng thuốc nam ở làng Đại Yên, Hà Nội – tâm sự về việc tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống của làng.

 

Đến thăm vườn thuốc nam cuối cùng ở Đại Yên

 

Gia đình cụ Hoàng Văn Thược – người cuối cùng trồng thuốc nam ở làng Đại Yên, Hà Nội – tâm sự về việc tiếp tục giữ gìn nghề truyền thống của làng.


Đại Yên (Q.Ba Đình, Hà Nội) là làng trồng và chế biến thuốc nam cổ xưa nay. Thế nhưng quá trình đô thị hoá đã khiến những luống thuốc nam biến thành nhà cao tầng, đô thị sầm uất. Đến nay, ở Đại Yên chỉ còn một hộ trồng thuốc nam.

Đến thăm vườn thuốc nam cuối cùng ở Đại Yên - Ảnh 1.

Cụ Hoàng Văn Thược bên cây đơn tướng quân cổ thụ. Gia đình cụ còn 1.000m2 đất trồng cây thuốc nam ở làng Đại Yên – Ảnh: Q.THẾ

Ông nội tôi nói nghề thuốc đã có gần nghìn năm nay ở Đại Yên. Đến đời tôi và con thì nghề thuốc vẫn là nghề nuôi sống dân làng, nhưng thời gian ngày một thay đổi, người ta đã bỏ nghề thuốc đi làm các công việc khác

Cụ Hoàng Văn Thược

Nghề ngàn năm của làng

Ông Hoàng Văn Thược nay đã 85 tuổi. Gia đình ông Thược là một trong những gia đình hiếm hoi ở làng Đại Yên không chỉ còn trồng thuốc nam, mà vẫn giữ được ngôi nhà cấp 4 xây dựng từ thế kỷ trước.

Nhấp chén chè đắng, ông nói: “Tôi không có quê vì gia đình ở Đại Yên 8-9 đời nay. Lớn lên thấy ông bà, cha mẹ sống bằng nghề trồng, bốc thuốc rồi. Ông nội tôi nói nghề thuốc đã có gần nghìn năm nay ở Đại Yên. Đến đời tôi và con thì nghề thuốc vẫn là nghề nuôi sống dân làng, nhưng thời gian ngày một thay đổi, người ta đã bỏ nghề thuốc đi làm các công việc khác”.

 

Thời ông Thược còn nhỏ, sáng sớm hay theo cha mẹ ra chợ bán lá thuốc rồi đến trưa đợi đổi lấy gạo, muối mắm mang về. Cha của ông còn là thầy lang được khắp vùng biết tới bởi bốc thuốc mát tay, nhiều lúc nửa đêm có người đau ốm cũng tìm đến nhờ cắt thuốc. “Làm nghề cứu người nên mỗi khi có người khỏi bệnh, người ta thường mang quà đến cảm ơn” – ông Thược nhớ lại.

Vườn thuốc nam rộng hơn 1.000m2 của gia đình ông Thược có nhiều loại: khổ xâm, cối xay, lá diễn, đơn tướng quân, đinh lăng… Ông có mười người con nhưng quyết giữ đất trồng lá thuốc nam, không bán đất chia cho các con. 

“Có người bảo tôi sao không bán bớt đất đi lấy tiền, cho mỗi đứa con ít vốn, nhưng tôi nghĩ đất bán sẽ mất. Mà mất đất coi như mất nghề thuốc, nên tôi không đành lòng và cũng khuyên nhủ các con không nên trách cha mẹ. May là đứa nào cũng nghe theo vợ chồng tôi nên đất đai mới còn nhiều thế này” – ông tâm tình.

Ông Thược nói nghề thuốc nam dần mai một một phần do đô thị hóa, nhưng một phần cũng do nghề trồng thuốc không giàu, chỉ đủ ăn. Không chỉ trước đây, ngay cả bây giờ có ai tới xin lá thuốc uống ông cũng ra vườn hái lá cho miễn phí.

Trước đây, làng Đại Yên không chỉ được người dân khắp vùng Bắc Bộ biết đến nghề trồng thuốc nam, mà đây còn là làng hoa truyền thống. 

Bà Tính (65 tuổi, người dân Đại Yên) hồi tưởng: “Ở Đại Yên dù gái hay trai cứ lớn lên là ai cũng biết trồng và bốc thuốc. Lá thuốc không chỉ được bán ở ngay cổng làng, mà được người dân mang ra chợ Ngọc Hà, chợ Hàng Da, chợ Nghĩa Tân trao đổi lấy gạo, muối”.

Bà Tính nói ngày đó vui lắm, cứ sáng sớm khi sương còn trên lá thì nam thanh nữ tú í ới gọi nhau ra vườn, hái lá bó thành mớ mang đi bán. Bà cười: “Ai làm lá thuốc tay cũng bị xấu đi, cực khổ là vậy nhưng chúng tôi vẫn luôn vui vẻ vì làm nghề để phúc cho con cháu”.

“Năm 2005, tôi bán thuốc ở chợ Hàng Da, có một người đàn ông đến hỏi mua thuốc uống vì có một cái mụn ở mông nhưng mổ hết gần 20 triệu đồng vẫn không khỏi. Thấy tôi bốc chỉ có vài chục nghìn đồng, người này tỏ thái độ không yên tâm vì khó khỏi được, nhưng không ngờ chỉ sau một tuần mụn tự vỡ ối, nhanh khô miệng. Ông ấy đến cảm ơn và sau này đã trở thành người bạn rất thân của tôi…” – bà Tính nhớ lại.

Đến thăm vườn thuốc nam cuối cùng ở Đại Yên - Ảnh 3.

Dân làng Đại Yên vẫn giữ được nếp xưa: nhóm chợ mua bán thuốc nam mỗi chiều ở cổng làng – Ảnh: Q.THẾ

Mong mỏi giữ nghề

Bà Chinh, một trong những người cắt thuốc nổi tiếng ở Đại Yên, đến nay cũng đã thôi nghề trồng thuốc. Dù vậy, mỗi khi có người tìm đến nhờ bốc thuốc thì bà lại ra chợ mua lá tươi về cắt thành từng ấm bán lại cho họ, chỉ xin tiền công. Nhiều người trong làng cũng thế.

Hiện nay, đều đặn cứ 14h – 17h hằng ngày, chợ thuốc nhóm họp ở cổng làng Đại Yên để bày bán, chủ yếu bán cho những người mua về tự trị bệnh, sắc ra uống.

Bà Hồng Phú ở làng dù đã già cả nhưng hằng ngày vẫn ra chợ thuốc mua lá tươi về nhà bốc thành từng thang, mang ra chợ Hữu Tiệp (Q.Ba Đình) bán. Khách của bà là những người gắn bó từ hàng chục năm nay. Bà ra chợ không phải chỉ để bán thuốc, mà còn gặp lại những người bạn của mình trước đây và kể cho nhau nghe chuyện buồn vui trong cuộc sống.

Bà Phú từ năm 14 tuổi đã theo bà nội đi chợ Hôm (Q.Hoàn Kiếm) bán lá thuốc. Bây giờ lương hưu cũng đủ ăn, nhưng dù mưa nắng bà vẫn muốn ra chợ bốc thuốc vì nhớ nghề. Bố của bà là ông lang Nhuận – người có tiếng ở Đại Yên.

Bà Hồng Phú có người cháu nội đang theo học ngành đông y. Bà nói chỉ mong vài năm nữa cháu nối được nghiệp của tổ tiên. “Mừng hơn nữa là có nhiều cháu nội của bà chị tôi cũng đang theo nghề bốc thuốc” – bà nói. Cũng như bà Hồng Phú, ông Thược cũng đang truyền lại nghề trồng, bốc thuốc nam cho con dâu.

Hơn cả một nghề mưu sinh, họ âm thầm giữ lấy một nét văn hóa của làng.

Tổ nghề là công chúa Ngọc Hoa?

Làng Đại Yên trước đây có tên là Đại Bi, tương truyền nghề trồng thuốc xuất phát từ công chúa Ngọc Hoa, là người có công bốc thuốc cứu người nên dân làng Đại Yên đã lập đền thờ và phong bà là thần hoàng làng.

Cứ đến ngày 13 và 14-3 hằng năm, người dân lại mở hội để tưởng nhớ bà.

QUANG THẾ