10/01/2025

Tham vọng nông sản hữu cơ của Thái Lan

Thái Lan triển khai chiến lược đặc biệt hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nông sản hữu cơ không chỉ của ASEAN mà cả thế giới.

 

Tham vọng nông sản hữu cơ của Thái Lan.

Thái Lan triển khai chiến lược đặc biệt hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm nông sản hữu cơ không chỉ của ASEAN mà cả thế giới.


 

 

Một cửa hàng bán rau sạch ở Thái Lan	 /// Minh Quang

Một cửa hàng bán rau sạch ở Thái LanMINH QUANG

Chính phủ Thái Lan vừa công bố chương trình chuyển đổi quy mô lớn, mang tính cách mạng trong nông nghiệp nhằm biến nước này thành “siêu cường lương thực” trên thế giới trong vài thập niên tới. Trong đó, chính phủ Thái Lan đưa ra một loạt các biện pháp nhằm giúp chuyển đổi không chỉ ở khâu gieo trồng, thu hoạch, chế biến mà cả tiếp thị, sáng kiến kỹ thuật nhằm gia tăng sản xuất, thúc đẩy an ninh lương thực và xuất khẩu nông sản hữu cơ sạch.
Trong tương lai gần, những cải cách bước đầu tập trung vào mô hình hợp tác xã và hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, chiến lược này còn nhằm cải thiện tình trạng lạm dụng thuốc trừ sâu và hóa chất trong trồng trọt ở Thái Lan hiện nay. Mặc dù nhập khẩu thuốc trừ sâu có giảm những năm gần đây, nhưng nước này vẫn đang là một trong những nơi “phun thuốc” nhiều nhất trong khu vực. Theo Tổ chức Y tế Thái Lan, có khoảng 1.800 người thiệt mạng mỗi năm vì tiếp xúc thuốc trừ sâu.
Hiện tại diện tích trồng nông sản hữu cơ tại Thái Lan vào khoảng 48.000 ha, chiếm 2% diện tích đất nông nghiệp cả nước, cùng hơn 13.000 nông trại. Bangkok đặt mục tiêu nâng diện tích này lên 100.000 ha và 30.000 nông dân trồng nông sản hữu cơ chuyên nghiệp đến năm 2021. Nông dân sẽ được hỗ trợ từ mua giống, kỹ thuật gieo trồng cho đến tiếp thị đầu ra, kể cả kỹ thuật gieo trồng để giảm phụ thuộc vào thuốc trừ sâu. Ngân sách cho chiến lược phát triển nông sản hữu cơ được quy đổi tương đương với 2.000 baht (khoảng 1,4 triệu đồng) cho mỗi 0,16 ha đất trong năm đầu tiên, 3.000 baht trong năm thứ hai và 4.000 baht trong năm thứ ba.
Bên cạnh đó, năm nay các cơ quan hữu trách sẽ phối hợp đưa ra quy hoạch 8 làng hữu cơ (organic village), mỗi làng sẽ phát triển một loại nông sản xuất phát từ thế mạnh và đặc điểm thổ nhưỡng của vùng. Chẳng hạn làng Sokhumpun ở tỉnh Yasothon và làng Thapthai ở tỉnh Surin sẽ tập trung phát triển gạo thơm (hom mali) và gạo đen (berry) hữu cơ, trong khi làng Huai Plu ở Nakhon Pathom sẽ chuyên về trồng rau sạch, còn làng Nonghoy của tỉnh Chaiyabum được khuyến khích trồng chuối. Để được gọi là làng hữu cơ, trong làng phải có ít nhất một nửa số hộ gia đình trồng loại nông sản được lựa chọn.
Bộ trưởng Thương mại Apiradi Tantraporn cho biết mục đích của phát triển làng hữu cơ là nhằm tạo ra mô hình mới thúc đẩy nông sản hữu cơ trên khắp nước Thái cũng như tạo đầu ra cho sản phẩm này. “Thế giới hiện nay rất quan tâm đến môi trường và coi vấn đề sức khỏe là quan trọng nhất. Vì vậy, chuyển dịch sang sử dụng sản phẩm sạch, không độc hại là lựa chọn hàng đầu. Xu hướng này sẽ ngày càng phổ biến trong tương lai”, bà Apiradi nói. Đáng chú ý là theo Bộ trưởng Apiradi, những thị trường mục tiêu trước mắt của Thái Lan sẽ là VN, Campuchia, Lào và Myanmar.
So với thị trường nông sản hữu cơ thế giới trị giá khoảng 80 tỉ USD, giá trị mà Thái Lan tạo ra hiện còn thấp nhưng được đánh giá là có tiềm năng tăng trưởng cao. Ngành này đã tạo ra 80 triệu USD giá trị sản phẩm trong năm 2016, đưa Thái Lan trở thành nơi sản xuất nông sản hữu cơ đứng đầu ASEAN. Trong đó, một phần ba được dành cho xuất khẩu. Theo dự đoán, giá trị nông sản hữu cơ nước này sẽ tăng 10% mỗi năm, riêng gạo tăng trưởng 28%.

 

Minh Quang 
Văn phòng Bangkok