28/11/2024

Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải có tính ràng buộc pháp lý

Tính ràng buộc pháp lý của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là tâm điểm trong cuộc tranh luận tại phiên cuối cùng của hội thảo quốc tế diễn ra tại TP.HCM.

 

Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải có tính ràng buộc pháp lý.

Tính ràng buộc pháp lý của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông là tâm điểm trong cuộc tranh luận tại phiên cuối cùng của hội thảo quốc tế diễn ra tại TP.HCM.


 

Các học giả thảo luận về COC ở TP.HCM ngày 28.11 /// Văn Khoa

Các học giả thảo luận về COC ở TP.HCM ngày 28.11VĂN KHOA

Chiều 28.11, nhiều học giả trong và ngoài nước có cuộc thảo luận sôi nổi tại TP.HCM về nội dung lẫn tiến trình của Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Cuộc thảo luận là phiên cuối của hội thảo kéo dài 2 ngày, với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Hội Luật gia VN phối hợp tổ chức.
Chủ đề về COC được giới học giả đưa ra mổ xẻ hơn 2 tuần sau khi lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc chính thức tuyên bố khởi động đàm phán về bộ quy tắc này.
Trong tham luận mở đầu phiên thảo luận, Giáo sư Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và chính sách Đại dương thuộc Trung tâm luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore, đã trình bày những triển vọng cho COC. Ông Beckman cho rằng nội dung COC có thể xoáy sâu vào việc không đe dọa và sử dụng vũ lực, hiện trạng trên các thực thể bị chiếm đóng, thực hiện kiềm chế, lập đường dây nóng và thủ tục giải quyết sự cố, khung biện pháp giảm thiểu nguy cơ đụng độ…
Tuy nhiên, ông Beckman cho rằng các nước liên quan không nên có những kỳ vọng phi thực tế về nội dung COC và nhấn mạnh bộ quy tắc này sẽ không giải quyết được các tranh chấp ở Biển Đông. “COC có thể hỗ trợ giảm căng thẳng và thiết lập lòng tin nếu nó thiết lập được một khuôn khổ cho cơ chế hợp tác giữa các nước ven Biển Đông”, Giáo sư Beckman nhấn mạnh.
Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông phải có tính ràng buộc pháp lý - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Tìm lời giải bài toán khó ở Biển Đông

Ngày 27.11, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” khai mạc tại TP.HCM
Trong phần thảo luận, Giáo sư Trương Nhân Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Công ước Biển quốc tế thuộc Đại học Hàng hải Đại Liên (Trung Quốc) cho hay quan điểm của Bắc Kinh là chủ động và tích cực để hướng tới tính ràng buộc pháp lý của COC.
Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Các vấn đề biển và luật Biển thuộc Đại học Quốc gia Philippines thì cho rằng cần đề cập những lĩnh vực nhạy cảm như đánh bắt và khai thác dầu khí khi đàm phán COC. Ông cho hay tình hình hiện nay là Philippines không thể thực hiện bất cứ hoạt động khai thác dầu khí nào trong vùng tranh chấp mà không có sự đồng ý trước của Trung Quốc.
Theo ông Batongbacal, mọi người tin tưởng rằng COC sẽ tạo ra được lòng tin “nhưng trên thực tế không phải như thế”. “Tốt hơn là chúng ta xây dựng lòng tin với nhau thông qua các kinh nghiệm khác. Chúng ta chớ nên chờ đợi COC là văn bản cuối cùng vì sẽ tốn nhiều năm và thậm chí là một thập niên để cho ra bộ quy tắc này”. Giáo sư người Philippines cho rằng nếu các bên giải quyết dần những vấn đề quan trọng trước thì đây có thể là cách đo lường tiến bộ tốt hơn, chứ không nên chờ đợi COC mà không biết chờ đến khi nào.
Cũng tại cuộc thảo luận, Giám đốc Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông (FESS), tiến sĩ Trần Trường Thủy cho rằng nếu COC có tính ràng buộc pháp lý thì điều đó sẽ tốt hơn cho Đông Nam Á, nhưng sẽ có tính khả thi hơn nếu COC có phần không mang tính ràng buộc pháp lý và một phần phải có tính chất này. Trong khi đó, theo đại tá Martin Sebastian, Giám đốc Trung tâm an ninh biển và ngoại giao thuộc Viện Biển Malaysia, COC cần phải mang tính ràng buộc pháp lý, có hình phạt cụ thể như bộ luật Hình sự.
Trả lời Thanh Niên, nhà nghiên cứu Hideshi Tokuchi thuộc Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng về phương diện quản lý khủng hoảng, cần phải phát triển một COC có tính ràng buộc pháp lý, nhưng quá trình thảo luận kéo dài bao lâu tuỳ thuộc vào những thỏa thuận đạt được giữa Trung Quốc và ASEAN.
Động thái sắp tới của Trung Quốc ở Biển Đông
Trả lời Thanh Niên, chuyên gia Collin Koh thuộc Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam (Singapore) cho rằng Trung Quốc sẽ không có hành động khiêu khích mới ở Biển Đông từ đây cho đến ít nhất đầu năm tới, khi các cuộc đàm phán COC bắt đầu. Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa và củng cố tuyên bố chủ quyền của mình ở Biển Đông, sau khi đã xây đảo nhân tạo trên những thực thể nước này chiếm đóng phi pháp ở Trường Sa. Với tình trạng đã củng cố hiện diện ở Biển Đông, Trung Quốc sẽ không có hành động khiêu khích nghiêm trọng, nhưng có thể tiến hành bất kỳ lúc nào cái gọi là biện pháp “phòng vệ”. “Những hoạt động đó có thể là tăng cường hiện diện của hải cảnh, dân quân biển xung quanh các thực thể do nước khác kiểm soát, tăng cường cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo và lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) trên Biển Đông”, ông dự đoán.

 

Văn Khoa