11/01/2025

Tìm lời giải bài toán khó ở Biển Đông

Ngày 27.11, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” khai mạc tại TP.HCM

 

Tìm lời giải bài toán khó ở Biển Đông.

Ngày 27.11, Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 9 về Biển Đông với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực” khai mạc tại TP.HCM

 

 

 

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo về Biển Đông ngày 27.11VĂN KHOA

Diễn ra trong 2 ngày, sự kiện này thu hút gần 90 học giả quốc tế, 70 đại biểu trong nước và 20 đại biểu từ 17 cơ quan đại diện nước ngoài. Do Học viện Ngoại giao (DAV), Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông, Hội Luật gia VN phối hợp tổ chức, hội thảo được chia thành 7 phiên, tập trung vào những vấn đề nóng bỏng như diễn biến tình hình trên Biển Đông; trật tự dựa trên pháp lý, cân bằng quân sự, Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC)…
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giám đốc DAV Nguyễn Vũ Tùng nhận định Biển Đông vẫn là “một trong những bài toán khó hiểu, khó lường đối với giới nghiên cứu và học giả quốc tế”, và là “điểm nóng hội tụ” của nhiều lớp mâu thuẫn, cạnh tranh địa chiến lược của thế giới. Theo ông, từ sau phán quyết của Toà trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague (Hà Lan) ngày 12.7.2016 bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc, tình hình Biển Đông có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhìn trong tổng thể và dài hạn hơn, lo ngại về nguy cơ “vô trật tự và xung đột” vẫn đè nặng.
Tham dự hội thảo, Giáo sư Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách (Ấn Độ) nhận định những hành động của Trung Quốc tìm cách đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Đông theo hướng có lợi cho mình đã gửi đi “thông điệp hết sức sai trái” chưa từng có tiền lệ. Đó là tình trạng những nước lớn xem thường các phán xét của toà trọng tài và không tôn trọng luật pháp quốc tế. Trong khi đó, Giáo sư Do Ký thuộc Đại học Macau (Trung Quốc) dự đoán tác động từ phán quyết của toà trọng tài đối với các yêu sách của nước này sẽ được nhìn thấy rõ hơn trong những năm tới. Ông Do cũng ngang nhiên cho rằng việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền VN là “điều tự nhiên, bắt nguồn từ khi tranh chấp bắt đầu” và lịch sử cho thấy việc này “không dẫn tới chiến tranh”!
Trả lời Thanh Niên, Giáo sư Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Các vấn đề biển và luật biển thuộc Đại học Quốc gia Philippines, nói Trung Quốc hiện chưa bồi đắp bãi cạn tranh chấp Scarborough, nhưng không thể loại trừ nguy cơ này trong tương lai. Trong khi đó, Giáo sư Carlyle A.Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc bày tỏ hy vọng với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm tới, Singapore sẽ đẩy mạnh quá trình đàm phán cho ra COC. Theo ông, Mỹ và các bên khác cũng có thể hỗ trợ nỗ lực đạt được bộ quy tắc này.



 

Văn Khoa