28/11/2024

Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao với vai trò và vị thế của Việt Nam

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại TP.Đà Nẵng từ ngày 6 – 11.11.2017 và Năm APEC VN 2017 đã thành công tốt đẹp.

 

Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao với vai trò và vị thế của Việt Nam.

 

Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25 diễn ra tại TP.Đà Nẵng từ ngày 6 – 11.11.2017 và Năm APEC VN 2017 đã thành công tốt đẹp.

 

 

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nga, Mỹ tại Hội nghị cấp cao APEC 2017
 ///  Ảnh: TTXVN

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nga, Mỹ tại Hội nghị cấp cao APEC 2017ẢNH: TTXVN

Đây là thành tích đối ngoại nổi bật của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong năm nay, góp phần nâng cao vai trò của APEC là cơ chế hợp tác kinh tế hàng đầu khu vực trong một thế giới đang đổi thay nhanh chóng với những chuyển biến mang tính bước ngoặt. Thành công đó đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của đất nước ta trên trường quốc tế.
Cách đây tròn một năm, vào tháng 11.2016, VN chính thức nhận chuyển giao vai trò chủ nhà Năm APEC 2017. Đây là vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn lao, thể hiện sự tín nhiệm cao của cộng đồng quốc tế đối với nước ta, đồng thời là cơ hội để VN thể hiện Tầm nhìn chiến lược về tương lai châu Á – Thái Bình Dương. Việc đảm nhận vai trò nước chủ nhà Năm APEC 2017 cũng là bước đi góp phần cụ thể hoá đường lối đối ngoại do Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra, đó là “nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại đa phương, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương”.
Đặc biệt, Năm APEC 2017 cũng là dịp để VN tiến hành các hoạt động kỷ niệm các dấu mốc lịch sử trên chặng đường đối ngoại đa phương, nhất là kỷ niệm 40 năm gia nhập Liên Hiệp Quốc (1977 – 2017) và sắp tới là 20 năm gia nhập APEC (1998 – 2018). Những kết quả đạt được trong Năm APEC 2017 sẽ tạo đà để VN đảm nhận những trọng trách lớn của quốc tế trong những năm sắp tới, trong đó có việc ứng cử vào vị trí Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021 và Chủ tịch ASEAN 2020.
Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao với vai trò và vị thế của Việt Nam  - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

APEC 2017 tại Việt Nam: một năm sôi động

Tuần lễ cấp cao APEC năm 2017 đã khai mạc tại Đà Nẵng. Trong 10 tháng qua, từ tháng 12.2016 đến hết tháng 10.2017, các hoạt động của năm APEC đã được tổ chức tại các thành phố Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, Hạ Long, Ninh Bình, Vinh, Huế và Hội An.
Hướng tới mục đích đó, trong gần ba năm qua, công tác chuẩn bị Năm APEC 2017 được triển khai quyết liệt và đồng bộ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Những nỗ lực bền bỉ đó đã mang lại kết quả ngoài kỳ vọng của các nền kinh tế thành viên APEC cũng như bạn bè quốc tế.
Có thể khẳng định Tuần lễ cấp cao APEC vừa qua đã đưa VN trở thành tâm điểm chú ý của cả thế giới. Toàn bộ lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản…, đều hội tụ tại TP.Đà Nẵng, cùng với hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp và phóng viên trong và ngoài nước. Đây là lần thứ hai trong 10 năm qua Tuần lễ cấp cao APEC có được sự tham dự đông đủ của nhiều lãnh đạo cấp cao như vậy. Gần 100 cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo APEC đã diễn ra trong dịp này. Đây là minh chứng sinh động cho vị thế đang lên của khu vực châu Á – Thái Bình Dương trên bản đồ chính trị – kinh tế thế giới và cam kết mạnh mẽ của các nền kinh tế thành viên đối với tiến trình hợp tác APEC. Điều đó còn khẳng định vị trí chiến lược của VN ở khu vực cũng như sự quan tâm và tình cảm đặc biệt mà các nền kinh tế thành viên APEC và cá nhân các nhà lãnh đạo kinh tế APEC dành cho VN.
Con số kỷ lục hơn 4.000 lượt doanh nghiệp tham gia các sự kiện của Tuần lễ cấp cao APEC thể hiện tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp, sáng tạo của APEC, khẳng định APEC là diễn đàn vì người dân và doanh nghiệp, đồng thời mở ra triển vọng mới về sự tăng trưởng đầu tư, thương mại và kinh doanh cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương và đất nước ta.
Với tám văn kiện được thông qua tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 (*), trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố cấp cao Đà Nẵng “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, VN một lần nữa tô đậm dấu ấn của mình trên tiến trình hợp tác của APEC. Cam kết của các nhà lãnh đạo APEC “hướng tới thương mại, đầu tư mở và tự do trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương” và “ủng hộ một hệ thống thương mại đa phương dựa trên quy tắc, tự do, công bằng, mở, minh bạch và bao trùm” thể hiện thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm giữ vững các giá trị cốt lõi của APEC là thúc đẩy tự do hoá thương mại và đầu tư, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương. Cam kết này còn có ý nghĩa biểu tượng to lớn, vượt trên tầm khu vực trong bối cảnh lo ngại về việc phân bổ không công bằng các lợi ích của toàn cầu h, chủ nghĩa bảo hộ thương mại có xu hướng gia tăng. Điều đó đã tạo xung lực mới cho liên kết kinh tế quốc tế và vun đắp niềm tin vào các lợi ích của việc thúc đẩy tự do h thương mại và đầu tư toàn cầu đối với tăng trưởng và thịnh vượng của từng nền kinh tế, từng khu vực và toàn thế giới.
Không chỉ phát huy những thành tựu của 28 năm hợp tác, các kết quả của Tuần lễ cấp cao đã nâng tầm hợp tác APEC và xác lập hướng đi chiến lược của diễn đàn trong nhiều năm sắp tới. Trong đó, cần nhấn mạnh việc các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần đầu tiên thông qua Chương trình hành động phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội cũng như đề ra Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số.
Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao với vai trò và vị thế của Việt Nam  - ảnh 2

TIN LIÊN QUAN

Ý nghĩa đặc biệt của biểu trưng Năm APEC Việt Nam 2017

Cách đây 11 năm, vào năm 2006, Việt Nam từng đăng cai Hội nghị cấp cao APEC. Nếu dịp này, biểu tượng APEC được Việt Nam thể hiện cách điệu từ chiếc nón lá truyền thống thì hình ảnh đàn chim Lạc, một họa tiết trên trên trống đồng Đông Sơn, đã xuất hiện trong biểu trưng Năm APEC Việt Nam 2017.
Các thành viên cũng nhất trí thông qua sáng kiến của VN về hình thành Nhóm tầm nhìn APEC, hướng tới xây dựng một APEC vì người dân và doanh nghiệp, có khả năng thích ứng và đi đầu trong xử lý các thách thức toàn cầu, đóng góp tích cực vào việc xây dựng cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng. Cũng theo sáng kiến của VN, Đối thoại đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo APEC với 10 nhà lãnh đạo ASEAN diễn ra trong Tuần lễ cấp cao đã góp phần đề cao vai trò cũng như chặng đường lịch sử 50 năm phát triển của ASEAN, khẳng định vai trò khởi xướng, điều phối các ý tưởng, sáng kiến liên kết kinh tế của APEC, đồng thời tăng cường sự bổ trợ, gắn kết giữa hai cơ chế quan trọng này.
Tuần lễ cấp cao APEC 2017 còn góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ giữa các nền kinh tế thành viên và giữa VN với các thành viên APEC. Trong dịp này đã diễn ra các chuyến thăm song phương mang tính lịch sử. Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình lần đầu tiên thăm cấp nhà nước tới VN ngay sau Đại hội lần thứ XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây cũng là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump – một tổng thống Mỹ thăm cấp nhà nước tới VN ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Chúng ta cũng đã đón tiếp Tổng thống Chile Michelle Bachelet thăm cấp nhà nước và Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm chính thức VN. Cũng trong Tuần lễ cấp cao, lãnh đạo nước ta đã tiến hành gần 50 cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương với các đối tác.

Thành công của Năm APEC 2017 là kết quả của nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trước hết, đó là đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta về độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương h, hội nhập quốc tế sâu rộng, chủ động và tích cực đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương; sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư T.Ư Đảng, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương; sự quyết tâm và đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân.
Chúng ta đã kế thừa và phát huy có hiệu quả những bài học kinh nghiệm quý giá về đối ngoại đa phương đúc kết từ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, nhất là việc đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà Năm APEC 2006 và Chủ tịch ASEAN 2010. Chúng ta đã nắm bắt trúng mối quan tâm chung và xu thế hợp tác quốc tế để dự báo – đề xuất đúng chủ đề và các ưu tiên phù hợp, được các thành viên APEC đồng thuận cao. Việc vận động các đối tác cũng được triển khai tích cực nhằm tranh thủ sự ủng hộ, hỗ trợ rộng rãi trong công tác tổ chức cũng như hình thành các văn kiện then chốt của Năm APEC 2017. Chúng ta cũng đã phát huy bản lĩnh đối ngoại và sức mạnh mềm của ngoại giao VN, thể hiện vai trò cân bằng trong điều hành, khéo léo điều hòa khác biệt, thúc đẩy điểm đồng giữa các thành viên để bảo đảm thành công của các sự kiện.
Trong suốt quá trình chuẩn bị các sự kiện của Năm APEC 2017, chúng ta đã phát huy sức mạnh toàn dân, nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, của cộng đồng doanh nghiệp, nghệ nhân, nghệ sĩ cả nước đối với sự kiện chính trị – kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực. Có thể khẳng định, có được những thành công rực rỡ của 243 hoạt động trong Năm APEC 2017 còn là công sức và đóng góp không mệt mỏi của các địa phương, cùng đông đảo đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân cả nước. Hình ảnh người dân, chiến sĩ TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam vượt qua khó khăn do bão, lũ gây ra, không quản ngày đêm chỉnh trang cảnh quan, đón tiếp đại biểu APEC chu đáo, an toàn và trọng thị, là biểu tượng của sức mạnh lòng dân – nhân tố quan trọng đã giúp dân tộc ta đứng vững và phát triển trong những thời khắc cam go của đất nước.
Chúng ta cũng không thể không nhắc đến sự ủng hộ và hợp tác chặt chẽ của các thành viên APEC trong quá trình chuẩn bị và diễn ra các hoạt động APEC, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao. Tuy còn có khác biệt, song các thành viên vẫn thể hiện niềm tin và sự ủng hộ mạnh mẽ đối với vai trò dẫn dắt, năng lực xây dựng đồng thuận, điều hòa lợi ích của nước ta trên cương vị chủ nhà và chúng ta đã không phụ sự tin cậy đó.
Năm APEC 2017 đã kết thúc rất thành công với nhiều dấu ấn nổi bật. Lần thứ hai đăng cai tổ chức Năm APEC, VN đã thể hiện xuất sắc vai trò chủ nhà và hoàn thành tốt các mục tiêu đã đề ra. Tuần lễ cấp cao APEC vừa qua còn mang lại nhiều nguồn lực thiết thực phục vụ công cuộc phát triển kinh tế – xã hội của đất nước với tổng cộng 121 thoả thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết, trị giá gần 20 tỉ USD, gấp gần 10 lần tổng giá trị các thoả thuận được ký kết vào năm 2006. Đây cũng là dịp để nước ta giới thiệu đến bạn bè quốc tế một VN phát triển năng động, mến khách, thanh bình, có thế mạnh và tiềm năng về kinh tế, phát triển, đầu tư, kinh doanh, du lịch… Qua đó, chúng ta cũng đã nâng cao năng lực hội nhập quốc tế của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp; rèn luyện, đào tạo được đội ngũ cán bộ ở cả trung ương và địa phương, củng cố vững chắc hơn nền tảng của văn hoá hội nhập quốc tế.
Tiếp đà thành công đó, trong những năm tới, chúng ta tiếp tục đồng hành cùng các thành viên APEC triển khai những cam kết đã đạt được, đóng góp vào việc xây dựng Tầm nhìn APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, góp phần để châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu, đồng thời bảo đảm APEC là diễn đàn vì người dân và doanh nghiệp, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược về một quan hệ đối tác châu Á – Thái Bình Dương phát triển bền vững và bao trùm trong thế kỷ 21.
Thành công của Năm APEC 2017 và Tuần lễ cấp cao đã tạo khí thế mới cho hội nhập quốc tế, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào cả nước phát huy cao độ tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới vẻ vang của đất nước.
 
* (1) Tuyên bố chung Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25; (2) Chương trình hành động phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội; (3) Khuôn khổ phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số; (4) Tuyên bố chung Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao – Kinh tế APEC lần thứ 29; (5) Khuôn khổ tạo thuận lợi thương mại điện tử qua biên giới; (6) Chiến lược doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa xanh, bền vững, sáng tạo; (7) Kế hoạch hành động về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; (8) Kế hoạch hành động về phát triển nông thôn, đô thị nhằm tăng trưởng chất lượng và bảo đảm an ninh lương thực.
 

 

Chủ tịch nước Trần Đại Quang