10/01/2025

Gấp rút đào tạo nhân lực ngành du lịch

Bộ GD-ĐT vừa ban hành cơ chế đặc thù đào tạo ngành du lịch, với một loạt quy định tương đối thoáng so với quy định chung.

Gấp rút đào tạo nhân lực ngành du lịch

 

 Bộ GD-ĐT vừa ban hành cơ chế đặc thù đào tạo ngành du lịch, với một loạt quy định tương đối thoáng so với quy định chung.

 

Gấp rút đào tạo nhân lực ngành du lịch - Ảnh 1.

Sinh viên ngành quản trị nhà hàng khách sạn trong giờ thực hành – Ảnh: N.HÙNG

Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục ĐH với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo là điều kiện bắt buộc để các trường được thực hiện cơ chế đặc thù”

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng (vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT)

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT – đã có cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ về cơ chế nói trên.

* Bộ GD-ĐT khuyến khích sinh viên ngành khác học văn bằng 2 ngành du lịch để giải quyết vấn đề việc làm…

– Ngành du lịch đã thực hiện tổng thể về khảo sát việc làm, dự kiến đến năm 2020 lao động du lịch cần gần 3 triệu người. Trong đó, đặc biệt thiếu đội ngũ lao động trình độ cao để quản lý và phát triển các doanh nghiệp du lịch lớn, đủ sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Đội ngũ lao động nghiệp vụ vẫn còn số lượng lớn chưa qua đào tạo, bị hạn chế về năng lực chuyên môn, khả năng ngoại ngữ và sử dụng công nghệ thông tin. Cơ cấu lao động chưa cân đối, chủ yếu tập trung vào lao động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng. 

 

 

Đội ngũ hướng dẫn viên có trình độ chuyên môn và sử dụng thành thạo ngoại ngữ còn thiếu. Khả năng sử dụng ngoại ngữ còn thiên lệch, chưa đồng đều, chủ yếu là tiếng Anh…

Vì vậy, trong cơ chế đặc thù, Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều hướng để tăng cường đào tạo nhân lực du lịch, trong đó có khuyến khích đào tạo văn bằng 2.

* Vì sao Bộ GD-ĐT khuyến khích tăng số lượng đào tạo trình độ đại học cho nhân lực ngành du lịch?

– Theo thống kê của ngành du lịch, nhân lực có trình độ từ đại học trở lên chỉ chiếm hơn 3% trong tổng số lao động của ngành.

Trong điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, đặc biệt là khi công nghệ phát triển ở mọi lĩnh vực thì nhu cầu sử dụng lao động có trình độ đại học sẽ tăng lên. Tỉ lệ lao động trình độ đại học ở các nước phát triển đã và đang thay đổi theo hướng này.

Tuy nhiên, việc tăng cường đào tạo nhân lực ngành du lịch trình độ đại học không có nghĩa là không tăng cường đào tạo nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng. Việc này đang được Bộ Lao động – thương binh và xã hội chỉ đạo theo phân công của Chính phủ.

Từ đầu năm 2016, Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được hình thành. Ngành du lịch là một trong những ngành đầu tiên được dịch chuyển lao động trong khối. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành khung trình độ quốc gia tương thích với khung trình độ tham chiếu ASEAN.

Người tốt nghiệp đại học ngành du lịch đạt được chuẩn đầu ra theo quy định của khung trình độ quốc gia sẽ có nhiều lợi thế hơn trong tìm kiếm việc làm, không chỉ ở các doanh nghiệp trong nước mà còn ở các nước khác trong khu vực.

* Với việc mở rộng đào tạo ngành du lịch, bộ có lo ngại tình trạng khủng hoảng thừa về số lượng đào tạo ở ngành này?

– Việc xây dựng cơ chế đặc thù trong đào tạo ngành du lịch là bước khởi động để thực hiện chủ trương phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo nghị quyết của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ chế đặc thù này chỉ thực hiện thí điểm trong 3 năm. Trước khi thực hiện, các cơ sở đào tạo phải xây dựng đề án đào tạo nhân lực du lịch (giai đoạn 2017-2020) và các phụ lục minh chứng, thuyết minh kèm theo để đăng tải công khai cho xã hội giám sát và người học lựa chọn.

Sau 3 năm triển khai đề án, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức đánh giá kết quả thực hiện cơ chế đặc thù, xác định việc tiếp tục thực hiện, chấm dứt hoặc điều chỉnh các quy định nếu thấy cần thiết.

Đề án tạo điều kiện để giải quyết việc làm

Nói về quan điểm của Tổng cục Du lịch với cơ chế đặc thù đào tạo nhân lực ngành du lịch, ông Vũ Quốc Trí – chánh văn phòng Tổng cục Du lịch – cho biết:

– Đề án này sẽ tạo cơ chế thuận lợi cho sinh viên đã tốt nghiệp nhưng chưa tìm được việc làm, hoặc những lao động ở ngành nghề khác muốn chuyển sang làm du lịch.

Quan điểm của chúng tôi là thời gian đào tạo cần rút ngắn xuống còn 2 năm, bởi chỉ tập trung đào tạo về du lịch. Học văn bằng 2 là để tìm công việc phù hợp, nên những môn đại cương không cần học lại nữa.

Lâu nay doanh nghiệp du lịch vẫn chê nhà trường đào tạo nhiều kiến thức quá, sinh viên tốt nghiệp ra trường đi làm doanh nghiệp đều phải đào tạo lại. Vậy nên điểm chung giữa sinh viên tốt nghiệp và doanh nghiệp rất khó gặp nhau.

Chúng tôi chỉ mong cùng với cơ chế đặc thù này trong đào tạo nhân lực ngành du lịch, khoảng cách giữa đào tạo trong nhà trường và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp đừng cách xa nhau quá.

NGỌC HÀ – VŨ VIẾT TUÂN