Ngày thứ sáu đen (Black Friday) 24.11, ngày siêu giảm giá không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn là ngày hội bán hàng của các doanh nghiệp tại VN. Nhiều thương hiệu đã đạt được doanh số khủng trong đợt này. Ngày thứ sáu đen (Black Friday) 24.11, ngày siêu giảm giá không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn là ngày hội bán hàng của các doanh nghiệp tại VN. Nhiều thương hiệu đã đạt được doanh số khủng trong đợt này.
‘Bão’ thứ sáu đen tràn khắp nơi
Ngày thứ sáu đen (Black Friday) 24.11, ngày siêu giảm giá không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn là ngày hội bán hàng của các doanh nghiệp tại VN. Nhiều thương hiệu đã đạt được doanh số khủng trong đợt này.
Hàng triệu sản phẩm được tiêu thụ
Chợ điện tử VN cũng nhộn nhịp Các sàn thương mại điện tử tại VN như Lazada, Tiki, Adayroi, Shopee, Sendo,… từ đầu tháng 11 đến nay cũng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi lớn cho nhiều sản phẩm, từ hàng gia dụng đến mỹ phẩm, quần áo thời trang, sản phẩm cho em bé, hàng công nghệ… Hàng loạt sản phẩm giảm giá lên đến 65 – 70%, khiến nhiều người tiêu dùng không thể làm ngơ.
Hàng loạt thương hiệu trong và ngoài nước đồng loạt tung chương trình siêu giảm giá nhân dịp Black Friday vào 24.11 và kéo dài trong các ngày cuối tuần 25 – 26.11. Thậm chí trước đó một tuần, nhiều doanh nghiệp (DN) còn tung ra các chương trình khuyến mãi sớm để thu hút người mua. Với mức giảm giá từ 20 – 50%, trong ngày 24.11 lượng khách hàng đổ về các trung tâm thương mại (TTTM) gia tăng đột biến.
Tại TTTM Vincom (Q.1, TP.HCM), có những thời điểm dòng người rồng rắn xếp hàng tại một số gian hàng như H&M, Aldo, Charles&Keith… vì có một số mẫu được giảm giá mạnh đến 50%. Tại cửa hàng Aldo, chương trình giảm giá 50% chỉ kéo dài đến 15 giờ ngày 24.11 nên đến sát giờ, nhiều khách hàng bị chặn bên ngoài cửa hàng. Uyên, một bạn trẻ vừa mua được 2 túi xách của thương hiệu này, hớn hở cho biết đã kịp mua được với mức giảm 50%, giá chỉ còn 650.000 – 700.000 đồng cho một chiếc túi xách là “quá ngon”. Chị Hà, một khách hàng khác cho biết cũng vừa mua xong một số sản phẩm của Levi’s và Old Navy, có những sản phẩm giảm giá đến 50%. “Đi mua hàng hôm nay khá đông nhưng chịu khó để mua được một số quần áo với giá rẻ hơn nhiều so với ngày bình thường. Tuy nhiên nhiều cửa hàng chỉ giảm giá cho một số sản phẩm chứ không giảm cho tất cả như nước ngoài”, chị Hà chia sẻ thêm.
Không chỉ các thương hiệu nước ngoài mới mạnh tay giảm giá mà nhiều thương hiệu Việt cũng tham gia để tăng doanh số. Năm nay cũng lần đầu tiên hệ thống siêu thị Co.opmart và Co.opXtra áp dụng thí điểm trên 60.000 sản phẩm nhu yếu trong chương trình “6 ngày cuồng nhiệt mua sắm”, từ ngày 21 – 26.11 tại hệ thống siêu thị trên cả nước. Còn thương hiệu giày Juno tung ra chương trình khuyến mãi lớn dịp Black Friday kéo dài từ ngày 17 – 26.11, như 200.000 đôi giày đồng giá 200.000 đồng, hàng loạt giày, túi xách đồng giá 300.000 đồng hay cũng được giảm 50%. Chỉ trong ngày đầu tiên khuyến mãi, doanh số của hệ thống này đạt khoảng 1 triệu USD, tương đương hơn 22 tỉ đồng, gấp gần 4 lần doanh thu ngày đầu tiên của chương trình Black Friday năm 2016. Ông Đinh Anh Huân, đại diện thương hiệu Juno, cho biết dù chương trình chưa kết thúc nhưng ước tính có khoảng 1 triệu sản phẩm được tiêu thụ, vượt xa mục tiêu mà đơn vị này đề ra.
Các siêu thị điện máy cũng tung khuyến mãi mạnh. Chẳng hạn Điện Máy Xanh giảm từ 5 – 15% cho hàng loạt sản phẩm điện thoại di động, laptop, máy tính bảng; được tặng phiếu mua hàng từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng và một số sản phẩm ti vi, tủ lạnh, máy lạnh được giảm đến 49%. Hay siêu thị điện máy – nội thất Chợ Lớn cũng giảm giá một số sản phẩm đến 50%…
Khách hàng ùn ùn mua sắm ngày Black Friday tại trung tâm thương mại ở TP.HCMẢNH: ĐỘC LẬP
Kẹt xe vì Black Friday
Ở Hà Nội, dù thời tiết rét đậm, song người dân thủ đô vẫn nườm nượp đổ ra đường và các TTTM với hy vọng là những người đầu tiên mua hàng giảm giá nhân dịp Black Friday. Đến buổi trưa, giao thông tại nhiều tuyến đường kẹt cứng. Trên phố Chùa Bộc, nhiều cửa hàng bày cả quần áo giảm giá ra vỉa hè, thậm chí tràn xuống lòng đường khiến giao thông liên tục ùn tắc từ trưa đến chiều. Chị Diệp, nhân viên bán hàng trên phố Chùa Bộc, phấn khởi cho hay: “Lâu lắm rồi mới thấy cảnh Hà Nội tắc đường vì mua sắm. Nhờ thời tiết ủng hộ, hàng hoá bán chạy hơn. Đợt này không khí lạnh nên khách hàng chủ yếu mua áo khoác, áo len, tất, khăn mũ…”. Còn tại các TTTM Vincom, Lotte… nhiều mặt hàng quần áo, mỹ phẩm, điện tử, nội thất, hàng gia dụng cũng giảm giá từ 20 – 50%. Một vài cửa hàng có mức giảm 50% toàn bộ các mặt hàng trong giờ vàng, song lượng khách mua sắm quá tải, buộc phải đóng cửa tạm thời, yêu cầu khách xếp hàng theo thứ tự để vào mua sắm.
Đến tận chiều muộn 24.11, giao thông tại các tuyến phố mua sắm của Hà Nội đi lại rất khó khăn. Nhiều khách hàng đi mua sắm không thể gọi được taxi đành phải bắt xe ôm về. Tình trạng kẹt xe cũng diễn ra tại nhiều tuyến đường trung tâm ở TP.HCM vì thứ sáu đen.
Hàng nhiều, mức giảm chưa lớn
Tuy nhiên, với mức giảm giá mà các cửa hàng đưa ra khiến không ít khách hàng tỏ ra thất vọng. Chị Lý Hà, nhân viên văn phòng ở Hà Nội, chia sẻ: “Hầu hết các cửa hàng chỉ giảm từ 10 – 30%. Cũng có vài cửa hàng chạy chương trình giảm giá 50% giờ vàng hoặc mua
1 tặng 1 nhưng không thể mua được hàng vì quá đông người mà mình thì không đủ kiên nhẫn đứng chờ hàng tiếng đồng hồ”. Còn chị Minh Huệ, ở Q.Hoàng Mai, bày tỏ: “Nghe quảng cáo tại các TTTM nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới giảm giá với mức giảm đến 50%, tôi và mấy đồng nghiệp rủ nhau đi. Tôi muốn mua đồ giảm giá của thương hiệu Zara mới mở tại Hà Nội, nhưng cửa hàng này lại không giảm giá. Có quá nhiều người đến mua sắm, chờ thử đồ và chờ thanh toán rất lâu nên tôi quyết định về đặt hàng từ nước ngoài qua mạng, tính ra một chiếc áo khoác rẻ hơn mua ở VN từ 300.000 – 400.000 đồng/chiếc”.
Khách hàng gia tăng ở những cửa hàng có giảm giá là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dù một số thương hiệu không có chương trình khuyến mãi ngày Black Friday nhưng người mua cũng đông hơn thường ngày. Tại cửa hàng Zara ở TTTM Vincom (Q.1, TP.HCM), nhiều khách hàng vẫn mua đồ dù hãng này không giảm giá. Tương tự, cửa hàng Pull & Bear chỉ giảm 30% cho sản phẩm giày dép vẫn thu hút được đông đảo khách hàng. Chị Ngân, một khách hàng đang mua sản phẩm tại Zara, cho rằng do đã mất thời gian để đi mua sắm dịp này nên đi một loạt các thương hiệu luôn.
Theo ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia về thương mại, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, ở VN chủ yếu là mua bán trao tay, mua hàng qua mạng chưa nhiều lắm nên ngày Black Friday vẫn còn đất sống. Tuy nhiên, việc giảm giá trong ngày này tại VN lại chưa thực chất. “Các cửa hàng vẫn chỉ là chạy chương trình khuyến mãi, giảm giá theo phong trào. Từ cửa hàng trên phố đến siêu thị, TTTM ở đâu cũng treo biển giảm giá, nhưng mức giảm không nhiều… Do các cửa hàng giảm giá quanh năm nên đến dịp Black Friday mức giảm giá không còn ý nghĩa”, ông Phú nhận xét.
Quy định không được giảm giá quá 50% đã lạc hậu
Quy định chỉ được giảm giá đến 50% khiến DN lẫn người tiêu dùng VN thiệt thòiẢNH: PHẠM HÙNG
Dự thảo lần 1 của Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 37/2006/NĐ-CP ngày 4.4.2006 quy định, mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá hàng hóa, dịch vụ đó ngay trước thời gian khuyến mãi. Nhưng trong các trường hợp tổ chức các chương trình khuyến mãi tập trung (như tuần khuyến mãi, tháng khuyến mãi, mùa khuyến mãi, ngày lễ…) thì mức giảm giá tối đa đối với hàng hoá, dịch vụ có thể lên đến 70%. Mức giảm giá 70% cũng được áp dụng đối với các hoạt động khuyến mãi trong khuôn khổ các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại do Thủ tướng quyết định.
M.Phương
Trong khi các thương hiệu tại Mỹ giảm giá lên đến 70, thậm chí 80% nhân dịp Black Friday thì tại VN, hầu hết các doanh nghiệp (DN) chỉ giảm tối đa đến 50%. Điều này là tuân thủ đúng quy định chi tiết về luật Thương mại. Theo đó, các mặt hàng chỉ được giảm giá không quá 50% và tổng thời gian giảm giá không quá 90 ngày/năm (trong đó thời hạn giảm giá của một chương trình khuyến mãi không được quá 45 ngày).
Trên thực tế hiện nay, một số cửa hàng vẫn để mức giảm giá lên đến 60% hoặc có nơi “lách” bằng cách giảm giá 50% và nếu khách hàng thanh toán qua thẻ ngân hàng sẽ được giảm thêm 10%. Thậm chí nhà mạng MobiFone ngày 24.11 nhân dịp Black Friday cũng khuyến mãi tặng 100% giá trị thẻ nạp và nhân đôi ngày sử dụng cho khách hàng trả trước…
Theo chuyên gia marketing Lê Phụng Hào, quy định trói buộc chỉ được giảm giá ở mức 50% đã quá lạc hậu so với biến động trên thị trường. Quan trọng hơn là hiện nay cũng không cơ quan quản lý nào đi kiểm tra, giám sát việc khuyến mãi của các DN. Từ đó mới xuất hiện có những đơn vị vượt rào trong khi những thương hiệu lớn lại không dám. Điều này là không công bằng trong hoạt động thương mại. Hơn nữa cũng khiến cho người tiêu dùng bị thiệt thòi nếu so với các chương trình giảm giá mạnh ở các nước. “Nhiều sàn bán hàng qua mạng đã tổ chức bán giá sốc, thậm chí giảm đến 80% trong 1 – 2 giờ đồng hồ để kéo khách hàng tham gia cũng không ai kiểm soát hết được. Còn DN tuân thủ đúng quy định thì bị thiệt thòi. Ví dụ các DN nhập khẩu hàng hóa tự đưa ra giá bán thấp để cạnh tranh thì cũng không thể xác định được nên giảm tối đa 50% cũng sẽ không biết là bao nhiêu. Do vậy quy định này đã lạc hậu và cần phải mạnh dạn thay đổi, để DN tự quyết định”, ông Hào nói.
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng quy định này là bất cập trên thị trường. Vì có những sản phẩm, những ngành hàng đặc trưng như hàng thời trang, hàng tươi sống… có vòng đời ngày càng ngắn. Vì vậy áp dụng quy định cứng nhắc chỉ được giảm giá không quá 50% khiến DN khó khăn trong việc điều tiết hoạt động của mình.
“Hàng thời trang qua mùa có bán giảm giá đến 70% cũng chưa chắc có người mua. Vì vậy cần phải xem xét thay đổi quy định hoặc linh hoạt áp dụng tùy đối tượng DN, tùy sản phẩm khác nhau chứ không thể áp dụng máy móc chung cho mọi hàng hoá. Tôi thấy dự thảo sửa đổi quy định này đang được thực hiện nhưng quá lâu vẫn chưa thấy công bố gì. Cần phải thực hiện để áp dụng sớm, tạo cơ chế thông thoáng cho các DN”, chuyên gia Ngô Trí Long nhận xét.