12/01/2025

Nhiều sếp ngân hàng sắp phải đau đầu chọn ‘ghế’

Hàng loạt các sếp ngân hàng đồng thời là lãnh đạo các doanh nghiệp khác sẽ phải quyết định chọn 1 trong hai ‘ghế’ khi luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15.1.2018.

 

Nhiều sếp ngân hàng sắp phải đau đầu chọn ‘ghế’.

Hàng loạt các sếp ngân hàng đồng thời là lãnh đạo các doanh nghiệp khác sẽ phải quyết định chọn 1 trong hai ‘ghế’ khi luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15.1.2018.


 

 

Ông Võ Quốc Thắng chưa có quyết định cuối cùng về việc 'làm sếp' ngân hàng hay doanh nghiệp /// Ảnh: Ngô Nguyễn

Ông Võ Quốc Thắng chưa có quyết định cuối cùng về việc ‘làm sếp’ ngân hàng hay doanh nghiệpẢNH: NGÔ NGUYỄN

Cụ thể, để hạn chế sở hữu chéo, luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung quy định, chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của một tổ chức tín dụng (TCTD) không được đồng thời giữ các chức vụ tương tự ở doanh nghiệp (DN) khác. Như vậy, sẽ có một loạt đại gia đang kiêm nhiệm phải hy sinh bớt chức vụ của mình.
Qua thời “2 chân giẫm nhiều xuồng”
Ông Võ Quốc Thắng (bầu Thắng) đang là Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) TMCP Kiên Long cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đồng Tâm (DTGG) cho biết việc ông chọn “ghế” nào, NH hay công ty sẽ được trao đổi và quyết định trong cuộc họp với các cổ đông lần tới. Ông Dương Công Minh, Chủ tịch Sacombank đồng thời Chủ tịch HĐQT Công ty Him Lam, thì trả lời dứt khoát: “Tôi sẽ thôi chức chủ tịch bên Công ty Him Lam để tuân thủ đúng quy định của pháp luật”.
Thực tế hiện nay có rất nhiều người đang kiêm nhiệm như 2 trường hợp trên. Chẳng hạn như bà Nguyễn Thị Nga vừa là Chủ tịch NH TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa là Chủ tịch Tập đoàn BRG; ông Đỗ Minh Phú là Chủ tịch HĐQT NH TMCP Tiên Phong nhưng cũng là Chủ tịch Tập đoàn vàng bạc đá quý Doji, ông Phương Hữu Việt – Chủ tịch HĐQT NH TMCP Việt Á vừa là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư Việt Phương, ông Đỗ Quang Hiển đang là Chủ tịch NH TMCP Sài Gòn – Hà Nội kiêm Chủ tịch Tập đoàn T&T, bà Thái Hương được biết đến với 2 chức vụ Chủ tịch HĐQT NH TMCP Bắc Á và Công ty cổ phần sữa TH (THMilk), ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT NH TMCP Kỹ thương cũng đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT Công ty Masan, tân Chủ tịch NH TMCP Quốc Dân (NCB) ông Nguyễn Tiến Dũng hiện nay cũng là Chủ tịch Tập đoàn Gami…
Biện pháp tốt nhưng chưa đủ
Quy định này là một trong những giải pháp xử lý tình trạng sở hữu chéo trong ngành NH. Theo Ngân hàng Nhà nước, kết quả tình trạng sở hữu chéo NH trong thời gian qua đã giảm. Năm 2012, TCTD sở hữu trực tiếp nhau là 7 cặp, nay giảm xuống còn 2 cặp; NH và DN sở hữu nhau giảm từ 56 cặp xuống còn 5 cặp; số TCTD có cổ đông sở hữu trên 15% giảm từ 19 xuống còn 4 tổ chức. Thế nhưng tình trạng sở hữu chéo vẫn còn khá phức tạp, khó nhất là những trường hợp cố tình nhờ người đứng tên.
Luật sư Bùi Quang Tín nhận xét quy định sếp lớn NH không được kiêm nhiệm các chức vụ ở DN khác là tốt nhưng vẫn còn mang tính hình thức vì sẽ không tránh khỏi trường hợp sếp NH từ chức ở DN nhưng thuê người vào vị trí này và vẫn điều hành phía sau, dẫn đến rủi ro cho nhiều chủ thể và việc sở hữu chéo phức tạp hơn. Để chống tình trạng sở hữu chéo, ông Bùi Quang Tín cho rằng cần đẩy mạnh việc thanh tra, giám sát NH và những hoạt động này cần do một tổ chức độc lập chứ không phải nằm trong ngành NH.
Cùng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Basico, nhận xét quy định này nhằm thắt chặt hơn tình trạng sân sau của các cổ đông. Thực tế đã xảy ra trường hợp tại NH Xây dựng, ông Phạm Công Danh vừa là Chủ tịch HĐQT NH Xây dựng cũng là chủ Công ty Thiên Thanh đã sử dụng chiêu lập các công ty sân sau, hoặc nhờ người quen mượn tên pháp nhân các công ty để đứng tên, làm thủ tục vay tiền, gây thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng và trở thành một trong những đại án trong thời gian vừa qua. Thế nhưng, bên cạnh quy định này, muốn hạn chế, chống sở hữu chéo cần phải kiểm tra, theo dõi thường xuyên; có những thông tin, giải pháp khác để kiểm soát việc sở hữu của các cổ đông. “Qua quá trình theo dõi, khi phát hiện được thì nên áp dụng các biện pháp mạnh tay xử lý ngay. Khi có những phát hiện sớm và xử lý sẽ tránh được nợ xấu hay rủi ro có thể xảy ra đối với NH”, LS Trương Thanh Đức nói.
Theo quy định của luật Các TCTD sửa đổi, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên HĐQT, thành viên hội đồng thành viên, thành viên Ban Kiểm soát của TCTD, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD. Phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của DN khác.
Chủ tịch HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của TCTD không được đồng thời là chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của DN khác.

 

Thanh Xuân