Giới chức Mỹ vừa phanh phui vụ cựu quan chức Hồng Kông thay mặt một công ty năng lượng Trung Quốc hối lộ lãnh đạo cấp cao của 2 nước châu Phi để giành lợi thế làm ăn.
Công ty Trung Quốc dính nghi án hối lộ quốc tế.
Giới chức Mỹ vừa phanh phui vụ cựu quan chức Hồng Kông thay mặt một công ty năng lượng Trung Quốc hối lộ lãnh đạo cấp cao của 2 nước châu Phi để giành lợi thế làm ăn.
Theo thông cáo được đăng trên website của Bộ Tư pháp Mỹ, giới chức nước này đã bắt giữ hai cựu quan chức cấp cao của Hồng Kông và Senegal liên quan vụ hối lộ hàng triệu USD. Hai người này là ông Hà Chí Bình (68 tuổi), cựu Cục trưởng Nội vụ Hồng Kông giai đoạn 2002 – 2007 và ông Cheikh Gadio (61 tuổi), cựu Ngoại trưởng Senegal từ năm 2000 – 2009.
Theo AFP, hai người bị cáo buộc vi phạm Đạo luật về hành vi tham nhũng ở nước ngoài và rửa tiền quốc tế. Cụ thể, ông Hà và ông Gadio bị cho là đã hối lộ các quan chức cấp cao ở châu Phi để đổi lấy lợi ích cho một doanh nghiệp Trung Quốc. Danh tính doanh nghiệp này không được nêu trong thông cáo, nhưng các thông tin trong đơn kiện cho thấy đây là Công ty CEFC China Energy, một ngôi sao đang lên của ngành công nghiệp năng lượng Trung Quốc, có trụ sở tại Thượng Hải. Công ty này giữ nhiều cổ phần trong các dự án toàn cầu, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc. Chỉ mới nổi lên vài năm qua nhưng CEFC China Energy được xem là một “tay chơi lớn” trên thị trường dầu khí quốc tế, với tầm hoạt động vươn khắp châu Phi, Đông Âu và các nước vùng Vịnh.
Tỉ phú Macau Ng Lap Seng, từng là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, bị xét xử vì hối lộ, rửa tiền và tham nhũng liên quan đến 2 quan chức Liên Hiệp Quốc.
Vụ hối lộ lớn trên được cho là bắt đầu từ tháng 10.2014, khi ông Hà và ông Gadio gặp nhau tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ). Vào thời điểm này, CEFC China Energy muốn mở rộng thị trường tại Chad, đồng thời muốn liên doanh với một tập đoàn dầu khí nhà nước của Trung Quốc đang hoạt động ở quốc gia châu Phi này. Chỉ trước đó không lâu, tập đoàn nhà nước trên bị chính phủ Chad phạt vì vi phạm các quy định môi trường. Ông Hà đã lôi kéo ông Gadio giúp tiếp cận tổng thống Chad với mục tiêu ban đầu là giải quyết căng thẳng giữa chính phủ Chad và tập đoàn nhà nước Trung Quốc, sau đó giành mối lợi về cho công ty của mình tại đây. Ông Gadio có quan hệ cá nhân với tổng thống Chad nên đã giúp ông Hà và CEFC China Energy kết nối với vị nguyên thủ và một số quan chức khác. Trong cáo trạng của Bộ Tư pháp Mỹ, hai người này đã đề nghị khoản hối lộ 2 triệu USD cho tổng thống Chad với danh nghĩa tiền quyên góp. Sau phi vụ 2 triệu USD, công ty của ông Hà giành lợi thế trong quá trình đàm phán vì có đặc quyền mà không phải cạnh tranh với đối thủ khác. Ông Gadio sau đó “gạ” ông Hà 500.000 USD tiền hoa hồng, nhưng ông Hà chỉ chuyển 400.000 USD thông qua một ngân hàng ở New York.
Tỉ phú Macau Ng Lap Seng, từng là thành viên Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, bị xét xử vì hối lộ, rửa tiền và tham nhũng liên quan đến 2 quan chức Liên Hiệp Quốc.
Phi vụ thứ hai cũng bắt đầu từ tháng 10.2014 khi ông Hà gặp ngoại trưởng Uganda tại New York. Mặc dù không nêu tên nhưng theo thông tin về nhiệm kỳ thì vị ngoại trưởng được nói đến là ông Sam Kahamba Kutesa, người giữ ghế Chủ tịch Đại hội đồng LHQ thời điểm đó. Hai người đã thảo luận về mối “quan hệ chiến lược” giữa Uganda và CEFC China Energy. Vào khoảng tháng 2.2016, ông Kutesa về nước tiếp tục giữ chức ngoại trưởng và “đòi” một khoản “quyên góp” từ ông Hà là 500.000 USD. Khoản tiền này được chuyển vào một tài khoản được cho là của ông Kutesa thông qua một ngân hàng ở New York.
Chính vì chuyển tiền qua ngân hàng ở New York nên giới chức Mỹ mới bắt giữ hai cựu quan chức trên. Theo AFP, với cáo buộc mà giới tư pháp Mỹ đưa ra, ông Hà và ông Gadio có thể phải đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù giam. Quyền trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Kenneth A.Blanco nhấn mạnh vụ hối lộ liên quan tới cấp lãnh đạo cao nhất của chính phủ hai nước. Trong khi đó, quyền Chưởng lý Manhattan, ông Joon H.Kim cho biết: “Vụ hối lộ quốc tế không chỉ gây tổn hại tới làm ăn hợp pháp và cạnh tranh lành mạnh mà còn hủy hoại niềm tin của công chúng đối với sự thanh liêm của chính phủ. Khi kiểu tham nhũng và hối lộ này diễn ra trên đất nước và hệ thống tài chính của chúng tôi thì tòa án Mỹ sẽ đưa ra kết quả cuối cùng”.
Chi nhánh Thuỵ Sĩ của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase vừa bị cơ quan quản lý tài chính (FINMA) của Thụy Sĩ phạt vì rửa tiền và “vi phạm nghiêm trọng luật giám sát”.