11/01/2025

Định hướng lại chính sách ưu đãi bất bình đẳng

Không chỉ dành tổng trên 35.300 tỉ đồng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho khối FDI, Việt Nam đang ưu đãi nhiều loại thuế khác và theo Bộ Tài chính, đã đến lúc cần có thay đổi.

 

Định hướng lại chính sách ưu đãi bất bình đẳng.

 

Không chỉ dành tổng trên 35.300 tỉ đồng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho khối FDI, Việt Nam đang ưu đãi nhiều loại thuế khác và theo Bộ Tài chính, đã đến lúc cần có thay đổi.


Định hướng lại chính sách ưu đãi bất bình đẳng - Ảnh 1.

Doanh nghiệp trong nước cần tận dụng các ưu đãi thuế như doanh nghiệp FDI đã làm. Trong ảnh: tại một doanh nghiệp chế biến cà phê Việt Nam – Ảnh: Tiến Dũng

Trong văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương khi xây dựng văn bản không đưa các nội dung ưu đãi thuế khác so với quy định về thuế đã ban hành.

Doanh nghiệp nội lo lắng

Trước thông tin khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) được ưu đãi tới trên 91% thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, ông Lâm An Dậu, tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Vĩnh Tiến, khẳng định rằng hiện nay vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước. 

Ông Dậu cho biết cùng một lĩnh vực, dù chính sách thế nào nhưng thực tế thủ tục làm dự án của doanh nghiệp nội thường chậm hơn khối FDI.

 

Chẳng hạn, nếu DN FDI gặp khó khăn, họ được đại sứ quán, cơ quan xúc tiến thương mại lên tiếng can thiệp, thường ngay sau đó chính quyền địa phương giải quyết nhanh. Ông Dậu cho rằng nếu so với FDI, doanh nghiệp Việt đang thiếu sự hỗ trợ để phát triển.

Hơn 20 năm cạnh tranh với hàng hóa của khối FDI, ông Lương Vạn Vinh, Tổng giám đốc Công ty Mỹ Hảo, cho rằng các doanh nghiệp trong nước ngày càng hụt hơi trong lúc các công ty FDI đang nhận được nhiều ưu đãi. 

“Từ lợi thế này, họ có chính sách thu hút nhân tài mà công ty Việt Nam khó làm được. Các nhân tài này tiếp tục thúc đẩy doanh nghiệp FDI lớn mạnh”, ông Vinh nói.

Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng giám đốc Công ty đồ gỗ Mifaco, việc DN FDI được hưởng ưu đãi nhiều hơn DN nội cần được xem lại. Trong quá trình phát triển, khi đóng góp của khối tư nhân ngày càng lớn, họ cần những hỗ trợ thực tế hơn từ các chính sách. “Chẳng hạn trong lĩnh vực sản xuất gỗ, cần hình thành những khu công nghiệp chuyên ngành đúng nghĩa để chuyên môn hóa các bộ phận sản xuất, tiết giảm chi phí” – ông Hiệp nói.

Ưu đãi lớn, tác động hạn chế

Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ tại Bộ Tài chính, bên cạnh ưu đãi về thuế thu nhập DN, VN còn nhiều chính sách ưu đãi khác để thu hút đầu tư theo định hướng như miễn giảm thuế xuất nhập khẩu, ưu đãi tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp… 

Bộ Tài chính trong báo cáo gửi Thủ tướng không tính riêng DN FDI được hưởng bao nhiêu trong ưu đãi các sắc thuế trên, nhưng cho biết cập nhật đến năm 2016 tổng ưu đãi các sắc thuế và khoản thu về đất đai của VN dành cho các thành phần kinh tế đạt con số trên 64.278 tỉ đồng (gần 3 tỉ USD).

Bộ Tài chính công nhận ưu đãi thuế đã góp phần thu hút đầu tư, giúp DN tăng tích lũy, mở rộng sản xuất… 

Tuy nhiên, bộ này thừa nhận tác động của ưu đãi thuế với phân bổ nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực, địa bàn Nhà nước khuyến khích còn hạn chế. 

Các tỉnh vùng sâu vùng xa vẫn chỉ chiếm 4% số dự án đầu tư. Vốn đầu tư cũng chủ yếu vào những ngành có tỉ suất lợi nhuận cao như chế biến, chế tạo, thông tin truyền thông… Các ngành như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản… số dự án vẫn hạn chế.

Việc ưu đãi cũng làm giảm thu đáng kể ngân sách nhà nước. Thậm chí, theo một đại diện Bộ Tài chính, đã có hiện tượng lợi dụng, lập nhiều dự án tại khu kinh tế được ưu đãi rồi chuyển thu nhập từ địa bàn không có ưu đãi về…

Tổng hợp ưu đãi các sắc thuế và khoản thu về đất đai năm 2016:

Định hướng lại chính sách ưu đãi bất bình đẳng - Ảnh 2.

Ưu đãi phải tính đến hội nhập

Việc ưu đãi lớn cho khối FDI trong khi doanh nghiệp trong nước ít tận dụng được vì còn yếu, khó đạt các tiêu chí ưu đãi. 

Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã thống nhất báo cáo Thủ tướng cần rà lại chính sách ưu đãi thuế hiện nay theo hướng cắt giảm theo lộ trình các ưu đãi thuế với các lĩnh vực đã phát triển về chiều sâu và chiều rộng… 

Cần nghiên cứu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp mà nhiều nước đã áp dụng hiệu quả như: giảm thuế theo đầu tư, tức cho phép tính vào chi phí được trừ khi tính thuế cao hơn (với khoản đầu tư mà Nhà nước khuyến khích như chi nghiên cứu phát triển, chi bảo vệ môi trường…).

Bộ Tài chính cũng kiến nghị: để đảm bảo công bằng, minh bạch, Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm đối tượng cần hỗ trợ qua chi ngân sách, thay vì thông qua ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright Việt Nam, hiện nay có thể thấy sự đi lên vượt trội của khối FDI trong quá trình hình thành những ngành, cụm kinh tế trong đó những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cũng đến từ doanh nghiệp FDI. 

Theo tính toán, khối FDI chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam. Xảy ra tình trạng này là do Việt Nam chưa tạo được cầu nối liên kết sản xuất hay hoạt động công nghiệp, dịch vụ công nghiệp phụ trợ giữa nhóm doanh nghiệp trong nước và FDI. 

Bài toán hội nhập đặt ra ở đây, theo ông Thành, là làm sao có động lực để Việt Nam tăng trưởng mà không dựa vào lao động nhân công giá rẻ, khai thác tài nguyên hay khối FDI. 

Thay vào đó, tăng trưởng nên dựa vào sự trỗi dậy của các ngành kinh tế trong nước liên kết được với doanh nghiệp nước ngoài.

Có bất bình đẳng…

Bộ Tài chính cho biết hiện có tới 30 nhóm lĩnh vực, ngành nghề được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp ; 54/63 tỉnh thành được ưu đãi về địa bàn.

Các khu kinh tế, khu công nghệ cao và nhiều khu công nghiệp cũng thuộc diện ưu đãi.

Bộ Tài chính công nhận có sự bất công bằng giữa doanh nghiệp trong khu kinh tế được ưu đãi với doanh nghiệp cùng địa bàn nhưng nằm ngoài khu kinh tế.

NHƯ BÌNH – ĐỨC SƠN