10/01/2025

Có nên trồng tỏi voi Nhật Bản ở Lý Sơn?

Người Nhật muốn mang giống tỏi voi đến trồng tại Lý Sơn để xuất khẩu? Dân ở ‘vương quốc tỏi” lại lắc đầu với giống ngoại lai. Bạn nghĩ gì về chuyện trồng tỏi lạ ở Lý Sơn?

 

Có nên trồng tỏi voi Nhật Bản ở Lý Sơn?

 

Người Nhật muốn mang giống tỏi voi đến trồng tại Lý Sơn để xuất khẩu? Dân ở ‘vương quốc tỏi” lại lắc đầu với giống ngoại lai. Bạn nghĩ gì về chuyện trồng tỏi lạ ở Lý Sơn?



Có nên trồng tỏi voi Nhật Bản ở Lý Sơn? - Ảnh 1.

Tỏi Lý Sơn được bán tại chợ huyện này – Ảnh: TRẦN MAI

Có hai doanh nghiệp Nhật Bản muốn mang giống tỏi voi trồng ở Lý Sơn, và cả hai cùng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi.

Hai công ty gồm Nikken Sekkei Civil Engineering và CAN Holdings đã phác họa một tương lai tươi sáng khi giới thiệu về sản phẩm tỏi voi Nhật Bản, đồng thời bày tỏ mong muốn tỉnh Quảng Ngãi tạo điều kiện để khảo sát, nghiên cứu triển khai dự án trồng tỏi voi tại huyện đảo Lý Sơn.

“Ở Nhật, tỏi voi có giá khoảng 180.000 đồng/kg. Công ty mong muốn sẽ được mang giống tỏi voi sang trồng tại Lý Sơn để xuất khẩu sang Nhật Bản”, ông Tadashi Yoshii, Tổng giám đốc CAN Holdings, đề nghị.

Thế nhưng, nhiều người trồng tỏi ở Lý Sơn không hứng thú với việc đưa một giống tỏi ngoại lai vào trồng tại đây. 

Bà Trần Thị Ái (xã An Hải) cho biết người dân có nhu cầu phát triển tỏi Lý Sơn, không có nhu cầu trồng giống tỏi khác trên đất đảo.”

Tỏi của chúng tôi là duy nhất, thị trường rất chuộng. Không có lý do gì đưa một giống tỏi khác vào đây nữa”, bà Ái nói.

Còn ông Dương Hiền (xã An Hải) cũng khẳng định tỏi Lý Sơn có giá cao nhờ vào chất lượng và đặc trưng riêng biệt, chưa kể việc lên men tỏi đen Lý Sơn còn có giá cao hơn hẳn. 

“Vậy can cớ chi đưa tỏi khác về đảo cho cực”, ông Hiền đặt câu hỏi.

Ông ĐẶNG VĂN MINH (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi):

Phía công ty Nhật Bản chỉ mới đặt vấn đề khảo sát địa điểm. Ngoài Lý Sơn, Quảng Ngãi cũng muốn hai công ty này khảo sát ở vùng ven biển của địa phương.

Cho phép khảo sát không có nghĩa là cho phép đầu tư ở Lý Sơn. Tỉnh tạo điều kiện cho doanh nghiệp khảo sát, rồi cùng bàn thảo để thống nhất cho phép đầu tư trồng tỏi voi ở đâu.

Ông Nguyễn Viết Vy, bí thư Huyện uỷ Lý Sơn, cho rằng cần thận trọng và cân nhắc khi cho phép hai doanh nghiệp này đưa một giống tỏi rất lạ vào trồng ở đảo Lý Sơn.

“Với giá 180.000 đồng/kg tại Nhật Bản cũng không cao hơn giá bán tỏi Lý Sơn, chưa kể vào thị trường Nhật cũng không hề dễ dàng. Chúng tôi hoan nghênh doanh nghiệp Nhật đầu tư phát triển giống tỏi Lý Sơn hiện hữu bằng phương thức canh tác hữu cơ. Không nên đưa thêm bất kỳ loại tỏi nào vào Lý Sơn”, ông Vy nói.

Chuyên gia nông học Nguyễn Văn Kết, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Đà Lạt, cho rằng nếu Nhật Bản vào giúp đỡ để phát triển thương hiệu tỏi Lý Sơn sẽ rất có lợi cho người dân. 

Tuy nhiên, khi đưa tỏi voi Nhật vào trồng ở Lý Sơn, liệu có gây sự nhầm lẫn giữa thương hiệu tỏi Lý Sơn và tỏi voi Nhật trồng ở Lý Sơn hay không? 

Khi truy xuất nguồn gốc tỏi, hai công ty Nhật có bảo đảm rằng thương hiệu tỏi Lý Sơn và tỏi voi là khác nhau hay cùng nguồn gốc xuất xứ?

“Nếu Lý Sơn đủ năng lực để phát triển tỏi bản địa thì không cần phải hợp tác để phát triển một giống tỏi ngoại lai. Dứt khoát là không cho trồng ở Lý Sơn để đảm bảo tính cốt lõi của sản phẩm là thương hiệu. Chào đón quy trình sản xuất của Nhật, nhưng phải thận trọng khi đưa vào sản xuất”, ông Kết nói.

TRẦN MAI