11/01/2025

Học sinh VN thiếu tranh luận là do yếu tố văn hoá?

Theo một số người nước ngoài sống và làm việc tại VN, học sinh VN ngại tranh luận xuất phát từ yếu tố văn hoá. Có thật vậy không?

 

Học sinh VN thiếu tranh luận là do yếu tố văn hóa?

Theo một số người nước ngoài sống và làm việc tại VN, học sinh VN ngại tranh luận xuất phát từ yếu tố văn hoá. Có thật vậy không?

 

 

Học sinh VN thiếu tranh luận là do yếu tố văn hóa? - Ảnh 1.

Học sinh học nhóm để cùng nhau thảo luận nội dung bài học. Trong ảnh: một tiết học nhóm môn giáo dục công dân của học sinh Trường THPT Trần Quang Khải, Q.11 (TP.HCM) – Ảnh: NHƯ HÙNG

Câu chuyện một nam sinh ở TP.HCM đưa tranh biện vào lớp học – một sáng kiến áp dụng hình thức debate (tranh biện) quốc tế – đã gợi cảm hứng cho các giáo viên nước ngoài đang dạy học ở Việt Nam nói về vấn đề tranh luận mà học sinh, sinh viên cần được trang bị.

Dưới đây là một số ý kiến, Tuổi Trẻ xin giới thiệu.

Cô LELANÉ SCHOEMAN (người Nam Phi):

Thiếu phản biện do văn hoá tôn trọng người lớn

Tôi đã dạy tiếng Anh ở Việt Nam được hơn một năm, học sinh của tôi có cả tiểu học lẫn trung học. Dựa vào kinh nghiệm mình có, tôi thấy hầu hết học sinh của tôi rất thiếu tư duy phản biện, hầu hết đều đợi giáo viên chỉ rõ mọi chi tiết trước của môn học. 

 

Ban đầu tôi thấy lạ, nhưng sau đó tôi dần hiểu khi nhận ra hệ thống giáo dục ở Việt Nam nhấn mạnh việc nâng cao kiến thức về các môn học cho học sinh hơn là cho các em hiểu bản thân mình.

Nếu thật sự người Việt Nam ngại tranh luận thì tôi nghĩ nguyên nhân là do văn hóa. Tôi thấy văn hoá Việt Nam rất đề cao chuyện tôn trọng cấp trên và người lớn tuổi. 

Do vậy tôi đoán đó là nguyên nhân khiến nhiều người trẻ Việt Nam lớn lên với tâm thế đã quen với việc tránh bất đồng với người lớn.

Học sinh VN thiếu tranh luận là do yếu tố văn hóa? - Ảnh 2.

Cô Lelané Schoeman – Ảnh: QUỐC SỬ

Ở Nam Phi cũng giống như tại hầu hết các nước phương Tây, văn hóa chúng tôi rất khuyến khích chủ nghĩa cá nhân, bao gồm việc suy nghĩ cho bản thân và đấu tranh vì niềm tin của mình. Do đó, từ nhỏ trẻ em đã bị ảnh hưởng bởi một môi trường luôn thúc đẩy các em đặt câu hỏi về mọi thứ và tự tìm câu trả lời cho mình.

Để tranh luận có hiệu quả và tránh xích mích, tôi nghĩ nên xác định rõ ranh giới giữa “tranh luận” và “tranh cãi”. Tranh cãi thường được đi kèm cảm xúc, là tức giận từ việc bất đồng quan điểm. 

Trong khi đó, tranh luận là thảo luận những quan điểm trái ngược nhau để thuyết phục người có quan điểm khác mình thay đổi suy nghĩ của họ về vấn đề nào đó. Nếu người ta thật sự tranh luận một cách văn minh thay vì cãi nhau gay gắt về một vấn đề nào đó, tôi nghĩ sẽ chẳng ai bị tổn thương hay tức giận cả.

Tranh luận là một điều tốt vì có thể giúp mở rộng kiến thức, thậm chí mở rộng tư tưởng của một người vì người có quan điểm khác bạn rõ ràng có thể cho bạn thấy một quan điểm mới mẻ.

Ông RAY KUSCHERT (người Úc):

Nhiều người thường giữ ý kiến trong lòng

Tôi tham gia dạy tiếng Anh ở Việt Nam đã được hơn bốn năm. Hình thức giáo dục có hiệu quả nhất trong việc học ngôn ngữ là khuyến khích người học tranh luận về chủ đề họ quan tâm. Trong khi đó, nhiều học viên không muốn tương tác với giáo viên và bạn bè trong lớp để ứng dụng những điều mình học.

Học sinh VN thiếu tranh luận là do yếu tố văn hóa? - Ảnh 3.

Ông Ray Kuschert – Ảnh: VNCC

Từ thực tế nói trên, cách dạy của tôi có chủ đích làm mọi người phải nêu lập luận của mình. Ví dụ, chương trình học IELTS có các bài nói về môi trường. 

Thay vì chỉ cho học viên học 20 từ mới và hiểu nghĩa của bài viết rồi sau đó cất sách đi, tôi bắt học viên phải nói cho tôi nghe về những gì họ nghĩ là sẽ tốt hơn cho tương lai của thế giới. 

Khi đó, tôi chỉ cho từng người một thấy cái sai chỗ nào và cung cấp cho họ dữ liệu thực tế. Tôi cũng yêu cầu học viên chứng minh cho tôi thấy ý tưởng của họ quả thật là tốt cho môi trường. Tôi yêu cầu họ nêu lập luận của mình. 

Điều này giúp nâng cao cảm xúc và tư duy phản biện của học viên trong lớp, bởi họ vốn không quen bị người khác nói rằng suy nghĩ của mình là sai.

Trong môi trường làm việc ở Việt Nam, tôi nhận thấy không có nhiều cuộc tranh luận, mọi người có xu hướng giữ trong lòng ý kiến của mình hơn. Tôi cũng thấy nhiều người trẻ thường không có kiến thức về những chuyện thời sự ở đất nước mình, dường như họ không hứng thú với những chuyện đó.

Ngược lại ở Úc, chúng tôi thường xuyên tranh luận với nhau, chuyện tranh luận tại nơi làm việc hầu như ngày nào cũng có. Bất kể là chuyện công việc hay chuyện xã hội, mọi người đều có quan điểm của mình. 

Ở các nước phương Tây, người ta tranh luận hằng ngày trên radio, tivi, báo chí, Internet… Điều này đã dẫn đến phản ứng của mọi người và đi vào trong công sở và cộng đồng.

Tuy nhiên, dù chúng ta ủng hộ việc giao tiếp tích cực nhưng cũng cần tôn trọng văn hóa của Việt Nam. Văn hóa Việt Nam không xem tranh luận là bình thường như các nước phương Tây. 

Đối với tôi, đây là điều khá nhẹ nhàng, bởi ở nước tôi nhiều người đã dành quá nhiều năng lượng để tranh luận những chuyện vô bổ và chả có ích lợi gì.

ông stephen isaacs banh trai - nvcc 2(read-only)

 

Ông STEPHEN ISAACS (người Anh):

Ít ra cũng phải biết đặt câu hỏi

Với bảy năm dạy học ở Việt Nam, theo tôi, tranh luận, xét về khía cạnh học thuật là thuyết phục hoặc tranh cãi nghiêm túc và bài bản về một chủ đề. Đó là điều rất quan trọng đối với học sinh, sinh viên vì khuyến khích và gợi lên trí tò mò cho các em.

Tư duy phản biện trong giáo dục không phải là điều gì mới mẻ. Tuy nhiên, hiện nay khái niệm này đang phổ biến hơn vì sự phức tạp của thế giới xung quanh đòi hỏi mức độ hiểu biết cao hơn nên phải phản biện để hiểu sâu vấn đề.

Nếu không hiểu, ít nhất cũng phải có khả năng đặt câu hỏi về những điều chúng ta thấy để xây dựng quan điểm riêng cho mình từ nhiều nguồn.

Quả thật rất khó để nói rằng phải tách biệt cảm xúc khi tranh luận. Tuy nhiên, trong cuộc tranh luận nghiêm túc, việc sử dụng những từ ngữ mang tính cảm xúc hay biểu lộ sự tức giận sẽ làm giảm tính thuyết phục cho lập luận của bạn.

 

“Ở Anh, học sinh thường học theo kiểu tìm hiểu chủ đề hơn là chỉ vào lớp nghe giáo viên giảng rồi cắm cúi chép. Giáo viên sẽ là người đặt câu hỏi, và nếu cần thiết hướng dẫn học sinh đi đến kết luận của riêng các em.”

Ông STEPHEN ISAACS

 

NGỌC ĐÔNG thực hiện