11/01/2025

Đừng rải đinh, doanh nghiệp sẽ không hối lộ

Doanh nghiệp làm ăn đều tính toán từng đồng, chẳng bao giờ muốn đi hối lộ. Nhưng bị gây khó dễ, đẩy vào đường cùng, muốn được việc họ buộc phải chung chi.

 

Đừng rải đinh, doanh nghiệp sẽ không hối lộ

 

 Doanh nghiệp làm ăn đều tính toán từng đồng, chẳng bao giờ muốn đi hối lộ. Nhưng bị gây khó dễ, đẩy vào đường cùng, muốn được việc họ buộc phải chung chi.

 

Đừng rải đinh, doanh nghiệp sẽ không hối lộ - Ảnh 1.

Cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp làm ăn đóng góp cho ngân sách nhà nước – Ảnh: T.V.N.


Hoan nghênh Thủ tướng kêu gọi doanh nghiệp (DN) đừng hối lộ chính quyền khi trả lời chất vấn nhưng doanh nhân, chuyên gia cho rằng phải làm nhiều việc để hiện thực hóa lời kêu gọi. 

Trước tiên là hạn chế “trên rải thảm, dưới rải đinh”, chống việc “cài cắm” quy định khiến không hối lộ khó được việc.

Ông Nguyễn Quang Đồng (chuyên gia phân tích chính sách):

Đẩy mạnh giao dịch điện tử

Có thực tế “trên thảm dưới đinh”, tức ở cấp cao kêu gọi nhưng phía dưới rải đầy “đinh” buộc doanh nghiệp đi qua. Mà muốn tránh “đinh” phải hối lộ.

Điều đáng nói, Thủ tướng đang kêu gọi doanh nghiệp không hối lộ chính quyền, nhưng nếu các bộ, ngành cài cắm bằng những quy định khắt khe, doanh nghiệp phải nghĩ đến hối lộ. 

Do vậy, muốn làm theo lời kêu gọi của Thủ tướng, phải rà soát lại pháp luật, đặc biệt là quy định dưới luật.

Hiện doanh nghiệp sợ thông tư hơn sợ luật bởi những quy định phía trên càng cởi mở, phía dưới càng đóng lại. 

Trước mắt, để hạn chế hối lộ, cần đẩy mạnh giao dịch điện tử. Càng giảm cơ hội tiếp xúc giữa người dân với cán bộ càng đỡ nhũng nhiễu, vòi vĩnh.

Ông Huỳnh Phú Hải (doanh nhân, giảng viên quản trị doanh nghiệp):

Loại bỏ quy định “hiểu sao cũng được”

Hệ quả của “chi phí không chính thức” là rất lớn. doanh nghiệp Việt Nam không muốn “lớn” bởi cứ làm lớn là bị chú ý và “chi phí chìm” lại tăng mạnh.

Điều này làm giảm đam mê, ý chí muốn làm doanh nghiệp phát triển, tăng việc làm và thu nhập cho người lao động. Nhiều doanh nhân, người quen của tôi đã chán nản bán doanh nghiệp. Điều này làm cho doanh nghiệp Việt đã ít nay càng teo tóp.

Các quy định của Việt Nam nhiều khi không rõ ràng, đánh đố nên cơ quan chức năng muốn phạt là phạt. Thưa kiện mất thời gian, lại có thể bị thanh tra nhiều hơn, xin giấy phép khó hơn…

Chi phí chìm đã tồn tại cả chục năm nay. Họ không dám lên tiếng vì nhiều lý do, trong đó lý do chính là: lo lên tiếng sẽ thiệt, không có cơ quan nào bảo vệ quyền lợi cho họ một cách đầy đủ.

Tiến sĩ Lê Hồng Sơn (nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp):

Cần động thái cụ thể

Chính quyền có đủ thứ quyền cho và không cho, chấp thuận và không chấp thuận… Do vậy, không thể kêu gọi doanh nghiệp đừng hối lộ mà phải có thay đổi từ chính quyền.

Còn tồn tại những quy định không rõ ràng, rất khó kêu gọi một phía doanh nghiệp không hối lộ. Muốn doanh nghiệp đừng hối lộ, cần tránh “cái bẫy” buộc doanh nghiệp phải hối lộ. 

Còn hiện nay, doanh nghiệp phải “tính” nếu không muốn gặp đủ khó khăn, thậm chí có nguy cơ bị đẩy đến phá sản. Không ít chính quyền xem doanh nghiệp là nơi để kiếm tiền, đó là tệ nạn giống như căn bệnh ung thư di căn.

Thể chế, quản lý tài sản để quan chức không dám tham nhũng còn nhiều kẽ hở. Còn không gian mênh mông để người ta nhận hối lộ mà không bị phát hiện. 

Chỉ khi hoàn chỉnh thể chế, siết chặt kỷ cương mới mong doanh nghiệp không phải hối lộ. 

Muốn như vậy phải chống tham nhũng quyết liệt. Bất kể cán bộ nào gây khó cho doanh nghiệp phải xử lý nghiêm, cách chức, đuổi việc. Không thể chỉ kiểm điểm, thuyên chuyển công tác, sẽ dẫn đến “nhờn thuốc”.

Ông Nguyễn Văn Bé (Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khu công nghiệp, khu chế xuất TP.HCM):

Không doanh nghiệp nào muốn đi hối lộ

030f39ef

Ảnh: TỰ TRUNG

Doanh nghiệp khi làm ăn đều tính toán từng đồng, nên họ chẳng bao giờ muốn đi hối lộ. Nhưng không ít cán bộ công chức dùng luật pháp để gây khó dễ. Bị đẩy vào đường cùng, doanh nghiệp muốn được việc buộc phải chi.

Vì vậy, bên cạnh kêu gọi doanh nghiệp đừng hối lộ chính quyền, chúng ta cần nghĩ đến quy định trách nhiệm công chức, nâng cao đời sống để họ yên tâm, từ đó giảm nhũng nhiễu.

 

Đâu đó vẫn có những bộ phận công quyền làm tốt vai trò của mình, cần đảm bảo thu nhập của họ bằng tinh giản biên chế.

Không doanh nghiệp nào vui vẻ đi “cửa sau”, nhưng khi làm ăn hiệu quả, họ sẵn sàng đóng góp công khai cho xã hội.

NHƯ BÌNH – TIẾN LONG