Cùng với việc thay đổi hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu, nhiều ý kiến cho rằng cần quản lý người dân thực chất hơn theo đúng nơi họ sinh sống thực tế để đảm bảo quyền lợi và công bằng trong học tập của trẻ em.
Tuyển sinh không nên căn cứ vào sổ hộ khẩu.
Cùng với việc thay đổi hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu, nhiều ý kiến cho rằng cần quản lý người dân thực chất hơn theo đúng nơi họ sinh sống thực tế để đảm bảo quyền lợi và công bằng trong học tập của trẻ em.
Việc tuyển sinh đầu cấp lâu nay được quy định theo tuyến tuyển sinh, nhưng hoàn toàn phụ thuộc vào việc hộ khẩu thường trú của học sinh (HS) chứ không phải nơi ở thực tế.
Cách đây mấy năm, dư luận xôn xao khi một HS lớp 11 của Trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội phải viết thư gửi Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn được giúp đỡ để có thể tiếp tục học tại trường vì HS này bị nhà trường đình chỉ học, do gia đình chưa chuyển hộ khẩu về Hà Nội. Trong khi nếu chuyển trường ngoài công lập thì gia đình không có điều kiện kinh tế để đóng học phí. Khi Sở GD-ĐT Hà Nội vào cuộc thì kết luận cuối cùng vẫn là nhà trường đã giải quyết theo đúng quy định, chỉ HS có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội mới được tuyển vào các trường THPT công lập. Vì thế HS này vẫn phải chọn một trường THPT ngoài công lập với mức học phí thấp mà gia đình có thể chi trả để tiếp tục học và được thi tốt nghiệp THPT.
Nhiều học sinh lớp 9 tại TP.HCM có tâm trạng lo lắng khi xem đề thi minh hoạ môn toán lớp 10 vừa được Sở GD-ĐT TP.HCM công bố.
Từ sau trường hợp này, mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp và trong hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm, Sở GD-ĐT Hà Nội đều nhấn mạnh việc đảm bảo có sổ hộ khẩu trong hồ sơ nhập học của HS, không cho HS “nợ” sổ hộ khẩu như Trường THPT Trần Hưng Đạo nữa.
Học sinh ở độ tuổi phổ cập bắt buộc vào những trường công lập ở gần nơi cư trú của học sinh và gia đình là một thông lệ bắt buộc
GS Đào Trọng Thi
Với cấp học mầm non, tiểu học và THCS, việc tuyển sinh căn cứ vào sổ hộ khẩu cũng dẫn đến tình trạng “chạy” hộ khẩu để có suất vào học trường điểm, tái diễn trong nhiều năm nay. Báo Thanh Niên từng phản ánh về tình trạng “chạy” hộ khẩu ở một số TP lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM…
Có chuyện một căn hộ chỉ vỏn vẹn vài chục mét vuông ở P.Thành Công, Q.Ba Đình (Hà Nội) nhưng có rất nhiều nhân khẩu trong sổ hộ khẩu. Tình trạng này dẫn tới việc quá tải nghiêm trọng ở những trường mầm non, tiểu học trong khu vực. Có thời kỳ Trường tiểu học Nam Thành Công, Q.Đống Đa (Hà Nội) phải đưa ra quy định riêng, đó là chỉ tiếp nhận HS có hộ khẩu thường trú tại địa bàn từ 2 năm trở lên nhằm “chặn” việc chạy hộ khẩu để học trái tuyến.
Thực tế, nhiều gia đình trước ở các quận nội thành, đặc biệt là nơi có những trường “danh tiếng”, dù đã chuyển đi sinh sống ở địa bàn khác trong TP nhưng vẫn giữ hộ khẩu ở chỗ cũ để có một “suất” học cho con. Trong khi đó, những người dân dù cư trú thực tế ở đó, nhưng chưa đủ điều kiện để nhập khẩu thì phải chấp nhận cho con học trường ngoài công lập hoặc về đúng nơi có hộ khẩu thường trú để học. Thực tế này khiến quy định mang tính nhân văn về việc HS được quyền học tập ở trường học gần nhà, trong nhiều trường hợp đã không được thực thi.
Bậc học phổ cập phải được học gần nhà
Trao đổi với PV Thanh Niên, GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh niên – Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng vấn đề không nằm ở cuốn sổ hộ khẩu mà việc quản lý và sử dụng như thế nào liên quan đến nơi cư trú và nơi thường trú, liên quan tới chính sách cụ thể với từng việc cụ thể.
Ông Thi nói: “Quan điểm của tôi, hộ khẩu hay không hộ khẩu thì việc phân bổ chỗ học, đảm bảo chỗ học cho HS, đặc biệt là HS ở độ tuổi phổ cập bắt buộc vào những trường công lập ở gần nơi cư trú của HS và gia đình là một thông lệ bắt buộc”.
‘Một việc làm phản giáo dục, đừng vì hư danh mà để lại hậu quả lớn’ là ý kiến của những người đang làm trong ngành giáo dục và phụ huynh học sinh trước việc một trường học ở Hà Nội ‘gợi ý’ học sinh yếu kém chuyển trường.
Ông Thi cho rằng ở các nước cũng như vậy, hầu như HS học ở trường gần nơi cư trú. Chỉ có VN mới có tình trạng “chạy” từ quận nọ sang quận kia, tỉnh nọ sang tỉnh kia học, ngoại thành vào trung tâm… theo tiêu chí “trường điểm”, trường danh tiếng. Theo ông Thi, cần giữ nguyên tắc có lợi nhất cho người dân, đó là HS ở lứa tuổi nhỏ được học gần nhà.
Chị Tố Chinh, một người VN hiện sinh sống ở TP.Dresden, bang Sachsen, Đức, cho biết mỗi gia đình ở Đức không có sổ hộ khẩu như ở VN nhưng vẫn phải có bản khai bằng giấy đăng ký, khai báo mỗi khi có sự thay đổi về chỗ ở. Đến tuổi trẻ em bắt buộc đi học chính thức (thường là từ 3 tuổi) thì học theo đúng khu vực sinh sống mà không cần phải chứng minh bằng hộ khẩu; chuyện “chạy chọt” để học ở trường này trường kia là không có. Nhưng cũng có những trường yêu cầu con mới sinh ra phải đặt chỗ học để trường giữ chỗ, còn không sẽ học một trường khác trên cùng khu vực. Lên cấp THCS thì có những nơi có trường chuyên nên sẽ căn cứ vào lực học để lựa chọn trường…
Sở GD-ĐT TP.HCM bỏ quy định hộ khẩu trong tuyển dụng
Ngày 15.11, Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức tổng kết công tác tổ chức cán bộ và triển khai nhiệm vụ năm học 2017 – 2018. Dịp này Sở thông báo đến các trường học về việc bãi bỏ một số quy định của TP trong quá trình tuyển dụng giáo viên, áp dụng từ tháng 11. Cụ thể, TP.HCM bãi bỏ quy định ứng viên dự tuyển phải có hộ khẩu thường trú tại TP và bãi bỏ thành phần hồ sơ bản sao giấy khai sinh và hộ khẩu khi đăng ký tuyển dụng. Đồng thời TP cũng bãi bỏ quy định “Trường hợp thí sinh đăng ký dự tuyển công chức vào các lĩnh vực khoa học và công nghệ, nếu không có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn: Tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ ĐH trong nước, tốt nghiệp ĐH, sau ĐH loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, có bằng tiến sĩ, tuổi đời dưới 35 tuổi…” được ban hành từ tháng 5.2016.