12/01/2025

Hệ thống tín hiệu ngàn tỉ phụ thuộc nhà thầu nước ngoài

Hàng ngàn tỉ đồng đã bỏ ra đầu tư hiện đại hoá hệ thống tín hiệu đường sắt. Nhưng cho tới nay các dự án vẫn chưa phát huy hết năng lực khai thác, phát sinh những bất cập gây mất an toàn chạy tàu.

 

Hệ thống tín hiệu ngàn tỉ phụ thuộc nhà thầu nước ngoài.

 

 

Hàng ngàn tỉ đồng đã bỏ ra đầu tư hiện đại hoá hệ thống tín hiệu đường sắt. Nhưng cho tới nay các dự án vẫn chưa phát huy hết năng lực khai thác, phát sinh những bất cập gây mất an toàn chạy tàu.

 

Hệ thống tín hiệu ngàn tỉ phụ thuộc nhà thầu nước ngoài - Ảnh 1.

Hệ thống tín hiệu đường sắt đoạn Vinh – Sài Gòn (tuyến đường sắt Thống Nhất giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư 2.423 tỉ đồng. Trong ảnh: tàu lửa ra vào ga Vinh (Nghệ An) chiều 14-11 – Ảnh: DOÃN HÒA

Tuy vậy, quá trình khắc phục những tồn tại, bất cập của hệ thống tín hiệu này lại chưa thực hiện được do quá phụ thuộc vào nhà thầu.

Kéo dài ga…cũng không ăn thua

Song song với dự án “Hiện đại hóa hệ thống tín hiệu đường sắt đoạn Vinh – Sài Gòn, tuyến đường sắt Thống Nhất giai đoạn 1” với tổng mức đầu tư 2.423 tỉ đồng (sử dụng thiết bị tín hiệu 6502 của nhà thầu Trung Quốc, Tuổi Trẻ ngày 15-11 đã đề cập), từ năm 2014 Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cũng phê duyệt cải tạo hàng loạt các ga nhằm nâng cao hiệu quả chạy tàu.

Cụ thể, chi 397 tỉ đồng để cải tạo 10 ga nằm tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Đồng Nai. Hình thức cải tạo chủ yếu lắp đặt, kéo dài thêm đường tránh, bến bãi…

 

 

Tuy nhiên, do thiếu tiền nên trong năm 2015 ngành này chỉ nâng cấp, kéo dài đường tránh của 2 trong 10 ga gồm ga Cà Ná và Sông Mao (Bình Thuận)… Năm 2016, tiếp tục cho thêm 2 ga là Hố Nai, Trảng Bom (Đồng Nai) được cải tạo, nâng cấp.

Tuy nhiên, việc cải tạo này gần như không kết nối đồng bộ được với hệ thống tín hiệu sử dụng thiết bị 6502 của Trung Quốc. 

Bởi việc tàu tránh nhau tại các ga phụ thuộc vào bộ phận cảm biến đếm trục, nhưng bộ phận này lại khống chế số lượng toa tàu. 

Đơn cử, đoạn đường ray số 3 trong ga Sông Mao đã được ngành đường sắt kéo dài lên tới 375m. 

Trong khi đó, thiết bị đếm trục mà nhà thầu lắp đặt lại khống chế chiều dài không quá 250m. Do các đoàn tàu dài hơn 250m nên hệ thống 6502 không thể điều khiển tự động buộc nhân viên phải gọi điện báo để quay thiết bị chuyển hướng bằng tay.

Hệ thống tín hiệu ngàn tỉ phụ thuộc nhà thầu nước ngoài - Ảnh 2.

Phải tốn thêm tiền

Trước những bất cập có nguy cơ đe dọa an toàn chạy tàu, trong các đợt kiểm tra an toàn giao thông đường sắt vào tháng 8-2017, Cục Đường sắt Việt Nam (thuộc Bộ GTVT) đã nhiều lần có văn bản nhắc nhở. 

Theo Cục Đường sắt, các ga như Hố Nai, Trảng Bom, Sông Mao, Cà Ná dù đã được nâng cấp, kéo dài đường ga nhưng vẫn chưa đồng bộ với thiết bị tín hiệu đã đầu tư, do vậy vẫn phải sử dụng cả hai hình thức đón, lập tàu bằng tự động và thủ công. Điều này gây khó khăn, không phát huy hết năng lực khai thác của ga.

Theo các chuyên gia ngành đường sắt: muốn xử lý vấn đề này phải di dời, cài đặt lại thông số trong phần mềm. 

Tuy nhiên, hiện các thiết bị tín hiệu 6502 của nhà thầu đã hết hạn bảo hành. Vì vậy, không còn cách nào khác, ngành đường sắt phải bỏ tiền ra mời nhà thầu Trung Quốc qua điều chỉnh các thiết bị đã lắp đặt.

Không chỉ thiết bị 6502 của nhà thầu Trung Quốc, mà hệ thống tín hiệu sử dụng thiết bị SSI của nhà thầu Pháp cũng có nhiều bất cập mà ngành đường sắt đang loay hoay tìm giải pháp. 

Mới đây, sau một số sự cố xảy ra, trong văn bản gửi các đơn vị trực thuộc, ngành đường sắt đề nghị rà soát tìm nguyên nhân sự cố, nhất là sự cố trật bánh.

Hệ thống tín hiệu ngàn tỉ phụ thuộc nhà thầu nước ngoài - Ảnh 3.

ĐỨC PHÚ – QUANG KHẢI