Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì về TPP mới?
Trước mắt lợi ích của TPP-11 sẽ giảm so với TPP-12 nhưng về lâu dài thì Việt Nam hưởng lợi khá lớn. Tuy nhiên, thời điểm ký kết hiệp định này vẫn chưa rõ.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói gì về TPP mới?
Trước mắt lợi ích của TPP-11 sẽ giảm so với TPP-12 nhưng về lâu dài thì Việt Nam hưởng lợi khá lớn. Tuy nhiên, thời điểm ký kết hiệp định này vẫn chưa rõ.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định như trên trong trao đổi với Tuổi Trẻ. Ông giải thích những nội dung dư luận còn băn khoăn và cung cấp thêm thông tin ít được biết đến về những điều Việt Nam đạt được:
Chưa rõ thời điểm ký kết
Dù đã thống nhất tuyên bố chung nhưng theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đến nay chưa thể nói được thời điểm ký kết CPTPP do còn phụ thuộc vào quá trình tham vấn và phối hợp giữa các quốc gia thành viên, nhưng ông cho rằng sẽ trong tương lai không xa.
Từ các nội dung đã được thảo luận, sẽ giao trách nhiệm cho cấp trưởng đoàn đàm phán của các nước thành viên để hiệu chỉnh các văn kiện và tài liệu liên quan, sau đó đệ trình lên hội nghị lãnh đạo của các nước TPP.
– Các phiên họp đàm phán TPP tại Đà Nẵng diễn ra trong ba ngày 8, 9 và 10-11 với một kịch bản hoàn toàn khác so với ban đầu, là chỉ có một cuộc họp duy nhất của các bộ trưởng TPP để ra tuyên bố chung.
Tạm hoãn cho Việt Nam…
* Có 20 nội dung được tạm hoãn và 4 nội dung sẽ đàm phán tiếp, trong đó có một vấn đề liên quan đến Việt Nam. Cụ thể đó là gì, thưa ông?
– Đối với bốn vấn đề tồn đọng, các nước thống nhất sẽ cần phải tiếp tục thảo luận để đảm bảo tính khả thi cao trước khi ký kết.
Một trong số đó liên quan đến Việt Nam là điều khoản về tạm hoãn trừng phạt thương mại đối với những tranh chấp liên quan đến các quy định về lao động và công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Điều khác biệt là trước kia các nước chưa đồng ý cho Việt Nam về việc tạm hoãn trừng phạt thương mại, nay các quốc gia trong TPP-11 (trừ Mỹ do đã rút) đã đồng ý về cơ chế này nếu như có những kiện cáo, tranh chấp liên quan đến lao động.
Chỉ còn vấn đề là thời gian tạm hoãn bao lâu. Do có những đặc thù riêng và thời gian lại quá gấp nên Việt Nam và các quốc gia có liên quan chưa thống nhất được về nội dung này. Cấp trưởng đoàn đàm phán sẽ tiếp tục hoàn thành trong thời gian tới.
* Đạt tới thống nhất việc tạm hoãn là không hề dễ dàng?
– Những nội dung tạm hoãn chỉ có tính chất trong từng giai đoạn chứ không phải hủy bỏ, có thể sẽ được khôi phục ở thời điểm phù hợp. Chất lượng TPP-11 không thua kém gì, thậm chí là hiệp định mở để tạo điều kiện cho Mỹ có thể quay lại. Do đó, một cái tên mới cũng được đưa ra nhằm hướng tới sự phát triển tích cực, tiến bộ.
Một trong những điểm nhấn của CPTPP đó là việc tạo ra sự cân bằng mới cho các quốc gia thành viên, điều này đúng là không dễ dàng.
Lý do là khi Mỹ, một nền kinh tế lớn, rút khỏi hiệp định sẽ tác động rất mạnh. Tuy nhiên, các quốc gia trong TPP-11 đã quyết tâm đẩy nhanh đàm phán, đảm bảo hiệp định có chất lượng và cân bằng lợi ích các bên.
Kịch bản hoàn toàn khác
* Các phiên họp TPP vừa qua tại Đà Nẵng có lúc gay cấn, thậm chí có nước tính rút. Cụ thể thế nào, thưa ông?
– Đã có sự cố xảy ra, do một trong số các quốc gia của TPP-11 có những vấn đề chưa thoả mãn trong biên bản nội dung dẫn tới chưa có sự thống nhất hoàn toàn về dự thảo tuyên bố của các bộ trưởng, văn kiện đệ trình lên lãnh đạo cấp cao, có nguy cơ đe doạ tương lai của TPP.
Lúc đó, hai bộ trưởng đồng chủ trì (của hai nước Việt Nam và Nhật Bản) đã phải liên tục hội ý thống nhất, trao đổi để tiếp tục triệu tập các hội nghị tiếp theo. Đây cũng là cuộc đàm phán kỷ lục về mặt thời gian khi có những cuộc họp diễn ra đến gần nửa đêm.
Tuy nhiên, quá trình đàm phán ở những phút cuối rất thuận lợi, các bộ trưởng 11 nước đã thống nhất về tuyên bố chung, đồng thuận về các nhân tố chủ chốt…
Dù có nhiều bất ngờ, sự cố và không diễn ra như dự kiến nhưng tiến trình đàm phán TPP vẫn được gìn giữ và đi đúng hướng. Đây vẫn là hiệp định có chất lượng cao, không chỉ hàm chứa cam kết mở cửa thị trường…
TPP mới có ý nghĩa với Việt Nam
* Một nghiên cứu chỉ ra rằng so với TPP, lợi ích về kinh tế mà CPTPP mang lại sẽ giảm đi. Ông có xác nhận điều này?
– TPP có Mỹ, những lợi ích rất lớn về thương mại, kinh tế, đầu tư, dịch vụ… đều có thể đong đếm được. Nhưng không có nghĩa khi không có Mỹ, CPTPP không còn ý nghĩa với Việt Nam vì vẫn còn các thị trường các quốc gia thành viên khác.
Mặc dù mức độ và quy mô khác nhau nhưng Việt Nam có lợi ích cụ thể trong tạo thuận lợi thương mại, để các sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của ta tiếp cận các thị trường lớn như Canada, Mexico, Úc, New Zealand…
Đặc biệt, với hiệp định đặt ra yêu cầu rất cao như CPTPP, những lợi ích về dài hạn có ý nghĩa lớn. Các quốc gia thành viên phải đứng trước sức ép lớn cải cách về thể chế, đáp ứng tiêu chuẩn cao về doanh nghiệp nhà nước, về bảo hộ quyền tác giả, mua sắm công, chống buôn lậu và cải cách thể chế…
* Vậy còn những thách thức và nhiệm vụ gì đặt ra từ CPTPP, khi trình độ phát triển của Việt Nam thuộc diện thấp, thưa ông?
– Khi gia nhập WTO, ta cũng lo ngại và bàng hoàng khi khối lượng công việc quá lớn, yêu cầu đặt ra quá cao. Nhưng nếu không có hội nhập, có những yêu cầu bắt buộc cải cách thì ta không thể có nền kinh tế với độ mở lớn như hiện nay. Việt Nam cũng không có được kim ngạch xuất nhập khẩu lớn khi lần đầu tiên dự kiến lên đến 210 tỉ USD vào năm 2017.
Nhiệm vụ đầu tiên là cần nghiêm túc tính toán thực thi cam kết, hoàn thiện bộ máy, thể chế… để đáp ứng yêu cầu mới. Những vấn đề vừa qua Việt Nam thực hiện nay phải nâng tầm cao và bước tiến mới.
Sẽ có nhiều khó khăn, sẽ phải đụng chạm hoặc thậm chí tác động vào những lợi ích trước mắt của người dân… Một lần nữa sẽ đặt ra những bài toán vô cùng quan trọng và thiết yếu là làm sao đảm bảo không để một bộ phận nhân dân bị đặt lại sau trong tiến trình hội nhập…