12/01/2025

Binh biến tại Zimbabwe

Quân đội Zimbabwe ngày 15.11 phong toả nhiều khu vực ở thủ đô Harare và chiếm một đài phát thanh truyền hình nhà nước, nhưng phủ nhận đây là cuộc đảo chính.

 

Binh biến tại Zimbabwe.

Quân đội Zimbabwe ngày 15.11 phong toả nhiều khu vực ở thủ đô Harare và chiếm một đài phát thanh truyền hình nhà nước, nhưng phủ nhận đây là cuộc đảo chính.


 

 

Xe thiết giáp trên đường phố thủ đô Harare ngày 15.11	 /// Ảnh: AFP

Xe thiết giáp trên đường phố thủ đô Harare ngày 15.11ẢNH: AFP.

Từ sáng sớm, nhiều xe thiết giáp cùng binh sĩ với vũ khí hạng nặng phong toả các tuyến đường dẫn đến quốc hội, toà nhà chính phủ cũng như văn phòng đảng cầm quyền Zanu-PF ở thủ đô Harare. Cùng ngày, quân đội chiếm Đài phát thanh truyền hình nhà nước ZBC và trục xuất nhân viên. Ngay sau đó, nhiều tiếng nổ lớn vang lên tại Harare và tiếng súng cũng được nghe thấy gần nhà riêng của Tổng thống Robert Mugabe tại khu vực Borrowdale, ngoại ô thủ đô, theo AFP.
Trong bài phát biểu trực tiếp trên truyền hình, người phát ngôn quân đội Sibusiso Moyo tuyên bố tình hình tại Zimbabwe đã bước sang một “mức độ mới”. Theo ông, quân đội “không tiếm quyền” mà chỉ hành động nhằm “dẹp yên tình hình suy thoái về chính trị, kinh tế và xã hội, có thể dẫn đến xung đột bạo lực”. Ông Moyo còn tuyên bố quân đội chỉ nhắm đến “những kẻ phạm tội” bên cạnh tổng thống và tình hình sẽ trở lại bình thường sau khi “nhiệm vụ hoàn thành”. Đến tối qua, vẫn chưa có phát ngôn nào từ Tổng thống Mugabe. Quân đội cho biết nhà lãnh đạo và gia đình “vẫn khoẻ mạnh và được bảo đảm an ninh”. Trong khi đó, Reuters dẫn lời Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma cho biết đã nói chuyện điện thoại với ông Mugabe và tiết lộ người đồng cấp “bị quản thúc tại nhà nhưng vẫn ổn”.
Theo AFP, tình hình Zimbabwe lâm vào bất ổn trong thời gian gần đây xuất phát từ căng thẳng giữa Tổng thống Mugabe và đồng minh lâu năm Emmerson Mnangagwa. Hồi đầu tháng, nhà lãnh đạo bất ngờ tuyên bố cách chức phó tổng thống của Mnangagwa với cáo buộc ông này “thuê phù thủy trù ếm” mình nhằm tiếm quyền. Ông Mnangagwa sau đó đào tẩu sang Nam Phi, còn Tổng tham mưu trưởng quân đội Constantino Chiwenga tuyên bố không chấp nhận việc sa thải phó tổng thống. Giới chuyên gia nước ngoài và phe đối lập cho rằng Tổng thống Mugabe gạt bỏ đồng minh nhằm mở đường cho vợ mình là Grace Mugabe kế nhiệm sau này.
Binh biến tại Zimbabwe1

Vợ chồng Tổng thống MugabeẢNH: REUTERS

Tổng thống Mugabe, 93 tuổi, lãnh đạo Zimbabwe trên cương vị thủ tướng rồi tổng thống từ khi nước này giành độc lập khỏi Anh năm 1980. Trong giai đoạn 2008 – 2009, Zimbabwe lâm vào tình trạng siêu lạm phát tới mức phải in tờ bạc 100 tỉ đô la Zimbabwe. Tình hình phần nào được cải thiện kể từ khi chính quyền ban bố việc chuyển sang dùng đồng USD vào năm 2015.
Đến tối qua, tờ The Guardian dẫn nguồn tin chưa được xác nhận nói các cuộc thương lượng đang diễn ra hướng tới việc Tổng thống Mugabe từ chức vào tuần sau và ông Mnangagwa sẽ về nước để thay thế.
Hôm qua, Anh, Hà Lan và Mỹ ra khuyến cáo an toàn cho công dân nước mình đang sống và làm việc tại Zimbabwe; còn EU kêu gọi các bên đối thoại nhằm giải quyết khủng hoảng một cách hoà bình. Cùng ngày, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Trung Quốc Cảnh Sảng khẳng định chuyến thăm Bắc Kinh hồi tuần trước của Tổng tham mưu trưởng Chiwenga là “sự kiện bình thường” sau khi có ý kiến nói nước này “can thiệp vào nội bộ Zimbabwe”.
Binh biến tại Zimbabwe - ảnh 4

 
 

 

Bảo Vinh