Những ‘sinh viên vĩnh viễn’ ở Đan Mạch
Đan Mạch có riêng một thuật ngữ để chỉ những người không chịu tốt nghiệp sau 5 năm đại học – evighedsstuderende (sinh viên vĩnh viễn).
Những ‘sinh viên vĩnh viễn’ ở Đan Mạch.
Đan Mạch có riêng một thuật ngữ để chỉ những người không chịu tốt nghiệp sau 5 năm đại học – evighedsstuderende (sinh viên vĩnh viễn).
Năm 2016 Đan Mạch được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, mà nguyên nhân đáng kể khiến quốc gia Bắc Âu giành được ngôi vị này chính là chính phủ đặc biệt quan tâm tới phúc lợi xã hội. Họ đầu tư ngân sách nhiều cho các lĩnh vực công, tạo bình đẳng và nâng cao chất lượng sống của người dân.
Với chính sách miễn học phí cho sinh viên đại học, Đan Mạch đang tạo cơ hội giáo dục tốt nhất để mọi sinh viên không phải chịu áp lực về tiền bạc.
“Thiên đường” của sinh viên
Tại Đan Mạch, ngoài chuyện được miễn học phí, mỗi sinh viên còn được hưởng trợ cấp khoảng 1.000 USD/tháng tiền sinh hoạt phí.
Louis Moe Christoffersen – sinh viên kỹ thuật – cho biết: “Công dân Đan Mạch không phải đóng bất cứ khoản học phí nào. Tiền nhà cũng rất rẻ. Trên thực tế chính phủ còn trả tiền cho chúng tôi nếu chúng tôi đỗ đại học. Giống như chuyện ai đó trả lương cho bạn để bạn đi học ở đại học vậy”.
Đây là khoản hỗ trợ hào phóng “không hoàn lại” của chính phủ với sinh viên. Họ sẽ không phải hoàn tiền ngay cả khi bỏ học. Yêu cầu chính duy nhất để họ được nhận toàn bộ những ưu đãi này chỉ là không sống cùng cha mẹ.
Mọi sinh viên đều được tài trợ trong tối đa 6 năm, bắt đầu từ năm 18 tuổi. Với những người có thành tích học tập đặc biệt xuất sắc, họ còn được nhận thêm các khoản tiền thưởng khác.
Không chỉ được ưu đãi từ nhà trường, theo sinh viên Astrid Winther Fischer, nhiều công ty tại Đan Mạch còn giảm giá đặc biệt cho sinh viên khi xem phim, đi tàu điện hoặc vé tham quan bảo tàng.
Trên thực tế, chính sách ưu đãi này rõ ràng đã tạo ra những hiệu quả nhất định. Các trường đại học Đan Mạch thuộc nhóm trường có tỉ lệ tốt nghiệp cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), và đương nhiên mọi công dân nước này đều không dính bất cứ khoản nợ nào liên quan tới học phí.
Nhìn từ quan điểm xã hội, nếu các cử nhân gia nhập thị trường lao động sớm hơn, họ sẽ đóng góp cho nền kinh tế trong khoảng thời gian dài hơn nhiều.
Lauritz Holm-Nielsen (nguyên hiệu trưởng ĐH Aarhus – ĐH lớn nhất tại Đan Mạch)
Thiếu động lực phấn đấu
Thế nhưng trong mắt một số người Đan Mạch, nhất là những người thuộc thế hệ cũ và các công dân lớn tuổi còn tham gia lực lượng lao động, chính sách miễn học phí đã xoá bỏ động lực quan trọng để những người trẻ sớm trưởng thành và có nhận thức về trách nhiệm của bản thân với gia đình, xã hội. Nỗi lo của những người đó hẳn không vô lý.
Theo trang Business Insider, quốc gia Bắc Âu này hiện đang phải giải quyết một số lượng “hàng tồn sinh viên” không nhỏ, những người được gọi là “sinh viên vĩnh viễn” bởi họ cứ ở trong trường 6 năm hoặc lâu hơn nữa mà không hề có ý định tốt nghiệp.
Một lý do đơn giản vì họ không có bất cứ động lực tài chính nào thôi thúc phải ra trường.
Daniel Borup, 24 tuổi, vừa ra trường gần đây và hiện đang là phó chủ tịch tại Công ty phần mềm Plecto, chia sẻ: “Thuật ngữ evighedsstuderende nhắc tới một kiểu người không bao giờ kết thúc chương trình học của mình, cứ liên tục thay đổi các chương trình học từ năm này sang năm khác”.
Để đối phó với các sinh viên kiểu này, Chính phủ Đan Mạch cũng từng đề xuất và thông qua một dự luật sửa đổi năm 2015 với chương trình Cải cách tiến bộ học tập, trao quyền nhiều hơn cho các trường đại học, từ đó tạo sức ép buộc các “sinh viên vĩnh viễn” phải tốt nghiệp.
Theo chính sách này, các trường được giao trách nhiệm giảm bớt thời gian học tại trường của sinh viên trung bình từ 4 đến gần 8 tháng. Nếu không thực hiện như vậy, các trường sẽ phải đối mặt với việc chính phủ cắt giảm ngân sách hoạt động.
Cũng giống như Hà Lan, Đức và Hungary, Đan Mạch đang nỗ lực kiểm soát việc tăng chi phí giáo dục đại học bằng cách tạo sức ép để sinh viên tốt nghiệp đúng thời hạn.
Tuy nhiên, xem ra người ta thường dễ quen hơn nhiều với lối sống vật chất tiện nghi so với những kham khổ, thắt lưng buộc bụng. Thế nên ít nhất là trước mắt, tình trạng “sinh viên vĩnh viễn” vẫn là một xu hướng chưa dễ bỏ tại Đan Mạch.
Vừa học vừa làm
Tại các nước châu Âu khác, như Đức, cũng có chính sách miễn học phí đại học, nhưng được xã hội hóa, không sử dụng ngân sách nhà nước.
Theo đó, nhiều công ty đưa ra các chương trình vừa học vừa làm, sinh viên vừa thực hành kiến thức tại công ty, vừa tham gia các chương trình học ở trường và được công ty trả lương ngay trong thời gian vẫn đang đi học. Bằng cách này, các doanh nghiệp kỳ vọng có thể thu hút được những tài năng hứa hẹn trong lĩnh vực của mình.