Theo kế hoạch, trạm thu phí đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương sẽ hết hạn vào 2019.
Kéo dài thu phí cao tốc TP.HCM – Trung Lương là bất hợp lý.
Theo kế hoạch, trạm thu phí đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương sẽ hết hạn vào 2019.
Các tài xế qua đây chưa kịp “thở phào” thì Bộ GTVT lại đang có chủ trương muốn kéo dài thời gian thu phí để hỗ trợ đầu tư 2 đoạn tiếp theo.
Trạm đoạn này thu phí cho đoạn kia
Quan trọng không phải 2 trạm thu gần nhau hay không. Nếu vì gần thì từ trước đến giờ vẫn song song hoạt động, có ai ý kiến gì đâu. Vấn đề là mỗi trạm thu đoạn đường khác nhau, đoạn nào thu đoạn đấy, minh bạch, rõ ràng. Nếu không, chắc chắn sẽ tiếp tục vấp phải bức xúc từ phía người dân và phản ứng từ tài xế như tại một số trạm thu thời gian qua
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh Uỷ viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường – Uỷ ban MTTQ VN TP.HCM
Mới đây, UBND TP.HCM có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ nêu ý kiến về việc triển khai dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ. Theo đó, TP.HCM thống nhất với ý kiến của Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhằm sớm hoàn thành dự án đầu tư đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và dự án đầu tư đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, góp phần giảm ùn tắc giao thông cho QL1, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía nam.
Tuy nhiên, về việc hỗ trợ đầu tư cho dự án trên bằng cách thu giá dịch vụ đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương trong 8 năm, 2 tháng với mức giá khởi điểm 1.700 đồng/PCU/km (PCU là đơn vị xe con quy đổi, lấy ô tô 5 chỗ làm chuẩn – NV), UBND TP cho rằng cần cân nhắc thêm. Lý do là trạm thu phí này được đặt rất gần trạm thu phí QL1 đoạn An Sương – An Lạc trên địa bàn TP và hiện đang có thời gian thu tương đối dài (thời gian thu dự kiến đến 2033).
Trạm thu phí đoạn cao tốc TP.HCM – Trung Lương hiện tại nằm ở khu Chợ Đệm, H.Bình Chánh (TP.HCM), cách Trạm thu phí An Sương – An Lạc (thuộc QL1 tại Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM) chưa đến 20 km. Trước đó, trong nội dung hợp đồng mua bán quyền thu phí với giá trị 2.004,153 tỉ đồng, thời hạn 5 năm giữa Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, kể từ lúc 0 giờ ngày 1.1.2014, việc thu phí đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương (giai đoạn 1) sẽ do Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh đảm nhận. Như vậy, đến ngày 1.1.2019, việc thu phí đoạn cao tốc này sẽ hết hạn theo hợp đồng.
Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết Bộ GTVT đã có văn bản đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian thu phí của trạm này nhằm hỗ trợ đầu tư cho 2 tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ. TP.HCM lo ngại tiếp tục duy trì 2 trạm thu phí song song, gần nhau trong thời gian dài sẽ gây bức xúc trong dư luận.
Hỗ trợ vô lý
Về việc hỗ trợ nêu trên, PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Uỷ viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường – Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, nói thẳng: Bộ GTVT chủ trương như vậy là vô lý. Tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận, Mỹ Thuận – Cần Thơ thuộc địa bàn Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ thì trạm thu phí phải đặt ở các tỉnh, thành đó, hà cớ gì đặt ở TP.HCM?
“Quan trọng không phải 2 trạm thu gần nhau hay không. Nếu vì gần thì từ trước đến giờ vẫn song song hoạt động, có ai ý kiến gì đâu. Vấn đề là mỗi trạm thu đoạn đường khác nhau, đoạn nào thu đoạn đấy, minh bạch, rõ ràng. Nếu không, chắc chắn sẽ tiếp tục vấp phải bức xúc từ phía người dân và phản ứng từ tài xế như tại một số trạm thu thời gian qua”, ông nói.
KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng đánh giá đề xuất trên của Bộ GTVT hoàn toàn bất hợp lý. Thứ nhất, theo thông lệ quản lý đô thị, đường xây xong, người dân sử dụng mới được phép thu phí. Không thể có chuyện đường chưa làm, dân chưa được dùng đã phải trả tiền. Thứ hai, nguyên tắc đặt trạm thu phí không phải chỗ nào dễ thu thì đặt trạm, trạm phải được nằm trong tuyến, đường cần thu. Nếu đặt ở trong tuyến mà không có xe đi qua, không thu được phí thì chứng tỏ tuyến đường đó không cần thiết.
Theo ông Nam Sơn, đã đến lúc Bộ GTVT nói riêng cũng như Chính phủ nói chung phải đưa ra những quy luật, quy tắc về những dự án có thu phí, áp dụng chung cho toàn quốc để công khai, minh bạch, không mất lòng dân. Ông Nam Sơn đề xuất, dân đóng thuế, đóng phí bảo trì đường bộ thì các quốc lộ, đường phục vụ cho nhu cầu đi lại tối thiểu của người dân nhà nước phải bỏ tiền, không thu từ dân. Nếu nhà nước không đủ kinh phí thì có thể thu theo dạng xã hội hoá, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư và hỗ trợ lại cho doanh nghiệp. “Chỉ những con đường làm thêm, hỗ trợ để đi nhanh hơn, tiện hơn mới thu phí hoàn vốn. Cứ xây đường là thu, đường nào nhà nước thiếu tiền là thu thì bao nhiêu thuế dân đóng đi đâu?”, ông Sơn đặt vấn đề.
Ông Nam Sơn cho rằng Bộ GTVT là cơ quan quản lý, cần đặt ra luật chơi, trong đó có đối tác 3 bên gồm tư nhân, nhà nước và sự hỗ trợ từ người dân. Phải làm sao để đảm bảo lợi ích cho tất cả các bên mà quan trọng nhất là lợi ích người dân. “Phải có luật lệ, quy định, nguyên tắc rõ ràng và không có ngoại lệ. Nếu chỉ giải quyết cục bộ, làm theo tình huống thì nước sẽ loạn, dân sẽ than”, ông nói.
Các dự án giao thông theo hình thức BOT góp phần phát triển cơ sở hạ tầng trong nước. Tuy nhiên thời gian qua đã lộ ra nhiều bất cập, gây ra một số phản ứng từ người dân.