10/01/2025

TPP: Đi tìm “thuyền trưởng”

Trong tuần qua, các nước thành viên khác của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngoài Mỹ đã liên tục xúc tiến nhiều nỗ lực để tìm ra đường đi mới cho thoả thuận này, bất chấp việc có mặt nước Mỹ hay không.

 

TPP: Đi tìm “thuyền trưởng”.

Trong tuần qua, các nước thành viên khác của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngoài Mỹ đã liên tục xúc tiến nhiều nỗ lực để tìm ra đường đi mới cho thoả thuận này, bất chấp việc có mặt nước Mỹ hay không.

 

 

Không có Mỹ, Nhật và Canada sẽ giữ vai trò lèo lái TPP? ảnh AP

Ngày 23-1-2017, một trong những quyết định đầu tiên của ông Trump sau khi nhậm chức là rút Mỹ khỏi TPP. Có vẻ như đó là hồi chuông báo tử cho hiệp định này, như Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe từng nhận định đầy bi quan “TPP không có Mỹ thì vô nghĩa” hồi tháng 11-2016.

“Thuyền trưởng” Nhật Bản?

Sau vài tháng im ắng, bỗng nhiên TPP (ban đầu gồm 12 nước) được hà hơi, các thành viên còn lại muốn hồi sinh hiệp định tưởng đã chết yểu này.

Ba nước Úc, New Zealand và Nhật Bản dẫn đầu nỗ lực này với các cuộc gặp mặt liên tục tại Chile vào trung tuần tháng 3, Toronto đầu tháng 5, rồi Hà Nội mới tuần trước để bàn về tương lai TPP không có Mỹ, tức TPP – trừ – một, TPP 11, hoặc tên lạc quan hơn: TPP phiên bản 2.0.

 

Các bên đã đánh giá những phần nào của TPP 12 có thể được chuyển sang hoặc đàm phán lại. Tất nhiên, không khí bi quan không phải là không còn.

Một nhà ngoại giao Singapore cho rằng nỗ lực hồi sinh TPP sẽ chẳng đi tới đâu trừ phi Nhật Bản, nền kinh tế lớn nhất còn lại, lĩnh ấn tiên phong. Ngay cả một số chuyên gia và nghị sĩ Mỹ cũng ủng hộ Nhật Bản thay thế Mỹ thúc đẩy thương mại tự do ở châu Á. Họ lo ngại việc Mỹ rút khỏi TPP, một trọng tâm của chính sách đối ngoại chú trọng tới châu Á của chính quyền Obama, có thể khiến Trung Quốc kiểm soát khu vực này nhiều hơn.

Trong khi đó, thái độ của Nhật về TPP thiếu Mỹ dường như đã thay đổi từ vô vọng sang hồ hởi. CNBC, với bài viết “Thuyền trưởng Nhật Bản… giải cứu con tàu TPP” dẫn lời Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Hiroshiege Seko nói “ngay cả với 11 nước, dòng chảy thương mại vẫn rất triển vọng”.

Tại một hội nghị ở Nhật hồi đầu tháng 4, ông Seko cũng đã đề xuất phương án thay thế với các đồng nhiệm ASEAN: khỏi cần Mỹ, chúng ta có thể có TPP 11.

Chính quyền Trump tỏ vẻ không phản đối TPP 11. Trong cuộc gặp hồi tháng 2, Thủ tướng Abe và Tổng thống Trump đã đồng ý tìm hiểu cách tốt nhất thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế ở châu Á – Thái Bình Dương sau khi Mỹ rút khỏi TPP.

Theo một tuyên bố chung của hai bên sau cuộc họp đó, như vậy có nghĩa là Nhật Bản tiếp tục thúc đẩy tiến bộ trong khu vực dựa trên các sáng kiến hiện có. TPP 11 có thể đẩy Tokyo vào thế khó xử với Mỹ về sau khi những yêu cầu của Washington về mở cửa thị trường có thể đụng chạm với những cam kết của Nhật Bản với các nước TPP.

Nhưng Nhật Bản cũng không thể bỏ qua lợi ích của TPP 11. Theo giáo sư Kenichi Kawasaki thuộc Viện Cao học quốc gia về nghiên cứu chính sách, TPP 11 sẽ tăng GDP thực của Nhật 1,11%, thấp hơn một chút so với mức tăng 1,37% của TPP 12.

Tuy nhiên, do hiện mới có hai nước phê chuẩn TPP, và các nước khác đang ở những thời điểm khác nhau trong quá trình phê chuẩn, việc xúc tiến TPP 11, tức là có những thay đổi so với hiệp định ban đầu, có thể gặp nhiều cam go về mặt thủ tục hành chính.

Vắng mợ, chợ vẫn đông

Căn cứ theo văn bản hiệp định hiện nay, TPP trên lý thuyết đã chết. Theo quy định trong chương 30, điều 30.5, tiểu mục 2, TPP sẽ có hiệu lực nếu ít nhất 6 trong những nước ký kết ban đầu, mà tính chung chiếm ít nhất 85% tổng sản lượng nội địa (GDP) của các nước ký kết ban đầu vào năm 2013, phê chuẩn hiệp định.

Với công thức này, khi Mỹ rút lui, TPP theo văn bản đã ký kết không thể có hiệu lực vì Mỹ và Nhật chiếm phần lớn trong 85% GDP vào năm 2013, trong đó riêng Mỹ chiếm 60%.

Tuy nhiên, câu chữ có thể sửa lại. Cách đơn giản nhất là sửa điều 30.5.2. Một cách khác là thỏa thuận riêng để tạm thời thực hiện các điều khoản TPP hiện có và tạm hoãn các điều khoản liên quan cụ thể tới Mỹ phòng khi Mỹ đổi ý.

Khả năng này không phải là hoàn toàn vô vọng. Ngày 21-5, BBC giật tít về những vòng đàm phán mới là “TPP tiếp tục mà không có Trump”, chứ không phải “không có nước Mỹ”, với những phân tích cho rằng giới ủng hộ hiệp định này trong nước Mỹ vẫn còn rất mạnh.

Và dù mong manh hơn, khả năng ông Trump thay đổi quan điểm cũng đáng được tính đến.

TPP thiếu Mỹ hẳn nhiên không “hoành tráng” như TPP 12. Các nước TPP 12 chiếm khoảng 38% GDP thế giới và 26% hoạt động thương mại thế giới. Vắng Mỹ, những con số này chỉ còn lần lượt 13% và 15%.

Nhiều nước ban đầu ký – bao gồm phần lớn các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam – là vì những lợi ích tiềm năng nhờ tiếp cận thị trường Mỹ khổng lồ và giàu có. Song, TPP vẫn còn ít nhiều sức hút với các thành viên còn lại.

(1) Trong bối cảnh vòng đàm phán Doha và các nỗ lực của WTO giậm chân tại chỗ, TPP khích lệ nhiều nước trên thế giới thấy rằng vẫn có thể thương lượng các hiệp định thương mại tự do quy mô lớn và nhiều tham vọng.

(2) Những nền kinh tế nhiều khác biệt như Nhật Bản và Việt Nam tìm được mục tiêu chung ở TPP là dùng các cam kết trong hiệp định này để thúc đẩy những cải cách quan trọng trong nước mà sẽ rất khó tiến hành nếu thiếu sức ép từ bên ngoài.

Ngoài ra, TPP còn có thể mang ý nghĩa địa chính trị, tạo ra một nền kinh tế chung đối trọng với sự vươn lên mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới Trung Quốc.

Với Nhật Bản, mục tiêu này thậm chí còn quan trọng hơn với Mỹ. Các phương án thay thế TPP hiện giờ – Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) – đều có Trung Quốc đóng vai trò đầu tàu.

Quy mô của TPP 2.0 đúng là nhỏ hơn, 15% hoạt động thương mại toàn cầu so với 26% của TPP 12. Nhưng quy mô không phải là tất cả. Lúc khởi thủy, TPP chỉ có 4 nước (Singapore, New Zealand, Chile và Brunei) vào năm 2006, hầu như không có tác động toàn cầu gì, nhưng với từng thành viên đơn lẻ, lợi ích vẫn là rất thiết thực.

Canada chẳng hạn, sẽ có cơ hội bớt phụ thuộc vào Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của họ giữa lúc đang có nhiều tranh chấp leo thang với chính quyền Trump về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), gỗ mềm và ngành bơ sữa.

New Zealand thì từ nhiều năm qua đã quyết tâm mở cửa thị trường. Họ là nước thứ hai sau Nhật Bản phê chuẩn TPP. New Zealand thiết tha với TPP vì thường là đối tác nhỏ hơn trong các thỏa thuận song phương, và ít có cơ hội ký hiệp định thương mại tự do với các nước như Nhật Bản hay Canada.

Đàm phán lại?

Mọi hiệp định thương mại là kết quả cân đong đo đếm các nhượng bộ giữa các thành viên. Phần lớn các điều khoản trong TPP hiện tại phản ánh những mặc cả sao cho thích ứng với yêu sách của Mỹ, ví dụ Canada chịu mở cửa ngành bơ sữa vốn hưởng nhiều hỗ trợ của chính phủ, hoặc Việt Nam ký văn bản riêng với Mỹ về những tiêu chuẩn lao động cao hơn, trong đó có cho phép công đoàn độc lập.

Không còn Mỹ, liệu Canada có còn chịu giữ các nhượng bộ trong TPP 12? Những nước như Việt Nam và Mexico từng miễn cưỡng chấp nhận các tiêu chuẩn mới về môi trường và lao động, nay không còn Mỹ, chưa chắc họ chịu giữ các nhượng bộ đó. Nếu quá nhiều điều khoản phải sửa, nhiều khả năng TPP 11 phải đàm phán lại từ đầu.

Trả lời phỏng vấn Bloomberg hồi đầu tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Úc Steven Ciobo cho rằng khó có khả năng tái đàm phán TPP do cán cân hiện nay của những đánh đổi trong hiệp định này. Chưa ai rõ TPP 11 sẽ bắt đầu tái khởi động lúc nào, nhưng có vẻ như tháng 11 năm nay là một thời điểm thích hợp, lúc diễn ra hội nghị thường niên của lãnh đạo các nước APEC tại Đà Nẵng (vào ngày 10 và 11).■

 

 

PHẠM VŨ LỬA HẠ