Từng bước xoá tín dụng đen
Nguồn vốn chính sách với giá vay rẻ, điều kiện vay thuận lợi, là cánh cửa giúp người dân thoát nghèo, đổi đời và tránh được cảnh vay nặng lãi, vốn rất nhức nhối ở các vùng quê.
Từng bước xoá tín dụng đen.
Nguồn vốn chính sách với giá vay rẻ, điều kiện vay thuận lợi, là cánh cửa giúp người dân thoát nghèo, đổi đời và tránh được cảnh vay nặng lãi, vốn rất nhức nhối ở các vùng quê.
Lãi suất cao, dao búa đòi nợ
Báo cáo tại tọa đàm “Hiệu quả của tín dụng chính sách với công tác xóa đói giảm nghèo bền vững” do Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 9.11, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Nguyễn Đức Hải cho biết sau 15 năm hoạt động, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp gần 4,5 triệu hộ vượt ngưỡng nghèo; giúp hơn 3,5 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập…
Tuy nhiên, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Chất lượng tín dụng chính sách chưa đồng đều tại một số vùng, một số địa phương tỷ lệ nợ quá hạn còn cao; một số chương trình tín dụng tiềm ẩn rủi ro dẫn đến gia tăng nợ quá hạn. Song, một điểm đáng chú ý là nhờ tín dụng CSXH đã góp phần ngăn chặn tệ cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn.
Theo PGS-TS Đỗ Thị Kim Hảo, Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, tín dụng chính sách đã làm giảm sức thu hút của thị trường tín dụng đen đối với người dân. “Nếu không tiếp cận được nguồn tín dụng thương mại đòi hỏi các yêu cầu khắt khe về hồ sơ pháp lý, năng lực tài chính, tài sản bảo đảm… người nghèo và các đối tượng chính sách phải vay với lãi suất cao từ các tổ chức, cá nhân tại địa phương, góp phần tạo điều kiện cho thị trường tín dụng phi chính thức này phát triển”, PGS Hảo cho biết.
Đồng quan điểm, TS Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nhận xét trước kia tín dụng đen, cho vay nặng lãi hoành hành ở các vùng quê. Nhiều người nghèo vì không có tiền cho con đi học, không có tiền để làm ăn đã phải đi vay bên ngoài, chịu lãi suất cao.
“Người nghèo cần tiền nhưng không có tài sản, họ phải vay nợ bên ngoài nên tín dụng đen hoành hành; lãi suất cao, dao búa đi đòi nợ rất nặng nề. Cho nên, việc đẩy mạnh tín dụng chính sách thời gian qua đã khắc phục, hạn chế rất nhiều tình trạng này”, TS Nghĩa nói.
Đổi đời
Không chỉ hạn chế tín dụng đen, nhờ tín dụng chính sách, nhiều người dân nghèo cũng có cơ hội đổi đời. Chị Nguyễn Thị Lực (H.Ba Vì, Hà Nội) cho biết từ chỗ gia đình thuộc diện nghèo, không đủ ăn, được vốn từ Ngân hàng CSXH mua heo giống, bò và trồng cây tràm đã vươn lên có cuộc sống ổn định. Tiếp đó, chị mạnh dạn vay vốn đầu tư mua 1 máy làm tinh bột dong riềng hết 21 triệu đồng, đầu tư trồng hơn 1 ha cây dong riềng, cải tạo 3 sào ao nuôi cá. Đến nay, gia đình có thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm từ chế biến tinh bột đót và 30 triệu đồng từ mô hình vườn – ao – chuồng (bò, lợn, cá).
Anh Bùi Văn Quý (trú thôn Hưng Giáo, xã Tam Hưng, H.Thanh Oai, Hà Nội) cũng thuộc diện hộ nghèo của xã, gia đình có 5 khẩu, làm ruộng không đủ ăn. Nhờ chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, đến nay lần lượt 3 cháu, gồm: Bùi Thị Quỳnh (26 tuổi), đã tốt nghiệp Trường ĐH Y Hà Nội; Bùi Thị Thu Thảo (24 tuổi), tốt nghiệp Trường ĐH Dược Hà Nội và Bùi Chí Đạt (21 tuổi), đang học năm thứ 3 Học viện Quân y.
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng nhu cầu vốn tín dụng ưu đãi ngày càng lớn trong khi nguồn vốn ưu đãi có hạn. Ông Lợi đề nghị cần tiếp tục tăng cường nguồn vốn hơn để nâng cao đời sống nhân dân, nhất là các khu vực kinh tế khó khăn, vùng sâu, xa…
TIN LIÊN QUAN
Tín dụng ‘đen’ mạo danh ngân hàng
Đánh vào thời điểm cần vốn cho sản xuất kinh doanh, hoạt động tiêu dùng dịp cuối năm, một số tổ chức, cá nhân mạo danh ngân hàng hoặc núp bóng dưới hình thức công ty tư vấn tài chính… để cho vay lãi cao.
Tiêu Phong