11/01/2025

Tri thức trẻ vì giáo dục 2017: đưa công nghệ thực tiễn vào dạy học

Đêm chung kết và trao giải chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 sẽ diễn ra tối nay 9-11 tại Trung tâm văn hoá nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

 

Tri thức trẻ vì giáo dục 2017: đưa công nghệ thực tiễn vào dạy học.

 

Đêm chung kết và trao giải chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 sẽ diễn ra tối nay 9-11 tại Trung tâm văn hoá nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.

 

 

Tri thức trẻ vì giáo dục 2017: đưa công nghệ thực tiễn vào dạy học - Ảnh 1.

Toàn cảnh vòng chung khảo chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 diễn ra ngày 8-11 – Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Chiều 8-11, 10 công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 đã bước vào vòng chung khảo. Chương trình do Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn, báo Tuổi Trẻ và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Thuyết trình trước ban giám khảo, phóng viên

Hội đồng ban giám khảo gồm TS Nguyễn Quân, nguyên bộ trưởng Bộ KH&CN; GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội; PGS.TS Trần Quang Quý, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT.

Năm nay, hình thức chấm thi có sự đổi mới khi 10 tác giả, nhóm tác giả cùng bước vào thuyết trình vòng chung khảo với sự đánh giá của hội đồng ban giám khảo, có phóng viên báo chí tham gia.

 

 

Đại diện ban tổ chức, ông Trịnh Văn Hào, giám đốc marketing Tập đoàn Thiên Long, cho biết: “Năm nay, vòng chung khảo có sự góp mặt của các cơ quan truyền thông. Với điều này, chương trình mong muốn xã hội hiểu rõ hơn các đánh giá chuyên môn của hội đồng chung khảo về những điểm mới, khả thi của từng công trình. Đồng thời, nhờ truyền thông, trí thức trẻ có cơ hội chia sẻ những trăn trở, tâm huyết cho ngành giáo dục”.

Tại buổi chấm chung khảo, nhóm tác giả khoa cơ khí Học viện Kỹ thuật quân sự của công trình “Xây dựng phòng thí nghiệm ảo phục vụ giảng dạy và thí nghiệm các môn học thuộc chuyên ngành gia công áp lực” đã đưa ra nhiều lý do để triển khai đề tài, như: khó thực hiện mô hình phòng thí nghiệm trong trường đại học, cao đẳng do máy móc, thiết bị quá đắt đỏ; yêu cầu sinh viên ra trường phải sử dụng được phần mềm trong lĩnh vực cơ khí; nâng cao tính ứng dụng thực hành, thực tế…

Còn công trình phần mềm “Nền tảng phát triển giáo dục open classroom” (đã đăng ký sở hữu trí tuệ) của nhóm trí thức trẻ Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam được hội đồng giám khảo đánh giá rất cao vì học sinh, giáo viên, phụ huynh có thể tiếp cận học tập, giảng dạy, tham khảo; nhà quản lý giáo dục có thể dựa vào đó đưa ra chính sách phù hợp về giáo dục.

Tại vòng chung khảo, với công trình “Vận dụng công nghệ 3D thiết kế và sử dụng bảo tàng ảo trong dạy học lịch sử ở trường THPT”, cô giáo Nguyễn Thu Quyên (Hải Dương) đã nhận được nhiều sự quan tâm của hội đồng chung khảo. Trong ba năm, cô Quyên đã chuyển giao đề tài này cho nhiều giáo viên và học sinh lớp chuyên sử.

Điểm mới từ ứng dụng công nghệ

Năm 2017, chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” đã thu hút 329 công trình, sáng kiến của đoàn viên, thanh niên, trí thức trẻ trong cả nước. Trong đó 171 công trình, sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học sáng tạo và hiệu quả; 84 công trình, sáng kiến sáng tạo, chế tạo ra các công cụ phục vụ giảng dạy và học tập; 74 công trình về lĩnh vực khoa học giáo dục.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Quân đánh giá 10 công trình vào vòng chung khảo năm nay có tiềm năng ứng dụng thực tiễn, bám sát quá trình đào tạo ở các trường phổ thông và công tác giảng dạy tại trường đại học, cao đẳng.

“Năm nay, chủ yếu các công trình ứng dụng lĩnh vực công nghệ thông tin trong xây dựng thí nghiệm ảo, bảo tàng ảo, các giáo trình ảo trên mạng, tạo ra môi trường ảo cho đổi mới giáo dục. 

Tôi đánh giá cao các công trình áp dụng thiết kế ảo liên hệ với thực tiễn, để học sinh tiếp cận toàn diện. Tôi còn ấn tượng với ứng dụng thí nghiệm vật lý. Những ý tưởng này, nếu được các trường THPT, Bộ GD-ĐT quan tâm, có thể sản xuất trên quy mô công nghệ, cung cấp cho các phòng thí nghiệm, trường THPT” – ông Quân cho hay.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Quân cũng nhận định đối với học sinh, sinh viên, việc học trên phòng thí nghiệm ảo rất quan trọng nhưng chưa đủ, vẫn cần có những thí nghiệm thật. 

“Thí nghiệm ảo không đem lại kinh nghiệm thực tiễn, kết quả nhiều khi là ảo. Tôi mong muốn các công trình ở năm tiếp theo cần đa dạng, nhiều sản phẩm thực tiễn hơn nữa” – ông Quân kỳ vọng.

PGS.TS Trần Quang Quý cũng đánh giá năm nay nhiều công trình dự thi ứng dụng công nghệ thông tin vào thực hiện đề tài. 

“Năm 2017 tăng 100 đề tài dự thi so với năm ngoái. Tôi mong muốn năm tiếp theo, ban tổ chức nên phát động chương trình sớm hơn, vì 5 tháng ngắn quá, tác giả không có thời gian chuẩn bị nhiều. Ngay sau khi tổng kết cuộc thi năm nay, cần phát động cuộc thi năm sau ngay, để các tác giả bắt tay vào nghiên cứu” – ông Quý gửi gắm đến chương trình.

Chung tay để ý tưởng ứng dụng vào thực tiễn dạy – học

anh_thienlong_8

Ông Nguyễn Đình Tâm – Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Đình Tâm, tổng giám đốc Tập đoàn Thiên Long, thông tin thêm về chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017:

* “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm nay nhận được hơn 300 bài dự thi của người trẻ. Ông nghĩ thế nào về con số này?

– Chương trình năm 2017 đã nhận được hơn 300 bài dự thi từ 56 tỉnh/thành cả nước, với nhiều đối tượng tham gia như giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên, trí thức trẻ ngoài ngành giáo dục, trí thức trẻ ở nước ngoài. Số lượng bài dự thi lớn và sự đa dạng về đối tượng tham gia đã chứng minh rằng: các trí thức trẻ đã đặc biệt quan tâm đến chương trình này.

Theo những đánh giá tích cực của ban giám khảo về chất lượng của 10 công trình tiêu biểu vào vòng chung kết, chúng tôi càng tin tưởng rằng người trẻ luôn có sự khát khao cống hiến cho nền giáo dục nước nhà.

* Theo ông, vì sao “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm nay lại thu hút nhiều người trẻ?

– Theo tôi, lý do đầu tiên là chương trình đã đáp ứng được mong muốn đóng góp một phần công sức của người trẻ cho ngành giáo dục. Cuộc thi là động lực để nhiều trí thức trẻ hoàn thiện những ý tưởng ấp ủ từ lâu cho hoạt động dạy và học.

Bên cạnh đó, chương trình có một hội đồng giám khảo chuyên môn, uy tín cao để thẩm định công trình; chương trình còn có nhiều hỗ trợ thiết thực để ứng dụng các công trình vào thực tế. Do đó, nhiều trí thức trẻ đặt niềm tin và gửi gắm những ý tưởng tâm huyết của mình cho chương trình.

* “Tri thức trẻ vì giáo dục” phải làm gì để các nguồn lực xã hội khác chung tay hỗ trợ, nhân rộng các công trình có chất lượng vào đời sống?

– Chương trình chỉ thực sự có giá trị nếu các công trình hay được ứng dụng thực tế vào việc dạy và học. Để làm được việc đó, sự trợ giúp của các nguồn lực xã hội là điều rất cần thiết.

Chương trình phải tập trung tìm kiếm các ý tưởng tốt và khả thi, khi đó chúng tôi tin rằng các nguồn lực xã hội sẽ sẵn sàng chung tay để đưa những ý tưởng này ứng dụng vào thực tế đời sống, vào việc dạy và học.

CHÍ THUẬN thực hiện

Tối nay trao giải “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017

Đêm chung kết và trao giải chương trình “Tri thức trẻ vì giáo dục” năm 2017 sẽ diễn ra tối 9-11 tại Trung tâm văn hóa nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. Giải thưởng dành cho công trình, sáng kiến tiêu biểu nhất trị giá 100 triệu đồng cùng kỷ niệm chương “Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn, bằng khen của Bộ GD-ĐT (không quá 5 giải).

Ban tổ chức đã hỗ trợ các công trình tiêu biểu đoạt giải cao trong năm 2016. Cụ thể, phối hợp với Nhà xuất bản Trẻ chính thức phát hành bộ sách dựa trên công trình “Sự cần thiết của việc xây dựng chương trình và đưa giáo dục giới tính vào trong trường học” của tác giả Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre).

anh_benhung_8

Bộ sách của tác giả Lê Thị Bé Nhung (Bến Tre) vừa được phát hành – Ảnh: H.T.

Ngoài ra, ban tổ chức cũng giới thiệu công trình “Thiết kế, chế tạo một số thiết bị thí nghiệm mới phần cảm ứng điện từ để sử dụng trong dạy học vật lý ở trường phổ thông” của tác giả Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội) đến Công ty Đầu tư xây dựng và thiết kế giáo dục, để nghiên cứu sản xuất.

Tri thức trẻ vì giáo dục 2017: đưa công nghệ thực tiễn vào dạy học - Ảnh 6.

HÀ THANH