Hàng ngàn sinh viên đại học ‘rơi rụng’, vì đâu?
Từng là học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có điểm đầu vào cao, nhiều sinh viên không học nổi phải tự thôi học hoặc bị buộc thôi học.
Hàng ngàn sinh viên đại học ‘rơi rụng’, vì đâu?
Từng là học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, có điểm đầu vào cao, nhiều sinh viên không học nổi phải tự thôi học hoặc bị buộc thôi học.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải, cho biết cứ mỗi năm học lại có hàng ngàn sinh viên của trường bị cảnh báo lần 1 và lần 2, do kết quả học tập không đạt, và khoảng 600 sinh viên bị buộc thôi học.
Học tập sa sút, rối nhiễu tâm lý
Theo TS Chương, thực ra ngay với những sinh viên bị cảnh báo lần 1 đã không đủ điều kiện để tiếp tục học, nhưng nhà trường đặt ra các mức cảnh báo để sinh viên có thời hạn khắc phục. Những sinh viên không khắc phục được mới phải buộc thôi học.
Điều đáng nói, “trong số sinh viên bị cảnh báo và buộc thôi học, nhiều sinh viên từng có thành tích học tập xuất sắc thời phổ thông, từng là học sinh các trường THPT chuyên” – ông Chương chia sẻ.
Trường ĐH Giao thông vận tải từng có những sinh viên mới ngấp nghé ở “vòng nguy hiểm” đã rơi vào tình trạng rối nhiễu tâm lý.
“Có một sinh viên đạt điều kiện vào lớp chất lượng cao. Nhưng chỉ sau một thời gian, do kết quả học tập sa sút cùng áp lực của chương trình học khiến bạn này có dấu hiệu rối nhiễu tâm lý với những hành vi bất thường, mất tự chủ. Chúng tôi phải chuyển bạn ấy sang một ngành học nhẹ hơn và vẫn đang theo dõi” – ông Chương kể.
Tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, phòng đào tạo nhà trường thường xuyên phải cùng gia đình sinh viên giải quyết những trường hợp sinh viên bỏ học do nghiện game, học tập kém, tinh thần bạc nhược, trí nhớ giảm… Một số sinh viên còn rơi vào tình trạng trầm cảm phải đến bệnh viện điều trị.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền – trưởng phòng đào tạo ĐH, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trung bình mỗi năm học, tổng số trường hợp tự nguyện thôi học và bị buộc thôi học ở trường lên đến gần 1.000 sinh viên.
Nhiều thủ khoa đầu vào, sinh viên trong diện tuyển thẳng nhờ đoạt giải học sinh giỏi quốc gia ở phổ thông, nhưng khi vào ĐH lại có kết quả học tập không cao. Một số sinh viên trong diện này tụt dần và rơi vào “vòng nguy hiểm”, thậm chí có trường hợp sinh viên vốn đạt thành tích xuất sắc ở phổ thông nhưng nằm trong danh sách bị đuổi học!
Không thích nghi
Trong số sinh viên bị cảnh báo và buộc thôi học, nhiều sinh viên từng có thành tích học tập xuất sắc thời phổ thông, từng là học sinh các trường THPT chuyên”
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương (phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải)
“Trong những sinh viên không đạt điều kiện học tập đã đến mức phải buộc thôi học, trường vẫn cố gắng xem xét những trường hợp có một chút tiến bộ so với lần cảnh cáo 2, cho các em thêm thời gian để cố gắng.
Nhưng đáng tiếc là 80% trong số được gia hạn này không thể vượt qua khó khăn của bản thân. Cuối cùng, chúng tôi buộc phải thôi học các em” – TS Điền cho biết.
Theo phân tích của PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, do những bất cập trong giáo dục phổ thông nên những học sinh giỏi ở phổ thông, những sinh viên có điểm đầu vào ĐH cao chưa chắc đã có phương pháp học tập tốt, có khả năng đáp ứng yêu cầu học tập ở môi trường ĐH.
“Các học sinh trường chuyên vốn được ưu tiên nhiều thứ. Để tập trung cho môn chuyên đi thi, những em này thường được nâng đỡ các môn học khác. Vì thế, nhiều học sinh chuyên vào Trường ĐH Giao thông vận tải là những sinh viên khó thích nghi với yêu cầu và áp lực học tập mới.
Một phần do các em thiếu kỹ năng, kiến thức nền tảng, một phần do quen với tâm lý được ưu ái” – ông Chương nhận xét.
Trường ĐH Y Hà Nội là một trong số ít trường có những ngành tuyển sinh đầu vào với số điểm gần như tuyệt đối. Nhưng tình trạng sinh viên bị cảnh báo vì kết quả học tập sa sút, sinh viên bị áp lực tâm lý phải tạm ngừng hoặc ngừng hẳn học cũng xảy ra.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú – phó hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, hằng năm những trường hợp phải buộc thôi học chiếm khoảng 5-10% sinh viên toàn trường.
Bỏ học vì lựa chọn sai lầm
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Bùi Đức Triệu – trưởng phòng quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân – cho biết mỗi năm trường này phải áp dụng hình thức xử lý học tập ở nhiều mức cảnh báo khác nhau với hàng ngàn sinh viên.
Năm 2016 có đến 1.400 sinh viên bị áp dụng mức cảnh báo 1, cảnh báo 2 và khoảng 800 sinh viên bị xử lý ở mức buộc thôi học. Sang năm 2017, hiện có 400 sinh viên bị cảnh báo 1, cảnh báo 2 và khoảng 600 sinh viên phải áp dụng hình thức xử lý buộc thôi học.
Tuy nhiên, theo TS Triệu, phần đông sinh viên bị buộc thôi học tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân vì… “vỡ mộng”, hiểu ra ngành học mình chọn không thích hợp, không phải điều mình mong muốn.
Theo GS.TS Nguyễn Hữu Tú, có khá nhiều sinh viên khi vào trường mới biết mình không thích hợp với nghề bác sĩ, từ chỗ buông việc học tập đã dẫn đến bỏ học. Khi đối diện với sai lầm trong chọn nghề, nhiều sinh viên đã chấp nhận việc ngừng học để quay lại điểm xuất phát.
Nhiều trường buộc thôi học hàng trăm sinh viên
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), năm học 2016-2017 đã buộc thôi học hơn 500 sinh viên và cảnh báo học vụ khoảng 600 sinh viên. Trường ĐH Luật TP.HCM buộc thôi học 112 sinh viên và cảnh báo học vụ 66 sinh viên.
Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cũng vừa công bố danh sách 31 sinh viên bị buộc thôi học và 616 sinh viên bị cảnh báo học vụ học kỳ II năm học 2016-2017.
Mỗi năm, Trường ĐH Y dược TP.HCM buộc thôi học khoảng 100 sinh viên; Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM buộc thôi học khoảng 300 sinh viên các khóa.
Tháng 6-2016, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã có quyết định buộc thôi học 946 sinh viên (trước đó nhà trường đã cảnh báo học vụ với 1.937 sinh viên).
Tháng 4-2016, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cũng đã công bố danh sách 617 sinh viên các khóa (từ K37 đến K40) thuộc diện bị buộc thôi học và 666 sinh viên các khóa (từ K37 đến K41) bị cảnh báo học vụ.