11/01/2025

Chạy nước rút để bỏ hộ khẩu

Còn rất nhiều việc phải thực hiện để tiến tới bỏ sổ hộ khẩu và quản lý dân cư thuận lợi thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào năm 2020.

 

Chạy nước rút để bỏ hộ khẩu.

 Còn rất nhiều việc phải thực hiện để tiến tới bỏ sổ hộ khẩu và quản lý dân cư thuận lợi thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào năm 2020.

 

Chạy nước rút để bỏ hộ khẩu - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục về hộ khẩu tại Công an quận Bình Thạnh (TP.HCM) – Ảnh: HỮU KHOA

“Khi cơ quan công an triển khai việc thu thập thông tin dân cư, người dân nên khai thông tin thật chuẩn xác, nhanh chóng để phối hợp với cơ quan chức năng sớm hoàn thành khâu này. Nếu khâu thu thập này được thực hiện tốt, nhanh chóng thì sẽ giúp cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hiện thực hóa bỏ hộ khẩu, chứng minh nhân dân.”

Một lãnh đạo Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Công an TP.HCM (PC64) 

Theo đại tá Phùng Đức Thắng – phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72), nghị quyết về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng của Bộ Công an là một phần trong Đề án tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896). 

Đề án này được Chính phủ giao cho ban chỉ đạo đề án tiến hành từ năm 2013.

Trong đó, Bộ Công an và Bộ Tư pháp đóng vai trò chính trong việc thực hiện đề án. Bộ Công an sẽ thông qua hoạt động cấp số định danh cá nhân/căn cước công dân để tạo cơ sở cho dữ liệu quốc gia. Bộ Tư pháp thông qua hệ thống khai sinh trực tuyến thu thập dữ liệu bổ sung vào hệ thống dữ liệu này.

Theo đại tá Thắng, từ ngày 1-1-2016 đến nay, Bộ Công an đã cấp được hơn 5,5 triệu căn cước công dân/số định danh cá nhân. Tuy nhiên, việc cấp số định danh cá nhân đang có những vướng mắc, chưa được triển khai đồng bộ trên toàn quốc mà chỉ mới thực hiện trên 16 tỉnh, thành.

 

Một đại diện Bộ Tư pháp cho hay từ ngày 1-1-2016, bộ này đã triển khai khai sinh trực tuyến, phối hợp Bộ Công an cấp mã số định danh cho trẻ em theo Luật hộ tịch 2014. Hiện nay, mới có 12 tỉnh, thành đủ cơ sở vật chất để thực hiện việc này.

Bộ Tư pháp cũng xây dựng cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử để lưu giữ thông tin hộ tịch cá nhân (cùng với cơ sở dữ liệu giấy), kết nối để cung cấp thông tin hộ tịch cơ bản của cá nhân cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Theo đó, thông tin hộ tịch cá nhân sẽ được quản lý tập trung, thống nhất; các bộ, ngành, địa phương sử dụng thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ công tác quản lý của bộ, ngành, địa phương mình (mà không phải nhập lại), cũng như giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Đại tá Thắng cho biết Bộ Công an hiện đang tập trung nhân lực, vật lực để triển khai công tác thu thập thông tin dân cư. Sắp tới, cơ quan công an các địa phương sẽ tiến hành thu thập dữ liệu dân cư bằng phiếu thu thập thông tin về dân cư (họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, quê quán, nơi cư trú…). 

Sau khi thu thập xong sẽ tiến hành các bước so sánh, đối chiếu, cập nhật chuẩn xác, thống nhất dữ liệu. Tiếp theo mới tiến hành các bước đối chiếu các thủ tục hành chính có liên quan đến dữ liệu hộ khẩu, chứng minh nhân dân để bãi bỏ. 

Tiếp nữa là việc tổ chức kết nối đến tất cả các bộ ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị để thực hiện việc đơn giản hoá thủ tục hành chính cho người dân.

Mong không còn ai khổ vì hộ khẩu

Gần 3 năm sau khi ly hôn và đưa hai con nhỏ về sống với nhà ngoại tại Long An, chị K.A.M. vẫn chưa cắt được hộ khẩu tại quận 12, TP.HCM để nhập về nơi ở mới. Lý do là mẹ chồng không chịu đến công an quận để cắt hộ khẩu cho mẹ con chị, dù chị đã nhiều lần nhờ sự can thiệp của địa phương.

Hai con chị M. hiện bé lớn 5 tuổi, bé nhỏ 3 tuổi, do không có hộ khẩu nên phải học mẫu giáo tư thục xa nhà trong khi trường nhà nước ngay sát nhà mà không đăng ký học được.

Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, thượng tá Trần Văn Tâm – phó trưởng Công an quận 12 – cho hay sẽ giải quyết trường hợp chị M.. Thượng tá Tâm hướng dẫn chị M. gửi đơn yêu cầu cắt hộ khẩu, sau đó công an quận sẽ vận động chủ hộ đưa hộ khẩu ra.

Nếu chủ hộ không hợp tác, cơ quan công an sẽ lập biên bản. Nếu chủ hộ vẫn không hợp tác, công an quận vẫn sẽ giải quyết cắt hộ khẩu luôn theo yêu cầu của chị M., đồng thời lập biên bản xử phạt chủ hộ theo quy định.

“Tôi rất mừng vì lãnh đạo công an quận đã quan tâm giải quyết cắt hộ khẩu cho mẹ con tôi. Tôi nghe nói Chính phủ đã quyết định bỏ sổ hộ khẩu, đây là điều người dân chờ mong. Chắc sẽ mất một thời gian nữa việc bỏ sổ hộ khẩu mới được áp dụng. Tôi mong chờ sớm đến ngày đó để không còn ai phải chịu cảnh vất vả vì hộ khẩu giống như tôi vừa rồi” – chị M. nói.

ÁI NHÂN