12/01/2025

Gạo Việt đang lép vế trước gạo Cam, gạo Thái

Gạo Việt đang có nguy cơ mất dần thị phần, vị thế độc tôn ngay trên chính “sân nhà”, trước tiên là ở các kênh phân phối hiện đại.

 

Gạo Việt đang lép vế trước gạo Cam, gạo Thái.

 

Gạo Việt đang có nguy cơ mất dần thị phần, vị thế độc tôn ngay trên chính “sân nhà”, trước tiên là ở các kênh phân phối hiện đại.

 

Gạo Việt đang lép vế trước gạo Cam, gạo Thái - Ảnh 1.

Gạo nhập khẩu xuất hiện ngày càng nhiều – Ảnh: TR.MẠNH

Ngay cả để có nguyên liệu đảm bảo chất lượng cho việc sản xuất hàng xuất khẩu, nhiều nhà máy trong nước cũng phải nhập khẩu gạo của Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh… về chế biến.

Tò mò với gạo nhập

Hơn hai tháng qua, chị Nguyễn Thu Hà (quận 10, TP.HCM) trở thành khách quen của cửa hàng gạo trên đường Bạch Mã (quận 10) vì ở đây bán một loại gạo ngoại đặc sản. 

Chị Hà kể nghe người bạn cùng cơ quan nói có loại gạo thơm ngon, lại an toàn nên tò mò mua về thử. Ngay từ lúc nấu cơm, chị đã ấn tượng với loại gạo này vì hương thơm. 

 

Sau đó, cả nhà đều công nhận loại gạo mới cho cơm dẻo, mềm hơn hẳn, lại thêm thông tin loại gạo này được trồng mỗi năm một vụ, ít sử dụng phân thuốc, nên chị Hà chấp nhận mua dù giá cao hơn đến gần 50%.

Cũng như chị Hà, rất nhiều người tiêu dùng tại TP.HCM và các đô thị lớn đang quan tâm và sử dụng gạo ngoại, đơn cử như gạo của Campuchia, hầu hết đều với lý do: vị lạ, đặc biệt là yên tâm hơn với nỗi lo lâu năm về an toàn thực phẩm. 

Các đơn vị bán gạo Campuchia cũng tăng quảng bá yếu tố “trồng dài ngày và không hóa chất”.

Nếu như trước kia chỉ có vài cửa hàng nhỏ bán gạo ngoại, được đưa về Việt Nam qua đường biên mậu thì nay nhiều đơn vị kinh doanh gạo chuyên nghiệp đã nhảy vào, lập hẳn kênh phân phối cho gạo ngoại.

Chủ một cửa hàng gạo tại quận 11 cho hay không chỉ người thu nhập cao mới mua gạo ngoại, mà còn có cả người thu nhập thấp vì giá bán, như gạo Campuchia, chỉ 22.000-25.000 đồng/kg. 

Còn tại các siêu thị, trung tâm thương mại, gạo Thái Lan, Nhật… cũng dần phổ biến. Tại nhiều trang thương mại điện tử của các đơn vị, cá nhân, gạo ngoại cũng được rao bán ngày càng nhiều.

Ông Phạm Hoàng Lâm, tổng giám đốc Công ty cổ phần Hưng Lâm (An Giang), cho biết sau hơn 20 năm kinh doanh gạo trong nước, công ty đang chuẩn bị ra mắt hệ thống phân phối gạo Campuchia nhập khẩu chính thức tại Việt Nam. 

Công ty này cho hay cũng sẽ bán gạo Campuchia qua kênh online và điện thoại, giao hàng trên phạm vi toàn quốc. 

Ông Lâm đánh giá cao việc có nhóm khách hàng quan tâm tới chất lượng, hương vị cũng như độ an toàn của hạt gạo Phkar Romdoul.

Nhu cầu ăn ngon, không còn ăn no

Cũng theo ông Phạm Hoàng Lâm, Việt Nam có nhiều loại gạo ngon, nhưng do quá trình thâm canh mà các giống này gần như mai một. 

Lúa gạo Việt Nam chủ yếu là giống lai với thời gian trồng chỉ 100 ngày, chưa kể một bộ phận người dân sử dụng phân thuốc hóa học nhiều nên gạo Việt ngày càng bị đánh giá kém về chất lượng và hương vị.

Ngay cả các doanh nghiệp chế biến cũng vẫn có xu hướng “quay lưng” với gạo Việt. Nếu như gạo ngoại đang len lỏi vào từng bữa ăn thì những công ty sản xuất sản phẩm từ gạo phải sang tận Ấn Độ, Pakistan tìm mua gạo để đảm bảo chất lượng.

Bà Nguyễn Hoài Trang, giám đốc Công ty cổ phần Karst (TP.HCM), cho hay với nhiều đơn hàng bún, phở, bánh tráng… chất lượng cao, chỉ vài đơn vị trong nước làm được gạo có chứng nhận hữu cơ nhưng giá quá cao. 

“Chúng tôi đành phải lấy gạo nhập khẩu từ Pakistan và Ấn Độ vì số lượng ổn định. Nhập về đến Việt Nam giá vẫn còn thấp hơn trong nước”, bà Trang nói.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, cho hay thực tế gạo Campuchia, gạo ngoại ngày càng nhiều và phổ biến vì nhu cầu của người Việt nay đã khác, không chỉ để ăn no mà còn thưởng thức hương vị và chất lượng. 

Những loại gạo cao sản trồng trong ba tháng sử dụng nhiều phân thuốc, trồng khắp nơi ở Việt Nam đã không còn phù hợp…

Cho rằng không chỉ ở Việt Nam mà thị hiếu tiêu dùng trên thế giới đã thay đổi rất nhanh, theo ông Nghĩa, người ta ngày càng quan tâm đến gạo bản địa, các chứng nhận chất lượng toàn cầu. 

Tại Việt Nam cũng có một số cá nhân hay doanh nghiệp đã chuyển hướng theo nhu cầu trên, nhưng quy mô rất nhỏ và rất khó tránh phụ thuộc vào phân hóa học, hóa chất bảo vệ thực vật. 

“Nếu không thay đổi nhanh thì không chỉ lúa gạo, mà nông sản Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà”, ông Nghĩa cảnh báo.

A.H.