11/01/2025

APEC, động lực mới cho Việt Nam

Trao đổi của Tuổi Trẻ với ông Hoàng Văn Dũng, chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), về những điểm nhấn của sự kiện ngoại giao đa phương quy tụ lãnh đạo của 21 nền kinh tế này.

 

APEC, động lực mới cho Việt Nam.

 

Trao đổi của Tuổi Trẻ với ông Hoàng Văn Dũng, chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC), về những điểm nhấn của sự kiện ngoại giao đa phương quy tụ lãnh đạo của 21 nền kinh tế này.

 

 

APEC, động lực mới cho Việt Nam - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội nghị Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) diễn ra sáng 5-11 tại Đà Nẵng – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

 

Lợi ích của việc bảo hộ sẽ không bằng việc hợp tác, bởi vì càng giảm hàng rào thuế quan thì thương mại càng phát triển, tạo công ăn việc làm, đóng thuế, tạo phồn vinh và năng động của nền kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương
Ông Hoàng Văn Dũng

Ông Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh: “Sự kiện APEC tổ chức trên sân nhà sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, đúng như chủ đề Năm APEC 2017: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

Hôm nay (6-11), Tuần lễ cấp cao các nhà lãnh đạo APEC – sự kiện quan trọng nhất năm APEC 2017 khai mạc tại Đà Nẵng. 

Có quyết sách đúng, sẽ phát triển gấp 10 lần

* Đâu là những lợi ích thiết thực mà doanh nghiệp (DN), người dân nhận được từ sự kiện APEC tổ chức trên sân nhà thưa ông?

 

– Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là học được kinh nghiệm của thế giới trong việc xây dựng thể chế. 

Chúng ta muốn phát triển nhanh thì phải có hệ thống pháp luật minh bạch rõ ràng, môi trường thuận lợi nhất cho DN, đặc biệt là khu vực tư nhân, tạo ra sân chơi bình đẳng giữa DN nhà nước và tư nhân, giữa DN trong nước và nước ngoài. DN có quyền kiện chính phủ và các công ty ra toà án quốc tế nếu DN của họ bị ảnh hưởng.

Hợp tác trong khuôn khổ APEC còn giúp DN Việt Nam học hỏi được kinh nghiệm quản lý, thu hút công nghệ, phương cách tổ chức, qua đó tạo thuận lợi cho việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đặc biệt, đây là kỷ nguyên của công nghệ số, công nghệ thương mại, Internet của vạn vật. Đó là cơ hội tuyệt vời cho các DN nhỏ và vừa để học hỏi, tiếp cận tìm hiểu các đối tác trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Không dễ gì một lúc có hơn 1.000 DN hàng đầu của thế giới vào Đà Nẵng để cùng bàn thảo và hợp tác.

Ngoài ra, APEC cũng là cơ hội để thúc đẩy hợp tác công tư, nhằm thu hút vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài cho phát triển cơ sở hạ tầng ở Việt Nam. Nếu chúng ta có chính sách đúng và có luật pháp đảm bảo cho nhà đầu tư thì ta có thể thu hút vốn.

Và trên hết, sự kiện APEC tổ chức trên sân nhà sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước trong thời gian tới, đúng như chủ đề Năm APEC 2017: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.

* Hơn 2.000 DN trong nước và nước ngoài đăng ký tham gia Hội nghị thượng đỉnh DN APEC 2017, đây là số lượng đăng ký lớn nhất từ trước đến nay. Đâu là những cơ hội cho Việt Nam?

– Hội nghị thượng đỉnh DN lần này thu hút đông đảo DN tham gia nhất. Đó là những lãnh đạo của các DN, tập đoàn lớn của Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Nga, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… trong đó có những cái tên nổi bật như Jack Ma của Trung Quốc, bà Sheryl Sandberg (giám đốc vận hành của Facebook), ông Scott Price (phó chủ tịch điều hành của Walmart International)…

Việt Nam là đất nước đang phát triển với gần 100 triệu dân và là cửa ngõ của khối ASEAN, chính trị ổn định, nguồn nhân lực trẻ… đó là cơ hội tiềm năng đầu tư rất lớn đối với các DN nước ngoài.

Một điểm khác tôi muốn nhấn mạnh là cơ hội hợp tác chuyển giao công nghệ mới. Ví dụ Uber, Grab không sở hữu chiếc taxi nào nhưng mỗi năm vẫn kiếm lợi nhuận hàng tỉ USD. Những công nghệ mới này rất quan trọng đối với Việt Nam. Việt Nam cần tận dụng cơ hội do cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại để tiến nhanh hơn.

Tôi nghĩ với tiềm năng, nguồn nhân lực của Việt Nam như hiện nay, nếu Chính phủ có quyết sách đúng, chúng ta dễ dàng phát triển gấp 10 lần. Chính sách đúng phải có sự tham gia, góp ý của DN từ khâu xây dựng chính sách đến việc chính sách có đi vào thực tiễn cuộc sống hay không.

APEC, động lực mới cho Việt Nam - Ảnh 3.

Sau bức thư kêu gọi của chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ngày 5-11 nhiều người dân đã xuống đường dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác chuẩn bị cho ngày khai mạc Tuần lễ cấp cao APEC – Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Xóa bỏ hàng rào thuế quan

* Thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư trong các nền kinh tế APEC là một trong những nội dung trọng tâm của diễn đàn. Tuy nhiên có vẻ như quá trình tự do hóa thương mại của APEC đang bị cản trở bởi xu hướng chủ nghĩa biệt lập và bảo hộ đang gia tăng trên thế giới?

– Tất cả các nước đều nhận thấy rằng xoá bỏ hàng rào thuế quan và tạo thuận lợi nhất cho hợp tác đầu tư, kinh doanh mang lại lợi ích thiết thực cho DN và người dân trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Đặc biệt, mọi người rất mong muốn thực hiện mục tiêu Bogor, FTAAP và nhất là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Mặc dù Mỹ rút khỏi TPP, nhưng 11 nước thành viên kinh tế còn lại đều nhận thấy đây là một thành quả tốt cần được tiếp tục duy trì. Trong cuộc gặp tuần lễ tới, chúng ta tiếp tục yêu cầu đẩy mạnh và thông qua TPP 11 nước thành viên và rất hi vọng Mỹ sẽ quay lại tham gia sau này.

Chúng tôi muốn chứng minh cho lãnh đạo các nền kinh tế thấy rằng càng mở cửa, càng thúc đẩy hợp tác thì kinh tế trong khu vực phát triển, đời sống người dân được tăng cao. Đó chính là lợi ích. 

Lợi ích của việc bảo hộ sẽ không bằng việc hợp tác, bởi vì càng giảm hàng rào thuế quan thì thương mại càng phát triển, tạo công ăn việc làm, đóng thuế, tạo phồn vinh và năng động của nền kinh tế trong khu vực. 

Thực tế chứng minh nền kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương là năng động nhất thế giới bởi vì chúng ta mở cửa. Việt Nam mở cửa hội nhập trong 30 năm qua đã mang lại những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế.

* Ông có nói ABAC rất quan tâm đến mô hình DN sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính. Ông có thể nói rõ hơn?

– Phải nói 97% DN trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương là nhỏ và vừa, siêu nhỏ. APEC là khu vực phát triển kinh tế rất năng động của thế giới. Chúng ta đang sống trong môi trường cạnh tranh cùng phát triển. 

Trong 28 năm hoạt động của APEC, đã đưa được GDP bình quân của các nền kinh tế lên hơn 5 lần, đưa thuế xuất nhập khẩu trong khu vực từ 17% xuống còn 5,2% và đưa khoảng 700 triệu người ra khỏi nhóm đói nghèo.

Vừa qua ABAC đã xây dựng một báo cáo gồm 20 khuyến nghị liên quan đến cộng đồng DN để gửi lên các nhà lãnh đạo xem xét trong tuần lễ cấp cao diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11-11. 

Các khuyến nghị của DN tập trung vào 3 vấn đề chính, bao gồm: 1. Dỡ bỏ hàng rào bảo hộ, thuế quan, đẩy mạnh hội nhập kinh tế trong khu vực, nhất là khu vực mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP).

2. Hỗ trợ DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận nguồn vốn, khoa học công nghệ và hợp tác để cùng phát triển và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. 3. Đào tạo nguồn nhân lực cao, tiếp thu khoa học công nghệ.

Ông Nguyễn Minh Vũ (phó trưởng ban thường trực Ban thư ký quốc gia APEC 2017):

Nâng cao vị thế một Việt Nam đổi mới

untitled-2 copy

 

Có thể thấy, đăng cai APEC 2017 và tuần lễ cấp cao tạo cơ hội rất tốt về nhiều mặt cho đất nước, trong đó có khía cạnh đối ngoại. Đây là cơ hội để chúng ta tăng cường quan hệ với các đối tác lớn, có quan hệ mật thiết, cũng như các đối tác giàu tiềm năng khác như một số nước ở khu vực Mỹ Latin.

Điều này chắc chắn sẽ góp phần phục vụ thiết thực các lợi ích của đất nước và nâng cao vị thế của một Việt Nam đổi mới, năng động và giàu tiềm năng trong mắt các đối tác và bạn bè quốc tế.

Đăng cai tốt Năm APEC 2017, tạo uy tín với bạn bè quốc tế còn tạo nền tảng tốt để ta thực hiện các trọng trách quốc tế quan trọng khác trong những năm tới, đặc biệt là việc đảm nhiệm vai trò chủ tịch ASEAN 2020 và ứng cử vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Nhà báo Nobuhiro Okuma (trưởng văn phòng Hãng tin Kyodo News, Nhật Bản tại Hà Nội):

Nhiều sự kiện chúng tôi rất quan tâm

untitled-1 copy

 

Chúng tôi rất quan tâm đến Tuần lễ cấp cao APEC ở Đà Nẵng. Chủ đề quan tâm nhất của Kyodo News là số phận của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chúng tôi muốn theo dõi xem các nước có kết thúc đàm phán về TPP 11 thành viên (không có Mỹ) hay không.

Chúng tôi cũng rất quan tâm đến sự kiện Tổng thống Mỹ Donald Trump tham dự APEC và thăm Việt Nam. Đây là chuyến thăm khu vực châu Á – Thái Bình Dương đầu tiên của ông ấy. Chúng tôi muốn biết chính sách của chính quyền Trump với khu vực này như thế nào nhân chuyến thăm này.

Ngoài ra, chúng tôi cũng rất quan tâm đến sự có mặt của Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại APEC cũng như vấn đề bán đảo Triều Tiên sẽ được bàn thảo ra sao.

Q.TR. ghi

Ông Takimoto Koji (trưởng đại diện của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản – JETRO tại TP.HCM):

Tự do hoá để thúc đẩy thương mại và đầu tư

untitled-3 copy

 

Đến nay, Nhật Bản là một trong những nhà đầu tư lớn vào Việt Nam. Tính đến tháng 10-2017, Nhật Bản đã đầu tư hơn 45,9 tỉ USD, chiếm 14,8% tổng vốn FDI của Việt Nam.

Nếu như trước đây các nhà đầu tư Nhật tập trung vào lĩnh vực sản xuất như may mặc, gia công cơ khí, lắp ráp điện tử… thì hiện đang có xu hướng các nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội trong các ngành dịch vụ như bán lẻ, giáo dục, bất động sản… tập trung ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Trong năm 2017 tiếp tục ghi nhận những dự án lớn từ Nhật Bản như dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, tổng vốn đầu tư 2,793 tỉ USD với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất (thuần) khoảng 1.200 MW.

Một dự án khác là dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỉ USD với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn tại Kiên Giang.

Chúng tôi tin rằng tự do hoá là cách tốt nhất để thúc đẩy thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều hạn chế mà chúng ta nên loại bỏ để thúc đẩy thương mại và đầu tư hơn nữa.

NHƯ BÌNH ghi


 

QUỲNH TRUNG