10/01/2025

Đãi ngộ công bằng sẽ xoá áp lực biên chế giáo dục

Lương thấp so với các ngành nghề khác trình độ tương đương nên giáo viên có xu hướng bỏ việc khi tìm được công việc với mức lương và phúc lợi cao hơn.

 

Đãi ngộ công bằng sẽ xoá áp lực biên chế giáo dục.

Lương thấp so với các ngành nghề khác trình độ tương đương nên giáo viên có xu hướng bỏ việc khi tìm được công việc với mức lương và phúc lợi cao hơn. Để giữ chân giáo viên, điều quan trọng không chỉ biên chế mà chính là chế độ đãi ngộ công bằng, đặc biệt cho những người giỏi.




 

Để giữ chân giáo viên, đặc biệt bậc mầm non, nhiều địa phương tìm chế độ hỗ trợ đặc biệtẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH.

 

Vượt qua tâm lý biên chế
Một trong những chỉ tiêu tổng quát của Nghị quyết số 19 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá 12 là đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn và hiệu quả; giảm mạnh đầu mối, khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải và trùng lắp; tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức.
Ngành giáo dục và đội ngũ nhà giáo được xem là đối tượng chịu tác động nhiều nhất của nghị quyết này khi chiếm tới 52% biên chế sự nghiệp của cả nước, 70% ngân sách cho quỹ lương khối sự nghiệp. Ngành giáo dục cũng dùng tới khoảng 80% ngân sách nhà nước cấp để trả lương.
Là một trường công lập tự chủ, bà Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), chia sẻ: “Câu chuyện biên chế trong giáo dục ảnh hưởng rất lớn tới quyết định gắn bó của giáo viên (GV) trong quá trình tìm kiếm việc làm, đặc biệt là các GV trẻ. Vì vậy, nhà trường luôn quan tâm đến vấn đề biên chế hay hợp đồng để bình ổn tâm lý, giúp GV yên tâm công tác. Việc mời chào của các trường dân lập, việc thi tuyển công chức của các trường công trong địa bàn Hà Nội có ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý của đội ngũ GV giỏi. Điều mà chúng tôi quan tâm là tạo tâm lý được làm việc, được cống hiến và được ghi nhận vì có giá trị, để xóa tan áp lực biên chế của hầu hết GV giỏi đang làm việc trong trường”.
 
 
Tìm cách hỗ trợ GV mầm non
Từ thực tế, chính sách dành cho GV còn nhiều hạn chế trong khi mỗi năm TP.HCM thiếu khoảng 500 GV, Sở GD-ĐT đã đề xuất nhiều kế hoạch để UBND trình HĐND thông qua nhằm thu hút và giữ chân GV. Đó là chương trình nhà ở xã hội cho GV, chế độ hỗ trợ thêm 3 năm đối với GV mầm non mới ra trường được tuyển dụng, bắt đầu từ năm học 2017 – 2018 đến năm học 2019 – 2020 theo Nghị quyết 113/NQ-HĐND của HĐND TP.HCM. Bên cạnh đó là các giải pháp như cho vay ưu đãi không trả lãi cho sinh viên vào học ngành sư phạm mầm non, tuyển dụng không yêu cầu hộ khẩu. Đặc biệt, HĐND đã chính thức thông qua và áp dụng đề án thu hút và giữ chân GV mầm non với kinh phí hơn 250 tỉ đồng/năm tập trung vào chuyện tăng thu nhập, giảm giờ làm, chính sách đãi ngộ và thu hút giáo sinh mới ra trường…  
Bích Thanh

 

Theo bà Thu Anh, tương tự như các ngành nghề khác, tính cạnh tranh trong giáo dục rất cao. Nhìn chung, lương của GV thấp so với các ngành nghề khác có trình độ tương đương. GV có xu hướng bỏ việc khi tìm được công việc với mức lương và phúc lợi cao hơn. “Sự ổn định, cùng với các điều kiện làm việc ngày càng được cải thiện là yếu tố hấp dẫn. Được tăng lương, tăng phúc lợi là mục đích để GV phấn đấu”, bà Thu Anh cho hay.

Tạo động lực cho giáo viên phấn đấu
Giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề nghị: “Trong lúc nước ta còn hạn hẹp về tài chính thì cần biết chọn đúng hướng đầu tư. Hãy chọn đầu tư vào con người là ưu tiên số 1. Cùng với yếu tố vật chất là tạo môi trường làm việc sao cho GV vừa có động lực tự do sáng tạo, vừa được bồi dưỡng phát triển nghề nghiệp”.
Phát biểu tại Quốc hội ngày 2.11, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, đại biểu Quốc hội, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Long, đề nghị Chính phủ sớm ban hành chính sách cải cách tiền lương sao cho vừa với sức cống hiến của nhà giáo, phải tạo động lực cho đội ngũ an tâm công tác và thực hiện đổi mới. Từ Nghị quyết T.Ư 2 khoá 8 đến Nghị quyết 29 T.Ư 8 khoá 11 đều khẳng định lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
“Chúng ta nói nhiều về vấn đề này, nhưng chưa có động thái cụ thể. Theo quy định về chế độ tiền lương hiện tại, mỗi nhà giáo đi từ bậc lương thấp nhất đến bậc cao nhất trong ngạch lương của mình là 24 năm đối với GV mầm non và tiểu học, 30 năm đối với GV THCS, 27 năm đối với GV THPT. Lương GV mầm non và tiểu học từ bậc 1 là 1.86 đến bậc 12 là 4.06 với mức lương cơ bản hiện tại thì trong 24 năm công tác không tăng đáng kể, chỉ tăng khoảng 2,8 triệu đồng. Rõ ràng điều này khó trở thành động lực cho nhà giáo phấn đấu và chưa song hành với mục tiêu đổi mới. Vì vậy, tôi đề nghị song song với quá trình triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, cần đưa các chính sách về nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục vào quá trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục trong năm 2018, cũng như sớm đưa luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019”, bà Thanh nói.
Hãy tính đủ sức lao động cho GV
Trong một lần trả lời báo chí về chế độ, chính sách với nhà giáo, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó chủ tịch nước, chỉ rõ: “Trước mắt, hãy cứ thực hiện công bằng, tính đủ sức lao động cho người thầy. Công chức, viên chức làm việc 8 giờ/ngày. Người thầy ngoài giờ lên lớp còn phải chấm bài, soạn giáo án… Vậy, hãy tính đủ sức lao động cho họ. Chưa cần nói gì đến việc ưu ái hơn nhưng trước mắt cứ tính cho công bằng đã. Cũng cần thiết phải cải cách quản lý, phải làm sao để GV làm việc có mức độ vì họ còn gia đình, cuộc sống riêng. Hãy làm tốt những vấn đề nhà nước đã đặt ra như thâm niên, phụ cấp dạy thêm giờ, sĩ số lớp… Rồi sau đó hãy đặt tới vấn đề đưa lương của GV đứng đầu trong bảng lương sự nghiệp”.
Tuyết Mai


 

Tuệ Nguyễn