28/11/2024

Tăng trưởng ‘thật kỳ lạ’: Thấp cao đều đột ngột

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phản ánh ý kiến cử tri: Tăng trưởng giữa các quý lên xuống không theo logic thông thường, rơi thì “tự do”, tăng thì “thần kỳ”.

 

Tăng trưởng ‘thật kỳ lạ’: Thấp cao đều đột ngột.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phản ánh ý kiến cử tri: Tăng trưởng giữa các quý lên xuống không theo logic thông thường, rơi thì “tự do”, tăng thì “thần kỳ”.

 

 

Phát biểu tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội của Quốc hội sáng nay 31-10, uỷviên thường trực Uỷ ban Tài chính  ngân sách Quốc hội Hoàng Quang Hàm phân tích những điểm bất hợp lý trong tăng trưởng và chi tiêu ngân sách.

Đại biểu Hàm cho biết, nhiều cử tri cho rằng số liệu tăng trưởng các quý gần đây không hợp lý, các năm gần đây tăng trưởng quý 1 thấp, nhưng các quý sau cao dần và đến quý 3, quý 4 thường rất cao, sau đó đến quý 1 năm sau lại giảm rất nhanh và đột ngột.

Đột ngột tăng cao, đột ngột hạ thấp

“Lý do thường được đưa ra là quý 1 dịp Tết sản xuất giảm sút là không thuyết phục vì sẽ được tiêu dùng, du lịch bù đắp. Nếu nói rằng do quy trình ngân sách trong năm, quý 1 giải ngân ít cũng không thuyết phục, vì quý 1 có thể giảm chi đầu tư nhưng các khoản chi khác vẫn phải chi”, ông Hoàng Quang Hàm nói.

“Hơn nữa, chi tiêu ngân sách chỉ tác động một phần đến tăng trưởng. Sản xuất cũng không thể đình trệ trên diện rộng khiến GDP rơi tự do như vậy. Thật kỳ lạ”.

Đại biểu Phú Thọ lấy dẫn chứng năm 2017, chỉ số GDP quý 1 rất thấp, tăng lên trong quý 2, đến quý 3 tăng ngoạn mục và quý 4 thì dự báo còn tăng cao hơn.

“Với số liệu như thế, cử tri cho rằng nếu tăng trưởng tốt, không có nghi vấn gì, thì tăng trưởng đó có nhiều điểm bất hợp lý, trái với logic thông thường, cần được Chính phủ làm rõ và có giải pháp khắc phục ngay, không để tình trạng này xảy ra ở quý 1 năm 2018”, ông Hàm nói.

Tăng trưởng thật kỳ lạ: Thấp cao đều đột ngột - Ảnh 2.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm: Vay đảo nợ làm nợ chồng lên nợ – Ảnh: Quochoi.vn

Vay nợ mới, trả nợ cũ

Đề cập đến dự toán ngân sách 2018, đại biểu Hàm phân tích: “Chúng ta dành 80.000 tỉ đồng bố trí cho các công trình quan trọng quốc gia nhưng đã 3 năm vẫn chưa bố trí được vào kế hoạch sử dụng vốn”. 

Đại biểu dẫn chứng: Dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành đang báo cáo Quốc hội dự án khả thi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhưng chưa bố trí được vốn trong năm 2018.

Hai chương trình mục tiêu quốc gia là nông thôn mới và giảm nghèo bền vững sau 3 năm chỉ bố trí được hơn 37.000 tỉ đồng, đạt 36% mức tối thiểu được phê duyệt trong 3 năm, nên khó đạt mục tiêu. 

“Việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế khó đảm bảo. Nhiều chính sách phát triển đồng bào dân tộc, vùng núi không đảm bảo nguồn lực thực hiện. Trong khi đó, ngân sách trung ương 3 năm liền hụt thu”, ông Hàm lo ngại.

Trong khi đó, bội chi cao, nợ công sát trần nhưng kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Nợ công dự báo đến năm 2020 khoảng 4,2 triệu tỉ đồng, trả lãi vay hàng năm bình quân 100.000 tỉ đồng, chiếm 7-8% tổng chi ngân sách nhà nước.

“Thu ngân sách trung ương khó khăn, rơi vào tình trạng phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 cũng chưa thoát ra được tình trạng này. Tình trạng chi tiêu ngân sách đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn ngân sách và nợ công”, đại biểu Phú Thọ nói.

Theo ông Hoàng Quang Hàm, Chính phủ cần kịp thời có giải pháp thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán đúng biên chế được giao, đẩy nhanh thực hiện cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công… 

“Chính sách tài chính cần phải thực hiện nghiêm theo hướng tăng thu, tiết kiệm chi và ưu tiên trả nợ”, uỷ viên Uỷ ban Tài chính – ngân sách Quốc hội nhấn mạnh.

LÊ KIÊN