28/11/2024

APEC 2014: Bắc Kinh đã thay màu bầu trời như thế nào?

Chuyện kể rằng lúc Trung Quốc làm chủ nhà tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhìn lên bầu trời Bắc Kinh, nét mặt thoáng chút trầm ngâm…

 

APEC 2014: Bắc Kinh đã thay màu bầu trời như thế nào?

Chuyện kể rằng lúc Trung Quốc làm chủ nhà tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) năm 2014, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhìn lên bầu trời Bắc Kinh, nét mặt thoáng chút trầm ngâm…

  •  

APEC 2014: Bắc Kinh đã thay màu bầu trời như thế nào? - Ảnh 1.

Bầu trời trong và xanh ngắt của Bắc Kinh trong những ngày diễn ra Hội nghị cấp cao APEC 2014 – Ảnh: Tân Hoa xã

“Những ngày này việc đầu tiên tôi làm mỗi sáng là kiểm tra chất lượng không khí Bắc Kinh – Tân Hoa xã dẫn lời ông Tập nói với các nhà lãnh đạo dự hội nghị APEC 2014 – Tôi hi vọng tình trạng khói bụi sẽ không quá tồi tệ và các vị khách quý sẽ cảm thấy thoải mái khi ở đây”.

Chuyện cũng kể rằng từ sau hội nghị cấp cao APEC được tổ chức ở Bắc Kinh năm đó, giới thời trang có thêm một màu mới: “Màu xanh APEC”. Nó cũng trở thành từ khoá được tìm kiếm nhiều nhất trong năm tại Trung Quốc, theo Nhân Dân Nhật Báo.

“Thay màu” bầu trời Bắc Kinh, một ngày tháng

10-2014, bầu trời xám xịt, xa xa các toà nhà cao tầng mờ mờ ảo ảo tưởng như được bao phủ trong làn sương sớm. 

 Hôm ấy, một kỷ lục đã được thiết lập – chỉ số chất lượng không khí (AQI) theo chuẩn Trung Quốc đạt 470 điểm, vượt mức… “ô nhiễm nghiêm trọng” gần 200 điểm.

Bắc Kinh, lại một ngày khác tháng 11 năm đó, bầu trời trong xanh lạ thường, đường phố thưa thớt xe cộ, chẳng nối đuôi nhau chạy. Ai đã gột rửa hay thay thế bầu trời Bắc Kinh? Không phải, là do hôm đó ông Tập họp cấp cao APEC cùng 20 nhà lãnh đạo khác.

Thật ra, “màu xanh APEC” không phải xuất phát từ biểu trưng của diễn đàn hay biểu trưng của APEC năm 2014 ở Trung Quốc. Nó chỉ đơn giản là màu xanh của bầu trời Bắc Kinh trong những ngày diễn ra cấp cao APEC.

Và để có được màu xanh tự nhiên ấy, một chiến dịch rầm rộ đã được phát động từ cấp cao nhất đến từng cán bộ cấp thấp. Mọi chuyện đã thay đổi chỉ trong vòng một tháng.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường khi ấy trở thành “tổng tư lệnh” của chiến dịch tìm lại bầu trời xanh cho APEC.

Phó thủ tướng Trương Cao Lệ được giao nhiệm vụ trực tiếp giám sát và chỉ đạo chiến dịch từ thủ đô Bắc Kinh, thành phố Thiên Tân đến các tỉnh Sơn Tây, Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam và cả vùng Nội Mông xa xôi.

Tổng cộng, một lực lượng hơn 434.000 cán bộ đã được huy động, bằng mọi giá phải giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí xuống mức có thể chấp nhận được. 

Hơn 60.000 nhà máy công nghiệp, 123.000 xí nghiệp bị đặt vào diện giám sát. Kết quả, 10.000 nhà máy bị buộc phải ngừng sản xuất vì gây quá nhiều ô nhiễm, 39.000 nhà máy phải cắt giảm giờ hoạt động.

Cuối cùng thì sau một loạt các văn bản, công văn chỉ đạo dội xuống liên tục của ông Tập và ông Lý, đầu tháng 11-2014 thủ đô Bắc Kinh cũng đã có được 11 ngày ít ô nhiễm nhất so với 5 năm trước đó. 

Thống kê của Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc cho thấy trong vòng ba ngày diễn ra hội nghị cấp cao APEC, trung bình mỗi ngày ít nhất 11,7 triệu phương tiện giao thông bị buộc phải “nằm nhà” để hạn chế khí thải ô nhiễm.

Chiến dịch “tìm lại bầu trời” rầm rộ mà Bắc Kinh phát động năm 2014, một lần nữa lại nhắc người ta nhớ về những nỗ lực tương tự khi nước này tổ chức Thế vận hội mùa hè năm 2008.

Bộ mặt quốc gia

Câu chuyện Trung Quốc tại APEC 2014 là một minh chứng điển hình cho nỗ lực cải thiện hình ảnh quốc gia trước thềm sự kiện lớn. 

Đó không phải là chuyện riêng của Trung Quốc bởi nó luôn nhận được sự chia sẻ từ nhiều nền kinh tế thành viên APEC khác.

Năm 2015, chính quyền Manila của Philippines đã cho các công chức nghỉ việc một tuần để dồn sức chuẩn bị cho hội nghị cấp cao APEC diễn ra tại nước này. Ngoài công tác an ninh, các nỗ lực dọn dẹp cảnh quan, trang hoàng cũng được thực hiện triệt để.

Khoảng vài trăm người vô gia cư lang thang trên các đường phố trung tâm Manila được dời đi nơi khác. 

Các biện pháp đảm bảo an ninh cho các nhà lãnh đạo APEC được đẩy lên mức cao nhất. Cư dân sống trong các tòa nhà cao tầng ở những nơi phái đoàn đi qua được yêu cầu đóng kín cửa sổ, kéo rèm che và được cảnh báo không nên đứng ngoài bancông nếu không muốn rắc rối.

Không dễ để tặng quà cho VIP

Đối với nhiều người dân, được thấy các nhân vật quyền lực của thế giới bằng xương bằng thịt ngoài đời luôn là điều hấp dẫn.

Nhưng Julia Castro, một nhà thiết kế người Peru, còn muốn nhiều hơn thế.

Người phụ nữ này đã một phen khiến lực lượng an ninh Peru “đứng hình” khi cố gắng lách qua hàng rào và đưa một thứ gì đó cho Tổng thống Nga Vladimir Putin khi ông tới Peru dự nghị cấp cao APEC 2016.

Tất nhiên, nỗ lực thất bại và Julia bị dẫn giải về đồn cảnh sát. Hóa ra thứ mà bà muốn đưa cho ông Putin là một chiếc áo len tự đan như một món quà cho người mà bà ngưỡng mộ.

Người phụ nữ này sau đó được thả nhưng trong lòng vẫn canh cánh hi vọng chiếc áo sẽ đến tay người bà muốn tặng.

Câu chuyện của bà Castro khi đó đã nhận được sự chú ý của truyền thông Nga.

Cuối cùng, với sự giúp đỡ của một nhà báo Nga, chiếc áo đã đến được tay ông Putin.

 

BẢO DUY