10/01/2025

Tơ lụa đi đâu, để con tằm lên bàn nhậu…

Khi con tằm không còn ươm tơ dệt lụa mà được bán cho các quán nhậu làm mồi, còn những cỗ máy bị đập bỏ thì làm sao kiếm được những chiếc khăn lụa “Made in Vietnam”.

 

Tơ lụa đi đâu, để con tằm lên bàn nhậu…

 Khi con tằm không còn ươm tơ dệt lụa mà được bán cho các quán nhậu làm mồi, còn những cỗ máy bị đập bỏ thì làm sao kiếm được những chiếc khăn lụa “Made in Vietnam”.

 
Video tạm dừng

Ông Trương Văn Dũng – đội trưởng đội sản xuất tơ tằm HTX NN Duy Trinh, Duy Xuyên, Quảng Nam –

Ở Quảng Nam, những làng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa bên dòng Thu Bồn có tuổi đời hàng trăm năm nhưng nay như một thung lũng hoang vắng, chỉ vì hàng Trung Quốc có giá rẻ phân nửa ồ ạt tràn vào. 

Sáng 27-10, chúng tôi về làng Đông Yên, xã Duy Trinh, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, nổi tiếng một thời với nghề trồng dâu nhưng chứng kiến cảnh khoai sắn thay cho dâu tằm. 

Ông Nguyễn Triều, một người dân làng Đông Yên, cho biết chừng hơn 10 năm trước cả làng ai cũng làm nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhưng rồi từ ngày hàng Trung Quốc ồ ạt nhập về, hàng lụa dệt của làng không cách nào cạnh tranh nổi. 

“Giá hàng lụa Trung Quốc rẻ bằng nửa nên các cơ sở sản xuất lụa của làng phá sản, nghề trồng dâu nuôi tằm chết dần. Đến nay cả làng chỉ có mấy hộ trồng dâu cho vơi nỗi nhớ nghề chứ về kinh tế thì không hiệu quả, chẳng nuôi đủ gia đình”, ông Triều nói. 

Ông Trương Văn Dũng, đội trưởng đội sản xuất dâu tằm Hợp tác xã nông nghiệp Duy Trinh, cho biết trước đây nhà nào cũng trồng dâu nhưng nay thì chả ai còn tha thiết với nghề nữa. 

Ông Dũng nói rằng bây giờ dân làng trồng dâu nuôi tằm không phải nhằm dệt lụa mà để bán tằm cho mấy quán nhậu vì hiệu quả kinh tế khá hơn. 

“Chúng tôi cũng tiếc nuối nghề ươm tơ dệt lụa của cha ông nhưng không tài nào cạnh tranh nổi với hàng Trung Quốc. Không biết bên Trung Quốc lụa họ làm bằng chất liệu gì mà nhập về bán rẻ khiếp như vậy”, ông Dũng nói.

Về làng Đông Yên (xã Duy Trinh) và Mã Châu (thị trấn Nam Phước) của huyện Duy Xuyên những ngày này, câu chuyện nghề trồng dâu nuôi tằm chỉ còn là ký ức. 

Nằm cạnh bên làng Đông Yên, làng dệt lụa Mã Châu ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên có truyền thống mấy trăm năm giờ cũng vắng vẻ, vắng tiếng thoi đưa. 

Con đường vào làng dệt hưng thịnh một thời vang danh khắp xứ giờ là nơi các cụ già ngồi bán hàng xén kiếm cơm. 

Nửa trưa, tiếng búa chan chát trong mồ hôi và nước mắt đập vào các máy dệt tháo sắt đem đi cân ký, khung cửi thì chẻ ra để đun lửa.

Tơ lụa đi đâu, để con tằm lên bàn nhậu... - Ảnh 3.

Người dân làng dệt Mã Châu tháo máy dệt đem bán sắt vụn – Ảnh: TẤN VŨ

Làng Mã Châu vào thời điểm thịnh nhất là cuối thập niên 1980, khi đó có đến 6.000 khung cửi. Nhưng rồi, từ năm 1990 trở đi, lụa Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam, có giá cực rẻ, chỉ bằng nửa so với lụa Mã Châu. Vậy là cạnh tranh không nổi. Cả làng dệt Mã Châu điêu đứng, mấy trăm máy dệt chạy cầm chừng.

Ông Nguyễn Thanh Hải, người dệt lụa

Ông Nguyễn Thanh Hải, một gia đình có truyền thống dệt lụa mấy đời ở làng Mã Châu, nói thời điểm dệt lụa thịnh hành nhất của làng rơi vào cuối những năm 1980 của thế kỷ trước. 

Do thua lỗ không thể cứu vãn được nên từ năm 2016 người dân bắt đầu tháo máy để bán. Đến  đầu năm 2017 thì cả làng ồ ạt đập bỏ máy móc để bán củi và sắt vụn.

Tơ lụa đi đâu, để con tằm lên bàn nhậu... - Ảnh 5. 

Người dân đập bỏ máy dệt mang đi bán sắt vụn – Ảnh: TẤN VŨ

Ông Nguyễn Công Dũng, chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho biết trước đây mỗi năm sản xuất đến 50-60 triệu mét vuông vải, giờ chỉ làm cầm chừng còn độ chưa tới 10 triệu mét vuông.

Do hoạt động sản xuất bị ngừng trệ nên nhiều người phải chuyển qua ngành nghề khác để làm vì “không thể sống nổi” với nghề. 

Theo ông Dũng, huyện cũng đã tìm cách kêu gọi nhà đầu tư để chuyển đổi mô hình, nhằm giúp khôi phục làng nghề ở Mã Châu. 

“Đã có một nhà đầu tư Việt Nam kết hợp với Nhật Bản khôi phục nghề truyền thống với mô hình phát triển du lịch, dịch vụ. Chúng tôi hi vọng rằng mô hình trồng dâu nuôi tằm, dệt vải sẽ hình thành nên một chuỗi du lịch trên con đường di sản Hội An – Mã Châu – Mỹ Sơn”.

 

HỮU KHÁ – TẤN VŨ