28/11/2024

Tham vọng biến Tân Cương thành California

Giới khoa học Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hoá ý tưởng xây đường hầm dài 1.000 km để dẫn nước từ cao nguyên Tây Tạng về sa mạc ở Tân Cương.

Tham vọng biến Tân Cương thành California.

Giới khoa học Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hoá ý tưởng xây đường hầm dài 1.000 km để dẫn nước từ cao nguyên Tây Tạng về sa mạc ở Tân Cương.


 

 

Sa mạc Taklimakan ở Tân Cương, Trung Quốc  /// Ảnh: AFP

Sa mạc Taklimakan ở Tân Cương, Trung QuốcẢNH: AFP.

Hơn 100 nhà khoa học được chia thành nhiều nhóm khác nhau đang tiến hành nghiên cứu thực địa phục vụ cho dự án đầy tham vọng nói trên. Lâu nay, đã có nhiều ý tưởng đưa nước từ Tây Tạng tới Tân Cương, nhưng suốt 2 thế kỷ qua, điều này vẫn chưa thành hiện thực bởi chi phí khổng lồ cùng những thách thức về kỹ thuật, lo ngại về môi trường và sự phản đối của các nước láng giềng. Theo tờ South China Morning Post, kế hoạch xây đường hầm đã được đệ trình chính phủ vào tháng 3.2017. Dù chưa có quyết định phê duyệt chính thức nhưng chuyên gia Trương Truyền Khánh tại Viện Khoa học Trung Quốc cho biết các bước chuẩn bị đang được tiến hành.
Hồi tháng 8, chính quyền Trung Quốc cho khởi công xây dựng đường hầm dài 600 km với chi phí khoảng 78 tỉ nhân dân tệ (hơn 266.000 tỉ đồng) tại tỉnh Vân Nam để làm thí điểm. Đường hầm Vân Nam sẽ chạy qua những ngọn núi cao vài ngàn mét so với mực nước biển và nằm trên khu vực địa chất không ổn định. Giới phân tích nhận định việc xây dựng đường hầm ở Vân Nam sẽ giúp thử nghiệm công nghệ và trang thiết bị cần thiết cho dự án đường hầm Tây Tạng – Tân Cương. Theo ông Trương, trong vòng 5 – 10 năm nữa, Trung Quốc sẽ có đủ nguồn lực cả về tài chính và công nghệ để bắt đầu xây dựng đường hầm đầy tham vọng, được thiết kế để làm đổi hướng dòng chảy của sông Yarlung Tsangpo ở phía nam Tây Tạng và mang nước về sa mạc Taklimakan ở Tân Cương. Theo tính toán, đường hầm có khả năng mang 10 – 15 tỉ tấn nước mỗi năm từ sông Yarlung Tsangpo về sa mạc Taklimakan.
Tham vọng biến Tân Cương thành California1

Lược đồ vị trí sông Yarlung TsangpoNGUỒN: CHỤP TỪ SCMP

Về mặt địa lý, Tân Cương bị chắn bởi sa mạc Gobi ở phía bắc và sa mạc Taklimakan ở phía nam, khiến 90% diện tích vùng tự trị này trở nên rất khó phát triển kinh tế – xã hội. Trong khi đó, sa mạc Taklimakan lại nằm ngay dưới chân cao nguyên Tây Tạng, nơi được coi là tháp nước của châu Á. Theo giới chuyên gia Trung Quốc, nếu đưa được nước từ Tây Tạng về, Tân Cương có thể trở thành một California thứ hai. Vào đầu thế kỷ 20, California cũng lâm vào tình trạng thiếu nước trầm trọng nhưng nhờ dự án Thung lũng trung tâm được khởi xướng năm 1933 chuyển nước từ bắc California đến thung lũng San Joaquin, nơi đây đã chuyển mình thành một trong những đô thị phát triển nhất thế giới.
Tuy nhiên, chi phí để xây dựng đường hầm Tây Tạng – Tân Cương được dự đoán sẽ lên tới ít nhất 1 tỉ nhân dân tệ cho 1 km, theo chuyên gia Trương. Mặt khác, Yarlung Tsangpo là tên gọi phần thượng nguồn của sông Brahmaputra bắt nguồn từ Tây Tạng chảy qua lãnh thổ Ấn Độ trước khi đổ vào Bangladesh. Lâu nay, Ấn Độ luôn rất lo ngại và phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc tác động vào con sông này, thậm chí coi đây là một loại vũ khí để gây sức ép của Bắc Kinh. Vì thế, chắc chắn New Delhi sẽ không ngồi yên trước dự án khổng lồ nói trên.
Vũ khí dữ liệu thuỷ văn
Trong bài phân tích trên trang Project Syndicate, chuyên gia Ấn Độ Brahma Chellaney cảnh báo tình trạng Trung Quốc cố tình “ém” dữ liệu thủy văn để gây áp lực cho các quốc gia hạ nguồn. Theo ông, những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng xây dựng đập thượng nguồn và tác động đến dòng chảy của các con sông chảy qua nhiều nước. Số đập ở Trung Quốc hiện nhiều hơn số đập của tất cả quốc gia khác trên thế giới cộng lại và điều này gây quan ngại sâu sắc cho các nước hạ lưu sông Mê Kông, Nepal, Kazakhstan hay Ấn Độ. Đặc biệt, Bắc Kinh gần đây có dấu hiệu không chia sẻ với New Delhi thông tin thủy văn về các con sông bắt nguồn từ Tây Tạng và chảy qua Ấn Độ, khiến nước này gặp nhiều thách thức trong việc dự báo lũ lụt. Ông Chellenay cho rằng đây là một trong những lý do khiến dù lượng mưa năm nay ở đông bắc Ấn Độ, nơi sông Brahmaputra chảy qua, dưới mức trung bình hằng năm, vùng này vẫn hứng chịu lũ lụt chưa từng có kèm theo hậu quả nặng nề.
Hành động này bị cho là vi phạm thoả thuận song phương đến năm 2018 mới hết hạn về việc Trung Quốc phải chuyển cho Ấn Độ thông tin hằng ngày (có thu phí) về khí tượng và thuỷ văn tại 3 trạm quan trắc sông Brahmaputra đoạn chảy qua Tây Tạng vào mùa lũ, từ 15.5 – 15.10 hằng năm. Ban đầu, phía Bắc Kinh giải thích rằng những trạm này “đang được nâng cấp”, nhưng sau đó tờ Hoàn Cầu thời báo nói thẳng hành động không cung cấp dữ liệu liên quan tới giai đoạn căng thẳng dâng cao giữa 2 nước tại khu vực cao nguyên Doklam kéo dài từ tháng 6 – 8 vừa qua.
Khánh An


 

Ngọc Mai