10/01/2025

Lãng phí đất công gây thất thoát lớn cho ngân sách TP.HCM

Trong khi nguồn lực đất đai đang khan hiếm thì nhiều khu đất vẫn bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, gây thất thoát lớn cho ngân sách TP.HCM.

 

Lãng phí đất công gây thất thoát lớn cho ngân sách TP.HCM.

 

Trong khi nguồn lực đất đai đang khan hiếm thì nhiều khu đất vẫn bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả, gây thất thoát lớn cho ngân sách TP.HCM.


Đó là diện tích của 88 khu đất đã được TP.HCM thu hồi và tiếp nhận trong năm 2016, trong số 108 khu đất với tổng diện tích hơn 212ha đã lập thủ tục đấu giá, thu hồi. Còn lại 20 khu đất với diện tích hơn 8ha đang xử lý thu hồi để đem đấu giá, làm quỹ đất đối ứng cho các dự án hợp tác công – tư.

 

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên – môi trường TP.HCM, rất nhiều quỹ đất công trên địa bàn TP.HCM cho các doanh nghiệp thuê bị sử dụng lãng phí hoặc được các đơn vị này cho thuê lại để kiếm lời. Nhiều khu đất khác bị bỏ hoang, sử dụng không đúng mục đích…

Cho thuê bán bia!

Trong đợt giám sát công tác quản lý, sử dụng và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, ông Cao Thanh Bình, phó Ban kinh tế – ngân sách HĐND TP.HCM, đã chỉ rõ bất cập trong việc cho thuê đất công lãng phí tại khu đất số 97 Quang Trung, phường 8 (Q.Gò Vấp). 

Khu đất này rộng hơn 18.000m2 được Công ty Dược liệu trung ương 2 thuê để đầu tư xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm, cửa hàng, văn phòng làm việc và nhà kho với giá thuê là 7.700 đồng/m2, trong thời hạn 50 năm. 

 

Tổng giá thuê đất là 142 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, sau đó công ty này lại hợp tác với hai đơn vị bên ngoài để mở nhà hàng ăn uống, thu lợi hàng tỉ đồng/năm.

Sau khi có phản ánh của Ban kinh tế – ngân sách HĐND TP, Sở Xây dựng cho biết hiện trạng khu đất Công ty Dược liệu trung ương 2 đang sử dụng có diện tích hơn 18.400m2. 

Trong đó, công ty trực tiếp sử dụng 12.490m2 làm nhà kho, văn phòng làm việc, nhà xe, sân; phần diện tích gần 6.000m2 công ty đã ký hai thỏa thuận hợp tác kinh doanh để xây dựng nhà hàng ẩm thực 45 và nhà hàng bia tươi Mahalo.

Điều đáng nói, để “hợp thức hóa” việc cho thuê, Công ty Dược liệu trung ương 2 đã có văn bản gửi UBND Q.Gò Vấp xin sửa chữa, cải tạo nhà kho, văn phòng làm việc cũ làm căngtin, nhà nghỉ, nhà vệ sinh, nhà xe phục vụ công nhân và được UBND Q.Gò Vấp chấp thuận. 

Thế nhưng, sau khi tiến hành cải tạo xong, các phần kho của công ty lại trở thành nhà hàng ẩm thực, bia hơi.

Ngoài ra, nhiều khu đất công còn được cho thuê với giá rẻ như bèo. Tại Q.6, Công ty Dịch vụ công ích quận đang tạm quản lý giữ hộ 132 mặt bằng. 

Trong đó, hầu hết các mặt bằng được đem cho thuê với các mục đích như làm chành xe khách, làm kho kinh doanh nước giải khát sỉ và lẻ, cho thuê sản xuất nhựa, dập lồng quạt máy, mở quán cơm, kinh doanh vàng… theo đơn giá cho thuê sản xuất kinh doanh cách nay hàng chục năm.

Đất đã thu hồi nhưng vướng dân

Nhiều doanh nghiệp tự bố trí cho công nhân viên làm nhà ở trên khuôn viên đất đang quản lý không đúng thẩm quyền, gây nhiều khó khăn trong công tác thu hồi đất. Các hộ dân này yêu cầu phải được bồi thường mới di dời, với mức bồi thường rất cao. 

Như khu đất 97/2/19 Kinh Dương Vương, P.12 (Q.6) rộng 1.051m2 hiện là nơi trú ngụ của 15 hộ gia đình. Họ vốn là công nhân của Nhà máy phụ tùng máy nổ số 2 Biên Hòa (Đồng Nai), được nhà máy cho vào ở. 

Có một vài hộ cũng mua lại của công nhân nhà máy (bằng giấy tay) gần 30 năm trước và ở tới tận bây giờ. 

Các hộ dân đã nhiều lần đề nghị được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không được giải quyết. Nguyện vọng của những hộ ở đây là được Nhà nước hóa giá, hoặc được hỗ trợ tái định cư.

Lãng phí đất công gây thất thoát lớn cho ngân sách TP.HCM - Ảnh 3.

Đây là khu đất có diện tích lớn trong số 11 khu đất mà Sở Tài nguyên – môi trường đưa vào danh sách nhà đất đã thu hồi nhưng còn vướng các hộ dân. 

Trong số đó, khu đất số 762 Xô Viết Nghệ Tĩnh (P.27, Q.Bình Thạnh) do Công ty Phân bón miền Nam quản lý, rộng gần 5.000m2, đã được sở tiếp nhận từ tháng 9-2014. 

Ngoài ra, các khu đất 983m2 ở 46 Phú Châu (P.Tam Phú, Q.Thủ Đức); khu nhà đất ở 161 Phan Đăng Lưu (P.1, Q.Phú Nhuận) cũng còn vướng các hộ dân đang sinh sống nên chưa thể thu hồi.

Trong đợt báo cáo với HĐND TP.HCM mới đây, đại diện Sở Tài nguyên – môi trường cho hay theo quy định, các doanh nghiệp phải tự di dời các hộ dân nhưng thực tế không đơn vị nào thực hiện.

Quản lý lỏng lẻo

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên – môi trường, hiện TP có 746 khu đất chưa có pháp lý để sử dụng đất và được giao cho các cơ quan nhà nước quản lý. 

Ngoài ra, TP còn có 224 khu đất công do các đơn vị sử dụng đất khác đang quản lý sử dụng cũng chưa có pháp lý sử dụng đất, trong đó nhiều khu đang bị sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang gây lãng phí, nhiều nơi bị người dân chiếm giữ đất trái phép.

Trong khi đó, các doanh nghiệp được giao quản lý trước đây do công tác quản lý lỏng lẻo dẫn đến tình trạng chồng lấn ranh đất, bị lấn chiếm, chiếm giữ trái phép, ảnh hưởng rất nhiều đến công tác thu hồi đất. 

Riêng các trường hợp thu hồi đất theo quyết định 09/2007, đa số các doanh nghiệp bị thu hồi đất không thực thi quyết định thu hồi và yêu cầu phải hoàn trả chi phí đầu tư trên đất mới bàn giao mặt bằng. 

Do vậy, công tác thu hồi kéo dài nhiều năm hoặc trên khu đất đã bố trí cán bộ viên chức làm nhà ở nên ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ thu hồi đất.

Kiên quyết thu hồi

Theo ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, để quản lý, sử dụng hiệu quả đất công cần phải thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp. 

Thứ nhất, Quốc hội cần phải thông qua luật công sản để quản lý tốt quỹ đất công. 

Thứ hai, thống nhất quản lý về mặt đầu mối. Đất đai thuộc quản lý của ngành tài nguyên – môi trường nhưng thực tế ở địa phương có nhiều đơn vị được giao các khu đất công để quản lý. 

Thứ ba, cần có cơ chế đấu thầu để khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài sản công, chủ yếu là quỹ đất mặt bằng. 

Thứ tư, khi tính toán giá trị tài sản để giao cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhà nước, phải tính toán đúng giá trị đất công được giao.

Theo ông Hoàng Minh Trí – nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đối với những doanh nghiệp đã được giao đất nhưng không đủ năng lực triển khai dự án hoặc những doanh nghiệp thuê đất nhưng lại sử dụng không đúng mục đích, cho thuê lại để thu lợi… cần phải kiên quyết thu hồi. 

Quỹ đất thu hồi đó TP sẽ đấu giá tài sản cho các đơn vị khác khai thác hiệu quả. Khi đó, nguồn lực đất đai của TP mới được sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí như hiện nay.

Đại diện Sở Tài chính TP.HCM cho hay sắp tới trong quá trình rà soát, nếu phát hiện quỹ đất công nào bị bỏ hoang, sử dụng sai mục đích, không hiệu quả thì đề xuất để thu hồi. 

Với các quỹ đất thuộc thẩm quyền quản lý của trung ương, sở sẽ báo cáo Bộ Tài chính làm việc với các cơ quan chủ quản để có phương án thu hồi. 

Đối với các quỹ đất đơn vị quản lý giao cho cán bộ công chức ở nay Nhà nước thu hồi nhưng nhiều đơn vị cố tình không thực hiện, TP.HCM yêu cầu chuyển giao nguyên trạng để xử lý.

TIẾN LONG – MAI HOA