10/01/2025

Để giáo viên về hưu không phải rơi nước mắt

Đi dạy 37 năm, đóng bảo hiểm 22 năm, khi về hưu chỉ nhận được 1,3 triệu đồng/tháng. Cô Lan khóc, đồng nghiệp của cô cũng khóc.

 

Để giáo viên về hưu không phải rơi nước mắt.

 

Đi dạy 37 năm, đóng bảo hiểm 22 năm, khi về hưu chỉ nhận được 1,3 triệu đồng/tháng. Cô Lan khóc, đồng nghiệp của cô cũng khóc.

 

Để giáo viên về hưu không phải rơi nước mắt - Ảnh 1.

Cô Trương Thị Lan – giáo viên Trường mầm non Lê Duẩn, xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) rơi nước mắt khi nhận quyết định về hưu với mức lương hưu 1,3 triệu/tháng – Ảnh: VĂN ĐỊNH

Đó là những giọt nước mắt buồn cho phận làm nghề “gõ đầu trẻ”, buồn vì đồng lương ít ỏi, buồn vì mấy ai hiểu nỗi lòng nhà giáo mầm non nghỉ hưu.

“Sống sao được với 1,3 triệu đồng?”

Khi biết chuyện cô Lan, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phải thốt lên: “Một đời đi dạy, về hưu 1,3 triệu đồng, sống sao được?”. Tôi và có lẽ nhiều nhà giáo nghĩ về nội hàm của cụm từ “sống sao được”.

Không chỉ nghĩ về nghĩa đen của từ ấy, không chỉ bức xúc vì ngần ấy lương hưu sao sống qua ngày, giáo giới chúng tôi còn nghĩ nhiều về cuộc sống vất vả lúc đứng lớp với áp lực nặng nề đến từ quản lý, sách giáo khoa, những cuộc thi, những lần kiểm tra, đánh giá.

 

 

Đâu chỉ ngần ấy áp lực, còn những trách móc, chỉ trích nặng nề ở trường, ngoài xã hội và trên “phây” đến từ phụ huynh, học sinh và nhiều giới nữa. Lúc nghỉ hưu, được cởi trói áp lực thì lòng lại trĩu nặng bởi đồng lương hưu không đủ cho cá nhân đảm bảo cuộc sống tối thiểu, rồi bệnh tật…

Bộ trưởng Nhạ cho biết đã làm việc với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về sửa đổi Luật giáo dục, về thang bảng lương của thầy cô để tương xứng với vị trí và nhiệm vụ được giao. 

Cũng theo ông, kỳ họp Quốc hội tháng 5-2018 sẽ cho ý kiến và kỳ họp tháng 10-2018 Quốc hội sẽ thông qua những vấn đề trên. Tôi thầm nghĩ vậy thì đến lúc đó thầy cô đang đứng lớp và nghỉ hưu sẽ phải vun vén cuộc sống riêng tư để “sống sao được”!

Giả sử Luật giáo dục sửa đổi được Quốc hội thông qua, sau đó là hướng dẫn thực hiện của Chính phủ, rồi từ đây luật về đến các địa phương cũng phải qua năm 2019. Vậy giải pháp cho những năm trước mắt, ngành GD-ĐT làm gì với tinh thần “lá lành đùm lá rách”?

Một số đề xuất để cải thiện thu nhập cho nhà giáo

1. Mạnh dạn phân cấp cho các trường phổ thông công lập được tự chủ về tài chính, giúp các trường “cứu” được kịp thời giáo viên của mình. 

Có thể thực hiện nhanh chóng với những trường đóng trên địa bàn thuận lợi. Nghĩa là ngân sách chi thường xuyên cho từng ấy trường được chuyển sang cho các trường đóng tại vùng kinh tế đặc biệt khó khăn. Một chủ trương đạt được hai mục đích.

2. Nhanh chóng làm việc với cấp ủy, chính quyền tỉnh (thành phố) trực thuộc trung ương (trên cơ sở có sự đồng thuận về chủ trương của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ) để thay đổi khung học phí hiện nay theo hướng nơi khó khăn được hỗ trợ, nơi có điều kiện thì học phí phải tính đúng – đủ. Nguồn thu từ học phí sẽ góp phần quan trọng cải thiện lương nhà giáo.

3. Xây dựng quỹ tương trợ theo cụm trường gắn với địa bàn xã (phường) nếu là trường mầm non, tiểu học, THCS; và gắn với địa bàn huyện (thị xã, thành phố) nếu là trường THPT. Có thể mở rộng, liên kết giữa các trường – các địa phương (nơi thuận lợi và nơi khó khăn) nhằm giúp nhà giáo nói chung và nhà giáo khó khăn nói riêng.

Ngoài việc đóng góp của công chức, viên chức, người lao động thuộc ngành giáo dục, có thể vận động các cá nhân, tổ chức ngoài ngành GD-ĐT tham gia quỹ. Việc quản lý quỹ tương trợ minh bạch, đúng mục đích, phát triển theo hướng xã hội hoá sẽ góp phần giải quyết khó khăn trước mắt cho giáo viên đứng lớp và giáo viên khó khăn nghỉ hưu.

4. Cấp phòng, sở, Bộ GD-ĐT triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí – tham nhũng. Nếu thực hiện được sẽ có một khoản kinh phí không hề nhỏ dùng vào việc hỗ trợ phát triển giáo dục, giúp những giáo viên về hưu không phải nhận đồng lương còm cõi.

ĐẠI DƯƠNG