10/01/2025

Cuộc đua kiểm soát trí não Mỹ – Liên Xô

Các tài liệu mới giải mật cho thấy chính phủ Mỹ từng tin rằng Liên Xô có khả năng tấn công và kiểm soát đầu óc con người từ xa.

 

Cuộc đua kiểm soát trí não Mỹ – Liên Xô.

 

Các tài liệu mới giải mật cho thấy chính phủ Mỹ từng tin rằng Liên Xô có khả năng tấn công và kiểm soát đầu óc con người từ xa.




 

Mỹ và Liên Xô từng chạy đua phát triển vũ khí kiểm soát trí não con ngườiREUTERS.

 

Trong hồ sơ năm 1972 tựa đề “Tấn công kiểm soát hành vi”, Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ (DIA) cảnh báo về nguy cơ Liên Xô phát triển thành công biện pháp thôi miên, thâm nhập giấc mơ và điều khiển ý nghĩ con người ở cách xa 1.000 m.
DIA còn mô tả chi tiết một số vụ việc minh chứng cho khả năng “dùng ánh sáng và màu sắc làm thay đổi hành vi con người”, một kiểu kiểm soát trí não của đối phương, theo Hãng tin Sputnik.
Ánh sáng đỏ nguy hiểm
“Nhiều báo cáo cho thấy hoạt động nháy đèn bất thường từ tàu chiến và máy bay quân sự của Liên Xô. Hoạt động này diễn ra trùng vào thời điểm tàu và máy bay do thám của Mỹ lẫn các thành viên NATO khác đang tiến hành các chiến dịch trinh sát”, theo DIA. Trong một số trường hợp, binh sĩ bị “mù tạm thời” và mất phương hướng do cường độ ánh sáng, màu sắc thay đổi liên tục.
Vào năm 1968, một thủy thủ trong ca trực đêm trên tàu ngầm Anh HMS Valiant đã bị mù tạm thời do ánh sáng phát ra từ tàu khu trục lớp Kotlin của Liên Xô. Khi thị lực hồi phục, người này kể ông nhìn thấy phía tàu Liên Xô nháy đèn liên tục đổi màu từ đỏ sang xanh và cả xanh lá cây với cường độ khác nhau. Sau đó, các phi công chiến đấu cơ F-102 của Mỹ tiếp tục báo cáo về việc máy bay Liên Xô nhiều lần sử dụng đèn nháy cường độ cao trong năm 1970. Giới chức DIA kết luận những vụ việc như thế cho thấy “Liên Xô có thể dùng ánh sáng để thay đổi hành vi người khác và đây là điều đáng lưu ý giữa lúc họ đang đẩy mạnh nghiên cứu về kiểm soát trí não”.
Thật ra biện pháp dùng ánh sáng để tác động thị lực quân địch là không mới và được lực lượng nhiều nước sử dụng trong 2 cuộc thế chiến. Tuy nhiên, báo cáo của DIA cho rằng hoạt động dùng đèn nháy có mối liên hệ với chương trình nghiên cứu phát triển vũ khí kiểm soát trí não. “Moscow có thể tiến thêm một bước từ làm loạn thị giác đến hệ thống ám thị thôi miên để kiểm soát hành vi con người”, cơ quan này nhận định và chỉ ra rằng màu chủ đạo của Liên Xô là ánh sáng đỏ vốn có thể tạo cảm giác căng thẳng, khó chịu và bất an.
Cuộc đua kiểm soát trí não Mỹ - Liên Xô1

Nhiều bệnh nhân Mỹ bị bí mật thử nghiệm LSD trong khuôn khổ chương trình MKUltraẢNH: TƯ LIỆU

Điều khiển ý nghĩ từ xa
Tình báo Mỹ cũng bày tỏ lo ngại trước năng lực “thôi miên từ xa” của Liên Xô. Theo DIA, trong những cơ sở tuyệt mật ở Leningrad và thủ đô Moscow, các chuyên gia Liên Xô nỗ lực phát triển thiết bị sóng điện từ có thể thôi miên và can thiệp vào giấc mơ của đối tượng mục tiêu ở cách xa hơn 1 km. Tài liệu vừa giải mật dẫn lời một nhà tâm lý học hàng đầu Liên Xô tuyên bố đã “xâm nhập thành công và điều khiển được đối tượng thử nghiệm thông qua biện pháp thôi miên”.
“Dù Liên Xô chưa từng hé lộ bất kỳ thông tin nào, nhưng tiến sĩ Nga Stefan Manczarski từ lâu đã nổi tiếng trong giới về nghiên cứu năng lực đọc cũng như thao túng suy nghĩ của con người dựa trên can thiệp sóng điện não. Liệu công nghệ này ngày nào đó có thể trở thành công cụ kiểm soát diện rộng và gây ảnh hưởng khắp thế giới?”, hồ sơ viết.
“Khả năng thôi miên và ngoại cảm giúp mở rộng chiến dịch tuyên truyền của Liên Xô. Nước này có thể kiểm soát từ xa một số cá nhân, điều khiển họ đi trộm tài liệu mật hoặc phá hoại thiết bị quân sự. Khi nhiệm vụ hoàn thành thì cá nhân đó không hề hay biết mình đã làm gì”, các chuyên gia thuộc DIA nhận định.
 
 
Theo trang Wire, Bộ An ninh nội địa Mỹ (DHS) từng cân nhắc mua công nghệ từ Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong tâm lý học (PRI) ở thủ đô Moscow của Nga. Tiền thân của cơ sở này là trung tâm phát triển vũ khí kiểm soát trí não thời Liên Xô. Nhà sáng lập PRI Igor Smirnov đã có thời gian cố vấn và định bán công nghệ mang tên SSRM Tek cho Cục Điều tra liên bang (FBI) và DHS để phục vụ công tác thẩm vấn nghi phạm khủng bố nhưng bất thành. Về cơ bản, hệ thống SSRM Tek hoạt động dựa trên một phần mềm máy tính phân tích những thay đổi trong tâm lý của đối tượng khi người này được cho xem nhiều hình ảnh khác nhau để từ đó đánh giá mọi dấu hiệu bất thường. Công nghệ này được quảng cáo là có thể khiến một người tự làm lộ thông tin cố che giấu mà không cần phải tra tấn.
Sau khi ông Smirnov qua đời vào năm 2005, vợ ông là nhà nghiên cứu Elena Rusalkina tiếp quản PRI và bà khẳng định giờ đây Viện chỉ tập trung vào “trị liệu tâm lý”. Wire dẫn lời bà Rusalkina cảnh báo thêm cuộc chạy đua điều khiển trí não thậm chí còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân.

 

Ác mộng MKUltra

Thật ra, Mỹ cũng không ngồi yên mà từ năm 1953, Cơ quan Tình báo trung ương (CIA) đã ráo riết tiến hành dự án bí mật mang tên MKUltra, chuyên thử nghiệm tác động của thuốc gây ảo giác và thuốc an thần với mục đích biến con người thành những cỗ máy dễ dàng bị điều khiển. Theo sách The CIA and Mind Control (tạm dịch: CIA và tham vọng kiểm soát đầu óc) của học giả John Marks, trong gần 2 thập niên, CIA chi gần 20 triệu USD thuê các nhà nghiên cứu tại hơn 30 trường đại học tiến hành các thí nghiệm bí mật với những người bình thường mà không có sự đồng ý của họ. Loại thuốc chủ yếu được sử dụng là thuốc gây ảo giác LSD mà nhà hóa học người Thụy Sĩ Albert Hofmann tổng hợp năm 1938.
Đặc biệt, trong thập niên 1960, hoạt động thử nghiệm bắt đầu mở rộng đến bệnh viện, trường học, trung tâm hoạt động xã hội… được ngụy trang bằng những chương trình thử nghiệm các loại thuốc chữa bệnh tâm lý. Chưa hết, CIA cho thiết lập nhiều tụ điểm bí mật khắp TP.San Francisco rồi tuyển dụng gái bán hoa dụ dỗ khách đến, cho họ nốc rượu và LSD để đắm mình vào những cuộc thác loạn điên cuồng trong khi đặc vụ CIA bí mật quan sát, ghi hình. Đến năm 1973, do không nhận thấy kết quả cụ thể nào trong khi nguy cơ bị Nhà Trắng và quốc hội phát hiện ngày càng tăng, CIA quyết định chấm dứt dự án MKUltra. Giám đốc Richard Helms ra lệnh tiêu huỷ toàn bộ hồ sơ, nhưng chương trình vẫn bị tờ The New York Times phanh phui vào năm 1974, dẫn đến một cuộc điều tra sâu rộng. Đến nay vẫn chưa thể xác định cụ thể số nạn nhân bị biến thành vật thí nghiệm và hầu như không có lãnh đạo cấp cao nào của CIA bị xét xử.
Chưa hết, trong thư ngỏ gửi 180 cơ quan truyền thông năm 1999, nhà nghiên cứu Mỹ Judy Wall cho rằng quân đội nước này từng triển khai máy bay EC-130E phát sóng điện từ để làm ảnh hưởng tâm trí binh lính Iraq trong Chiến tranh vùng Vịnh. Tháng 3.1991, Đài ITV (Anh) từng đưa tin về việc nhiều quân nhân Iraq bỗng dưng trở nên trầm cảm, chán nản và đào ngũ hàng loạt.
Từ những nội dung vừa được Lầu Năm Góc giải mật, nhà nghiên cứu Serge Kernbach thuộc Trung tâm trí tuệ nhân tạo và môi trường ở TP.Stuttgart (Đức) ước tính Mỹ lẫn Liên Xô đều đã chi khoảng 1 tỉ USD mỗi nước hướng tới mục tiêu “có thể ngăn chặn tự do ý chí của một con người ở mức độ tiềm thức để gieo rắc ý nghĩ sai lệch về thực tế”. Cuộc đua có thể vẫn tiếp tục sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc. Theo ông Kernbach, hiện vẫn còn 500 chuyên gia trong lĩnh vực này làm việc tại Nga. Về phần Mỹ, hồi tháng 6.1995, ông Michael Persinger, thành viên dự án phát triển vũ khí không sát thương của hải quân, khẳng định: “Khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu bộ não người mà không cần thông qua tác động trực tiếp hoàn toàn có thể thực hiện được”.

 

Phúc Duy