10/01/2025

Tràn lan hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt

Không chỉ nhập hàng từ Trung Quốc về bỏ mác “Made in China” gắn xuất xứ hàng Việt để tiêu thụ, có nhiều sản phẩm Trung Quốc 100%, được người mua đặt cơ sở sản xuất gắn luôn mác “Made in Vietnam” trước khi đưa về VN.

 

Tràn lan hàng Trung Quốc ‘đội lốt’ hàng Việt.

Không chỉ nhập hàng từ Trung Quốc về bỏ mác “Made in China” gắn xuất xứ hàng Việt để tiêu thụ, có nhiều sản phẩm Trung Quốc 100%, được người mua đặt cơ sở sản xuất gắn luôn mác “Made in Vietnam” trước khi đưa về VN.




Dễ dàng bắt gặp nhiều sản phẩm may mặc Trung Quốc "đội lốt" hàng Việt ở các chợ  /// Ảnh: Ngọc Dương

Dễ dàng bắt gặp nhiều sản phẩm may mặc Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt ở các chợẢNH: NGỌC DƯƠNG.

Từ dệt may, gạch men cho đến trái cây, rau củ…


Tràn lan hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt - ảnh 1
Đã có không ít nhà sản xuất Việt, làng nghề truyền thống Việt lặng lẽ “qua đời” bởi thảm họa hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Tràn lan hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt - ảnh 2

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp

Thông tin từ Cục Hải quan TP.HCM cho biết, từ tháng 6.2017 đến nay đã phát hiện và bắt giữ hơn 13 lô hàng áo quần, giày dép, phụ kiện, máy in… của 5 doanh nghiệp (DN) nhập khẩu được gắn mác xuất xứ “Made in Vietnam”. Đặc biệt, nhiều mặt hàng thời trang mang thương hiệu nổi tiếng hoặc dạng hàng xuất khẩu đều gắn “Made in Vietnam” nhưng lại được nhập từ Trung Quốc. Theo cơ quan chức năng, những lô hàng này thường được nhập vào VN dạng tạm nhập, tái xuất qua Campuchia, Lào hoặc “trà trộn” rồi tuồn vào tiêu thụ trong nước. Quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, năm 2016, đơn vị này cũng phát hiện, bắt giữ hàng trăm sản phẩm quần áo giả thương hiệu Việt Tiến để bày bán tại các cửa hàng áo quần tại TP.Biên Hoà, được khai là hàng nhập từ Trung Quốc.

Không chỉ hàng may mặc, rất nhiều ngành hàng khác cũng tình trạng tương tự. Tháng 6.2016, Cục Điều tra chống buôn lậu phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phát hiện gần 5.000 thùng gạch men được nhập từ Trung Quốc song qua kiểm tra, toàn bộ trên bao bì sản phẩm ghi nhãn hiệu R.P, được sản xuất tại khu công nghiệp Mỹ Xuân A (Bà Rịa-Vũng Tàu) của Công ty gạch men H.G. Tuy nhiên, DN này khẳng định không có bất cứ mối quan hệ gì với đối tác ở Trung Quốc và cũng chưa từng xuất khẩu mặt hàng nhãn hiệu R.P vào thị trường này. Kế đó, cuối năm 2016, Chi cục Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 3 cũng phát hiện 7 container gạch men do một công ty thương mại vận tải tại TP.HCM nhập khẩu từ Trung Quốc, trên bao bì sản phẩm lại ghi “Made in Vietnam”. Sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, mời lên làm việc, DN này lại có công văn gửi ngược lại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 từ chối nhận hàng, với lý do đối tác gửi nhầm hàng hóa và không hợp tác, đồng thời không hề có văn bản giải trình cho cơ quan hải quan.
Không chỉ bị phát hiện ngay tại cửa khẩu, theo cảnh báo của Tổng cục Hải quan, một số trường hợp mang hàng xuất xứ Trung Quốc vào các khu công nghiệp của VN để lắp ráp, hoặc chỉ gắn nhãn mác bao bì “Made in Vietnam” để xuất sang nước thứ 3 mà VN được hưởng ưu đãi thuế quan. Điển hình là các loại bếp gas, lò nướng, lò vi sóng, bóng đèn Rạng Đông… nhập từ Trung Quốc vào gắn thương hiệu VN để sản xuất tiêu thụ. Với các mặt hàng nông sản, ngoài việc trái cây, rau củ quả Trung Quốc nhập vào VN được gắn xuất xứ các quốc gia phát triển như Úc, Mỹ, Nhật… cũng có không ít trái cây Trung Quốc “đội lốt” trái cây Việt: cam, quýt, táo…
Nhiều DN “qua đời”
Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN, khẳng định việc hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt là một thảm họa cho DN nội địa. “Tôi từng đến Thổ Tang, ổ hàng Tàu, phục ở đó mấy đêm xem vận chuyển và phân phối về VN như thế nào, mới thấy thật khủng. Có một thực tế là DN hàng VN chất lượng cao mấy năm trước hăng hái “bắc tiến” nay không ít đã bỏ cuộc bởi không chịu nổi hàng Tàu. Không chỉ gắn mác Việt, hàng Tàu vào VN được gắn mác Thái trà trộn ngay trong các hội chợ hàng Thái được tổ chức tại VN, chui vào khu nông nghiệp công nghệ cao của VN, hưởng thuế suất ưu đãi, nhập nông sản của họ qua, lau rửa sơ sơ, dán nhãn Việt xuất xứ công nghệ cao. Hay nhiều mặt hàng giấy gắn mác Việt nhưng nhập nguyên ruột từ Trung Quốc…”, bà Hạnh thông tin và chua chát nhận xét: “Đã có không ít nhà sản xuất Việt, làng nghề truyền thống Việt lặng lẽ “qua đời” bởi thảm họa hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”.
Chuyên gia thương mại Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, phân tích hàng Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt xuất hiện nhiều hơn khi hàng hóa nước này chất lượng kém, độc hại, bị người tiêu dùng cảnh giác, thậm chí tẩy chay. Một yếu tố nữa là hàng Thái nhiều năm trở lại đây lại nhập vào VN với giá rẻ, được coi như sản phẩm “thế chân” hàng Trung Quốc tại thị trường nội địa. Vì vậy, nhà sản xuất ở Trung Quốc phải thay đổi “chiêu”, trong đó “đội lốt” hàng Việt là một trong những chiêu trò. “Tuy nhiên, vấn đề không quan trọng bằng việc chính chúng ta đang tiếp tay quá nhiệt tình cho sự gian lận thương mại này. Chính các nhà kinh doanh Việt sang tận Trung Quốc đặt hàng, thỏa thuận luôn việc phải gắn xuất xứ VN mới mua hàng”, ông Phú “bắt bệnh” và khẳng định, trách nhiệm để tình trạng hàng Tàu đội lốt hàng Việt tung hoành tại thị trường nội địa thuộc về cơ quan quản lý thị trường. “Quản lý thị trường ở đâu để đến ông Khaisilk bán hàng lụa Trung Quốc gắn mác Việt đến 30 năm mà không phát hiện ra? Quản lý thị trường ở đâu để các trung tâm thương mại, chợ bán hàng sỉ từ Hà Nội, TP.HCM ngập hàng Trung Quốc gắn mác hàng Việt? Các mặt hàng này cũng được len vào hội chợ hàng Việt, hội chợ hàng Thái… Tôi nghĩ phải có sự tiếp tay hoặc làm lơ của cơ quan chức năng. Thế nên, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến Bộ trưởng Bộ Công thương phải coi lại trách nhiệm các nhà quản lý trong vấn đề này”, ông Phú nói.

 

Nguyên Nga