Phải dẹp nạn núp bóng hàng Việt
Tạo dựng được thương hiệu rồi phút chốc hoen ố, doanh nghiệp xót xa. Nhưng mất tất cả là người tiêu dùng bởi họ đã tin vào một thương hiệu được xây dựng bằng sự gian lận. Chống gian lận, được không?
Phải dẹp nạn núp bóng hàng Việt.
Tạo dựng được thương hiệu rồi phút chốc hoen ố, doanh nghiệp xót xa. Nhưng mất tất cả là người tiêu dùng bởi họ đã tin vào một thương hiệu được xây dựng bằng sự gian lận. Chống gian lận, được không?
Doanh nghiệp, khách hàng, cơ quan quản lý cần gì?
Vụ Khaisilk cũng đặt ra một loạt câu hỏi. Từ trách nhiệm của cơ quan quản lý như hải quan, quản lý thị trường, công an kinh tế, thuế đến chính quyền địa phương trên địa bàn…
Ông VŨ VINH PHÚ
* Ông VŨ VINH PHÚ (chuyên gia thương mại):
Hàng giả giết chết hàng thật
Vụ khăn lụa Trung Quốc gắn nhãn “Khaisilk made in Vietnam” là câu trả lời rất đau xót cho việc hàng loạt máy dệt lụa của các làng dệt như Mã Châu (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) phải bán sắt vụn.
Vụ Khaisilk cũng đặt ra một loạt câu hỏi. Từ trách nhiệm của cơ quan quản lý như hải quan, quản lý thị trường, công an kinh tế, thuế đến chính quyền địa phương trên địa bàn…
Tại sao cơ chế chính sách quản lý không thiếu nhưng hàng lậu, hàng gian lận thương mại vẫn ngang nhiên tồn tại? Phố Hàng Gai, nơi có cửa hàng bán khăn lụa của Khaisilk, là phố văn minh thương mại.
Theo quy định, các thương nhân ở tuyến phố này không bán hàng giả. Vậy tại sao Khaisilk vẫn bán khăn Trung Quốc gắn mác Việt Nam suốt nhiều năm qua?
Rõ ràng, dù chính sách có đầy đủ đến bao nhiêu nhưng cán bộ quản lý làm ngơ hoặc cố tình tiếp tay cho cái sai thì hàng giả sẽ giết chết hàng thật!
Để ngăn chặn tình trạng hàng giả hoành hành, giết chết hàng Việt, qua vụ việc này, trước hết phải có cuộc tổng kiểm tra, rà soát những hàng hoá nhập lậu. Giữa các cơ quan hải quan, thuế, quản lý thị trường, công an, chính quyền địa phương… phải ngồi lại với nhau.
Một doanh nghiệp không có nhà xưởng, hoặc nhà xưởng rất lèo tèo mà doanh thu bán hàng rất khủng thì phải thấy rõ có vấn đề ở đây.
Chính sự lộng hành của hàng lậu đang giết chết sản xuất trong nước, khiến doanh nghiệp lao đao và người lao động khó khăn, thiếu thốn khi không có việc làm.
Ngoài doanh nghiệp, phải quy trách nhiệm cho những cơ quan quản lý và gác cửa.
* Ông PHẠM NGỌC HƯNG (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):
Áp dụng truy xuất nguồn gốc
Khi người tiêu dùng đặt niềm tin vào đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng chỉ nhận lại toàn “quả đắng” thì chắc cũng không nên hô hào theo kiểu kêu gọi đạo đức của doanh nghiệp quay trở về.
Vậy thì áp dụng tiến bộ của công nghệ vào việc quản lý doanh nghiệp, yêu cầu ứng dụng truy xuất nguồn gốc vào nhiều chủng loại hàng hoá, sản phẩm chứ không nên gói gọn trong lĩnh vực thực phẩm như hiện nay.
Hiện rất nhiều nước sử dụng QR code (mã phản hồi nhanh, hoặc mã vạch ma trận) để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, do nước nào sản xuất, nhập khẩu bởi ai, hoặc nguồn nguyên liệu có từ đâu.
Doanh nghiệp bắt buộc phải tiến tới mục tiêu này, tức phải khai báo đầy đủ mọi thông tin, nguồn gốc có liên quan đến sản phẩm vào dữ liệu nguồn. Đòi hỏi được như vậy khách hàng mới có cơ hội là “người tiêu dùng thông minh”.
Từ vụ Khaisilk, người tiêu dùng không thể ngồi im trông chờ vào sự tự giác minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm mà doanh nghiệp hứa hẹn.
Thay vào đó, họ cần những hành động thiết thực, được áp dụng các ứng dụng hữu ích ngay vào thực tiễn đời sống để nhận diện được nhanh chóng, rõ ràng lý lịch của tất cả mọi thứ, từ đồ mua cho đến người bán.
* Ông GIANG CÔNG THẾ (nguyên chuyên gia IT cho Word Bank):
Làm lại thương hiệu tơ lụa “made in VN”: không khó!
Gia đình và làng quê tôi ven sông Hoàng Long (Ninh Bình), từng có nghề trồng dâu nuôi tằm. Tuy nhiên, cách trồng dâu nuôi tằm không thể theo lối cũ, lạc hậu mà cần tổ chức lại bài bản. Từ đầu vào (con giống, cây dâu…) đến đầu ra (công nghệ, thị trường…), có quy trình khoa học thì tơ tằm Việt Nam mới có thương hiệu trên thế giới.
Về câu chuyện lụa của Khaisilk, ta nên nhìn nhận trong cái nguy có cơ. Thương hiệu Khaisilk đã vang bóng mấy chục năm qua chứng tỏ tên tuổi tơ lụa của Việt Nam là có thật.
Hãy dẹp “câu chuyện gian thương” ra một bên mà hướng tới tương lai.
Tôi từng dự một hội thảo về chống thực phẩm bẩn, được nghe một tập đoàn cà phê lừng danh thú nhận “từng thêm đậu nành vào bột cà phê và bán ra thị trường”, làm hội trường chết lặng.
Tôi thấy doanh nghiệp này dũng cảm: họ nói thế vì họ muốn thay đổi. Đó là hãy bắt đầu từ ngày hôm nay, kể cả ông Hoàng Khải – người có tiềm lực và hiểu biết, ông ra tay sẽ thay đổi được và giúp chính ông “gột rửa thanh danh”.
Ngành dâu tằm nếu đi đúng hướng và đạt được chất lượng cao thì giá một cái vỏ chăn bằng lụa tơ tằm tự nhiên là 1.000 USD là hoàn toàn có thể.
Hàng tiêu dùng thế giới đã bão hoà về sợi hoá tổng hợp. Khách hàng thích những gì tự nhiên (organic) như vải bông thô hay cao cấp là tơ tằm. Tâm lý khách mua món hàng vì giá trị mang lại cho người dùng thì giá cả không thành vấn đề.
Có thương hiệu “silk made in Vietnam” kết hợp với du lịch thăm làng nghề truyền thống dệt tơ với vốn văn hoá ngàn năm sẽ cuốn hút khách hơn là những toà nhà cao vút mà nơi nào trên thế giới cũng có.
Giả nhãn mác để vào Việt Nam và ASEAN
Tại cuộc họp về hàng gian lận thương mại do Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban 389) vừa tổ chức, ông Nguyễn Văn Cẩn – tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan – cho biết tình trạng giả xuất xứ khá phổ biến và mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng.
Thời gian qua, hải quan đã bắt giữ được nhiều hàng do Trung Quốc sản xuất nhưng gắn mác xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ nội địa, cũng như đi vào thị trường ASEAN để hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt.
Ông Lê Hồng Sơn, phó chủ tịch UBND Hà Nội, cho biết từ đầu năm đến nay Ban 389 Hà Nội cũng bắt giữ được nhiều vụ gian lận xuất xứ Việt Nam.
Như bánh kẹo sản xuất ở Trung Quốc nhưng ghi nhãn mác sản xuất ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), bóng đèn sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại nhập về gắn nhãn mác Rạng Đông của Việt Nam, quần áo sản xuất ở Trung Quốc nhưng gắn nhãn mác Hanosimex của Tổng công ty CP Dệt may Hà Nội…