28/11/2024

Catalonia đơn độc giữa khủng hoảng

Chính quyền trung ương Tây Ban Nha ngày 28.10 đã bắt đầu áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp lên vùng Catalonia.

 

Catalonia đơn độc giữa khủng hoảng.

Chính quyền trung ương Tây Ban Nha ngày 28.10 đã bắt đầu áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp lên vùng Catalonia.




Biển người đổ xuống đường ăn mừng sau khi Catalonia chính thức tuyên bố độc lập ///  Ảnh: Reuters

Biển người đổ xuống đường ăn mừng sau khi Catalonia chính thức tuyên bố độc lậpẢNH: REUTERS.

Động thái trên diễn ra một ngày sau khi nghị viện Catalonia thông qua nghị quyết với nội dung tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, lập ra “quốc gia dân chủ mang tên Cộng hòa Catalonia”. Theo Reuters, chính phủ Tây Ban Nha đã sa thải Thủ hiến Carles Puigdemont và giải tán nghị viện Catalonia. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy cũng đã cách chức lãnh đạo lực lượng cảnh sát Catalonia Josep Lluis Trapero, đồng thời tuyên bố các bộ ngành chính phủ trung ương sẽ tiếp quản chính quyền vùng này cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử mới tại Catalonia vào ngày 21.12. Hiện Phó thủ tướng Soraya Saenz de Santamaria được giao phụ trách Catalonia, còn Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm kiểm soát lực lượng cảnh sát vùng này.
Catalonia đơn độc giữa khủng hoảng - ảnh 1

 
 

“Tây Ban Nha đang trải qua một ngày đau buồn. Chúng tôi tin rằng việc cấp thiết là lắng nghe người dân Catalonia để họ có thể quyết định tương lai của mình và không ai có thể nhân danh họ để hành động trên luật pháp”, ông Rajoy tuyên bố. Thủ tướng Tây Ban Nha cũng kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh sau khi các nhóm ủng hộ ly khai đổ ra đường ăn mừng và các nhóm chống ly khai xuống đường biểu tình tại Barcelona, thủ phủ vùng Catalonia cũng như ở một số nơi khác.
Hiện chưa rõ liệu Thủ hiến Puigdemont có chấp nhận ra đi hay không, song giới công tố Tây Ban Nha xác nhận sẽ khởi tố ông tội “nổi loạn” vào tuần tới. Trong khi đó, Thủ hiến Puigdemont đêm qua từ chối công nhận quyết định sa thải của chính quyền trung ương, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục nỗ lực cho “một quốc gia tự do” và kêu gọi người dân vùng Catalonia phản kháng hòa bình với “cuộc tiếp quản” của Madrid.
Theo giới phân tích, căng thẳng dễ gia tăng trong vài ngày tới do những người ủng hộ ly khai có thể ngăn cảnh sát quốc gia “áp giải” các viên chức Catalonia ra khỏi phòng làm việc, từ đó gây bùng phát các vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.
Trước diễn biến mới tại Tây Ban Nha, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố việc Catalonia tuyên bố độc lập không thay đổi được điều gì và Liên minh Châu Âu sẽ chỉ làm việc với chính quyền trung ương Madrid, theo Reuters. Nhiều nước trên thế giới như Anh, Bỉ, Canada, Đức, Mỹ, Pháp… cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với chính quyền của Thủ tướng Rajoy. Đức khẳng định ủng hộ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tây Ban Nha và không công nhận nền độc lập của Catalonia. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đưa ra thông cáo với nội dung nước này ủng hộ các biện pháp theo hiến pháp của chính quyền trung ương Madrid, nhằm duy trì một đất nước Tây Ban Nha vững mạnh và thống nhất.
Lo lắng Barcelona có nhiều bất ổn
Bạn Nguyễn Thành Phát, thực tập sinh ở Barcelona, cho biết bản thân bạn không thấy quá nhiều ảnh hưởng, vì mọi việc còn quá mới, duy chỉ có sau khi tuyên bố độc lập, người dân Catalonia có tuần hành từng nhóm nhỏ. Bạn có chút lo lắng các tài khoản ngân hàng có thể bị đóng băng vì trong tháng trước đã có nhiều gia đình bạn bè không thể giao dịch tiền. Phát lo ngại rằng trong thời gian tới, Tây Ban Nha sẽ có nhiều biện pháp quản lý vùng này và có thể đưa quân đội đến kiểm soát.
Còn chị Vũ Thị Yến (Cao học Marketing, Đại học tự trị Barcelona) chia sẻ, kể từ cuối tháng 9 đến nay, việc đòi ly khai khá là căng thẳng. Cuộc sống vẫn diễn ra bình thường nhưng bị ảnh hưởng vì có nhiều cuộc đình công ở trường học, metro… Nhiều cuộc biểu tình khiến những người nước ngoài sống ở đây cảm thấy phiền toái, phải nghỉ học và có lúc không có phương tiện công cộng để đi lại. Nếu đi xe hơi trong thành phố thì nhiều tuyến đường bị chặn khi có biểu tình. Ngoài ra cũng có thể ảnh hưởng đến việc làm giấy tờ của người nước ngoài sống ở đây.
Theo chị Yến, nhiều người Việt ở Barcelona không quan tâm vấn đề này, vẫn sống như bình thường. Bản thân chị Yến không ủng hộ việc ly khai vì bất lợi cho đôi bên và còn ảnh hưởng xấu đến người nước ngoài sống tại đây. Chị cho rằng có thể trong thời gian sắp tới, tìm kiếm việc làm ở Barcelona sẽ gặp khó khăn vì đã có khoảng 1.300 công ty dời văn phòng ra khỏi khu tự trị Catalonia để không bị ảnh hưởng bởi các bất ổn.
Diệp Uyên


 

Danh Toại