11/01/2025

Nợ công vẫn tăng, thu từ ‘ông lớn’ giảm

Các báo cáo mà Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14 đang diễn ra cho thấy nhiều chỉ dấu đáng lo ngại về nợ công, thu ngân sách từ khối các doanh nghiệp nhà nước.

 

Nợ công vẫn tăng, thu từ ‘ông lớn’ giảm.

Các báo cáo mà Chính phủ vừa gửi các đại biểu Quốc hội phục vụ kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá 14 đang diễn ra cho thấy nhiều chỉ dấu đáng lo ngại về nợ công, thu ngân sách từ khối các doanh nghiệp nhà nước.

 

 

 

Lợi nhuận năm 2016 của tập đoàn dầu khí giảm 38% so với năm 2015 /// Ảnh: TTXVN

Lợi nhuận năm 2016 của tập đoàn dầu khí giảm 38% so với năm 2015ẢNH: TTXVN

Nợ công tăng 0,27 triệu tỉ đồng
Báo cáo của Chính phủ cho hay đến cuối năm 2017 nợ công khoảng 3,13 triệu tỉ đồng, tương đương 62,6% GDP. Xét về tỷ lệ trên GDP, thì con số này giảm 1% so với cuối năm 2016 nhưng xét về giá trị tuyệt đối thì dư nợ công lại tăng 0,27 triệu tỉ đồng. Trong số này, nợ Chính phủ khoảng 2,59 triệu tỉ đồng, bằng 51,8% GDP; nợ được Chính phủ bảo lãnh khoảng 498.000 tỉ đồng và nợ chính quyền địa phương 39.600 tỉ đồng.
Chính phủ thừa nhận hệ số thanh toán trả nợ khá cao, đang có xu hướng tăng lên, gây áp lực bố trí nguồn trả nợ của ngân sách.
Báo cáo của Chính phủ cho hay, sang năm 2018, Chính phủ dự kiến vay mới để trả nợ gốc khoảng 146.770 tỉ đồng, vay nước ngoài về cho vay lại 40.000 tỉ và vay bù đắp bội chi ngân sách trung ương khoảng 195.000 tỉ đồng… Đến cuối năm sau, nợ công năm 2018 dự kiến sẽ ở mức khoảng 63,9% GDP, nợ Chính phủ 52,5% GDP và nợ nước ngoài là 47,6% GDP. Tuy nhiên, Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ chi tiêu, cân đối thu chi ngân sách, huy động vốn ngân sách cho đầu tư phát triển và chỉ vay nợ trong phạm vi kế hoạch hằng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt…
“Ông lớn” nhà nước giảm cả doanh thu, lợi nhuận
Trong khi đó, tại báo cáo về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Chính phủ cho biết nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước lại đang giảm đi. Cụ thể, tính đến thời điểm kết thúc năm tài chính 2016, 583 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (trong đó có 7 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty) mang về tổng doanh thu 1,515 triệu tỉ đồng, giảm 1% so với năm trước đó. Số lợi nhuận trước thuế năm 2016 mà khối này thu được là 139.658 tỉ đồng, giảm đến 14% so với thực hiện 2015.
Đáng chú ý, khối 7 tập đoàn giảm tới 25% so với thực hiện năm 2015 khi chỉ mang lại lợi nhuận 78.870 tỉ đồng. Điển hình như Tập đoàn dầu khí quốc gia VN có số lợi nhuận năm 2016 là 26.517 tỉ đồng, giảm tới 38% so với năm 2015. Tập đoàn hóa chất VN có số lợi nhuận kế toán trước thuế năm 2016 là âm hơn 335 tỉ đồng.
Báo cáo cho biết tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của các doanh nghiệp này đạt 3,05 triệu tỉ đồng, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2015 (xét trong cùng số lượng 583 doanh nghiệp nhà nước hiện có năm 2015). Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp là 1,398 triệu tỉ đồng, tăng 4,3% so với năm 2015.
Quy hoạch “treo” phải đền bù cho dân
Thảo luận tại hội trường về dự án luật Quy hoạch ngày 25.10, các đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị nếu quy hoạch treo, chồng chéo, gây thiệt hại cho người dân thì phải đền bù.
Băn khoăn với quy hoạch ngành, theo ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) đang tồn tại tình trạng mạnh đơn vị, ngành nào ngành ấy quy hoạch. Do khâu quy hoạch không thống nhất, thiếu tổng thể dẫn đến thực trạng làm đường xong lại đào lên hạ đường nước, đường điện. Cho rằng nhà nước không nên tham gia làm quy hoạch ngành, ĐB Hạ nêu dẫn chứng ở ngành nông nghiệp: “Vì sao có quy hoạch rồi nhưng người dân vẫn phải chặt cây điều, cây tiêu? Gần đây là quy hoạch đàn heo, mặc dù chưa đạt mức tối đa của quy hoạch nhưng chúng ta vẫn phải giải cứu? Nhà nước lập quy hoạch thế này vậy thiệt hại của dân ai chịu trách nhiệm, người dân có được đền bù thiệt hại hay không?”.
ĐB Lê Công Đỉnh (Long An) nhấn mạnh đến thực trạng thời gian qua “quy hoạch treo” khá phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống người dân trong vùng dự án cũng như trong vùng quy hoạch. “Tại điều 60, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung chống việc chậm, không triển khai quy hoạch, quy định rõ thời gian phải triển khai hoàn thành quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng. Có chế tài quy định rõ trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại do chậm, không triển khai quy hoạch gây ra”, ĐB Đỉnh đề nghị.
 Tiêu Phong 

 

Chí Hiếu