11/01/2025

Dự án chết chóc của Mỹ thời Chiến tranh lạnh

Các dự án thử vũ khí sinh hoá, phóng xạ bí mật của Mỹ thời Chiến tranh lạnh bị cáo buộc gây tổn hại sức khoẻ cho người dân địa phương.

 

Dự án chết chóc của Mỹ thời Chiến tranh lạnh.

Các dự án thử vũ khí sinh hoá, phóng xạ bí mật của Mỹ thời Chiến tranh lạnh bị cáo buộc gây tổn hại sức khoẻ cho người dân địa phương.


 

 

Một chiếc C-119 Flying Boxcar, loại thường dùng để rải 
hóa chất vào thập niên 1950
 /// USAF

 

 

 

Một chiếc C-119 Flying Boxcar, loại thường dùng để rải hoá chất vào thập niên 1950USAF

 

 

 

Kể từ khi giới khoa học phát hiện được một cơ chế gọi là bức xạ ion hoá, vô số các cuộc thí nghiệm đã được thực hiện ở người nhằm tìm hiểu mức độ ảnh hưởng của tình trạng ion h và tác động của nhiễm phóng xạ đối với cơ thể, đặc biệt trong trường hợp của nguyên tố plutonium. Trong cuốn sách có tênBehind the Fog: How the US Cold War Radiological Weapons Program Exposed Innocent Americans (tạm dịch: Đằng sau làn sương mù: Cách thức Mỹ triển khai chương trình vũ khí phóng xạ đối với những người Mỹ vô tội vào thời Chiến tranh lạnh), tác giả Lisa Martino-Taylor, trợ lý giáo sư của Đại học Cộng đồng St.Louis (bang Missouri), đã tiết lộ những chi tiết rùng rợn về dự án bí mật của Mỹ trong giai đoạn chạy đua với Liên Xô. Theo đó, các đối tượng, bao gồm nhiều trẻ em, thai phụ, người thiểu số, đã tiếp xúc với phóng xạ và những vật liệu nguy hiểm khác thông qua đường ăn uống, hô hấp hoặc tiêm chích mà không hề hay biết.
Mô phỏng tấn công sinh học
Tiến sĩ Martino-Taylor đã sử dụng luật Tự do thông tin để yêu cầu cung cấp những tài liệu chưa từng được công bố trước đó, bao gồm các hồ sơ của lục quân Mỹ. Bà cũng xem lại các hồ sơ đã công khai và các bài viết liên quan. Sau thời gian rà soát mọi thứ, bà Martino-Taylor xác định được một nhóm các nhà nghiên cứu, với sự hỗ trợ của những viện học thuật hàng đầu nước Mỹ, đã tìm cách phát triển những dòng vũ khí phóng xạ, trước khi chuyển sang chế tạo “vũ khí hỗn hợp”, bằng cách pha trộn vật liệu phóng xạ với vũ khí hoá học hoặc sinh học. Quyển sách xuất bản hồi tháng 8 là công trình tiếp nối luận án vào năm 2012 của bà Martino-Taylor, với nội dung phanh phui vụ thử nghiệm hỗn hợp zinc cadmium sulfide (ZnCdS) tại thành phố St.Louis của bang Missouri vào thập niên 1950 và 1960, do khu đô thị này có một số điểm tương đồng với các thành phố mục tiêu của Liên Xô mà Mỹ có thể tấn công.
Lúc đó, trang tin Livescience.com dẫn báo cáo của bà Martino-Taylor cho hay lục quân Mỹ đã phun ZnCdS bằng các máy thổi khí bên trên những khu nhà của dân thu nhập thấp. Để che đậy vụ việc, giới hữu trách giải thích với người dân trong khu vực rằng họ đang tiến hành chương trình thử nghiệm phun khói mù có thể che khuất tầm nhìn của Liên Xô từ trên không. Tuy nhiên, khi phía quân đội thừa nhận mục đích thực sự vào năm 1994, dư luận lập tức bừng bừng phẫn nộ, buộc quốc hội phải yêu cầu Hội đồng Nghiên cứu quốc gia (NRC) phân tích ảnh hưởng về mặt sức khoẻ của hỗn hợp trên. Do thiếu các cuộc nghiên cứu về ZnCdS trước đó nên NRC chỉ tập trung vào thành phần nguy hiểm nhất của hỗn hợp là cadmium. Từ hướng tiếp cận này, hội đồng kết luận phân lượng hợp chất được phun vào không khí ở những khu nghèo của St.Louis (24,4 microgram/người trong 31 tháng) không gây hại cho sức khoẻ cộng đồng.
Khi làm luận án, tiến sĩ Martino-Taylor bắt tay vào việc nghiên cứu lại cuộc thử nghiệm ZnCdS, một phần của “Chiến dịch bao phủ khu vực rộng lớn” (LAC), nhằm phân tích mối đe dọa từ những cuộc tấn công sinh học bằng cách mô phỏng sự phát tán mầm bệnh qua không khí. Quy mô của các cuộc thí nghiệm vượt xa sự tưởng tượng của mọi người. Hóa chất ZnCdS không những được rải tại nhiều khu vực rộng lớn của Mỹ, mà lan sang các vùng đất của Mexico và Canada. Ví dụ, từ ngày 9.7 – 1.8.1953, tổng cộng có 6 kg hỗn hợp này được phun xuống (dưới dạng khí) thành phố Winnipeg của Canada từ các máy bay Mỹ. Nghiêm trọng hơn, bà Martino-Taylor cho rằng quân đội có thể đã trộn các hạt phóng xạ với ZnCdS khi phát tán. Dù nữ tác giả thừa nhận không có chứng cứ trực tiếp về sự liên quan của vật liệu phóng xạ trong chiến dịch LAC, báo cáo của bà đã đánh động các thượng nghị sĩ của bang Missouri, buộc họ gửi thư đến Bộ trưởng Lục quân Mỹ John McHugh yêu cầu giải trình về vụ việc, theo AP.
Thí nghiệm với thai phụ, học sinh
Sau 5 năm, quyển sách Đằng sau làn sương mù ra đời, tập trung vào giai đoạn giữa thập niên 1940 đến giữa 1960. Bà Martino-Taylor cho hay chương trình vũ khí phóng xạ từng là ưu tiên của chính quyền Mỹ. Vô số người trên khắp lãnh thổ Mỹ, cũng như một phần của Anh và Canada, đã trở thành đối tượng thí nghiệm mà không hề hay biết. “Trong đa số các trường hợp, họ (chính phủ Mỹ) tập trung vào thành phần dễ bị tổn thương nhất của xã hội… Họ nhắm vào trẻ em. Họ nhắm vào thai phụ ở thành phố Nashville (bang Tennessee), những người ngã bệnh trong các bệnh viện, những người được chính phủ bảo trợ. Và họ thử nghiệm trên nhóm người thiểu số”, bà chỉ ra.
Các vụ thử ở Nashville vào cuối thập niên 1940 bao gồm hoạt động cho 820 thai phụ nghèo uống hỗn hợp thuốc “dưỡng thai” pha đồng vị sắt phóng xạ trong lần khám thai đầu tiên, theo tiến sĩ Martino-Taylor. Những người được chọn không hề biết mình lọt vào tầm ngắm. Một thời gian sau, họ được thử máu để các bác sĩ xác định người mẹ hấp thu bao nhiêu lượng phóng xạ và trẻ sơ sinh cũng được kiểm tra vào thời điểm chào đời. Các vụ thí nghiệm tương tự cũng được triển khai ở Chicago và San Francisco. Tại bang California, lục quân Mỹ tạo ra một khu vực phóng xạ dã chiến bên trong một tòa nhà của Trường trung học Bắc Hollywood vào một thời điểm cuối tuần của mùa thu năm 1961, và kế đến là tại Đại học California ở Los Angeles và Sở Cảnh sát Los Angeles.
Dự án chết chóc của Mỹ thời Chiến tranh lạnh - ảnh 1

TIN LIÊN QUAN

Hồ sơ vũ khí sinh hoá của Mỹ

Trong nhiều thập niên, Mỹ từng theo đuổi những chương trình vũ khí sinh học, hoá học có khả năng khiến hàng triệu người thiệt mạng.

Một trong số những người có thể nhớ lại vụ thí nghiệm là Mary Helen Brindell, 73 tuổi. Lúc đó, Brindell còn là một cô bé đang chơi bóng rổ trên đường phố St.Louis vào giữa thập niên 1950 khi một toán máy bay màu xanh lướt qua đầu. Đột nhiên, từng lớp bột mịn phủ xuống, bám chặt vào làn da nhễ nhại mồ hôi của bọn trẻ đang nô đùa bên dưới. Nhiều năm sau, bà Brindell bị ung thư vú, tuyến giáp, da và niệu đạo. Chị của bà đã qua đời vì một dạng ung thư thực quản hiếm gặp. “Tôi chỉ muốn một lời giải thích từ chính phủ? Tại sao các người lại làm điều tệ hại đến thế cho người dân?”, bà Brindell bức xúc.

Một trường hợp khác là bà Doris Spates, 62 tuổi, chào đời vào năm 1955 ở tầng 11 của căn hộ chung cư dành cho người thu nhập thấp Pruitt-Igoe, nơi lục quân Mỹ phun ZnCdS từ phần mái trở xuống. Cha của bà chết đột ngột khi con gái mới được 3 tháng tuổi. Bốn trong số 11 anh chị em của bà Spates đều bị ung thư kết liễu mạng sống khi tuổi đời còn khá trẻ. Về phần mình, bà may mắn sống sót sau khi bị ung thư buồng trứng và gặp vấn đề về da cũng như hô hấp. “Điều đó khiến tôi phẫn nộ”, bà Spates nhớ lại. Theo bà, việc buộc những người vô tội trở thành vật thí nghiệm sống là hành động quá sức nhẫn tâm.
Sau khi cuốn sách được xuất bản, đã có ba hạ nghị sĩ đảng Dân chủ tại các bang từng diễn ra các cuộc thí nghiệm nhanh chóng hành động, theo AP. Văn phòng nghị sĩ Jim Cooper, bang Tennessee, cho biết: “Chúng tôi đang yêu cầu được biết chi tiết về vai trò của Lầu Năm Góc, cùng với bất cứ mối liên hệ và hợp tác nào từ các viện nghiên cứu và tổ chức liên quan”. Trong khi đó, nghị sĩ Brad Sherman của bang California muốn thực hiện cuộc khảo sát đối với những cựu học sinh tại các ngôi trường trong tiểu bang từng bị biến thành lò thí nghiệm dã chiến cách đây nhiều thập niên, để xác định được liệu tỷ lệ bệnh tật, bao gồm ung thư, có cao đột biến do ảnh hưởng từ giai đoạn đó hay không. Còn nghị sĩ William Lacy Clay của bang Missouri bày tỏ sự giận dữ. “Tôi tham gia nỗ lực của các đồng nghiệp nhằm tìm ra sự thật đằng sau vụ thí nghiệm trên”, ông nhấn mạnh.

 

Thuỵ Miên